Sĩ tử sì sụp khấn vái bia "Hạ Mã" - xuống ngựa
Trước kỳ thi THPT Quốc gia 2021 (diễn ra ngày 7-8/7), rất đông học sinh, phụ huynh tại Hà Nội kéo đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám để thắp hương cầu may mắn, đỗ đạt. Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm nay Văn Miếu vẫn đang tạm đóng cửa, không đón tiếp khách. Đa phần người dân đến dâng hương đều phải vái vọng từ phía ngoài Văn Miếu.
Việc sĩ tử đến dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trước mỗi kỳ thi là một nét văn hóa tốt đẹp, tuy nhiên, có một cảnh tượng không được "thuận mắt" lặp đi lặp lại nhiều năm qua vẫn diễn ra tại chốn linh thiêng này. Đó là hình ảnh nhiều sĩ tử sì sụp khấn vái bia "Hạ Mã".
|
Học sinh Hà Nội tìm đến tấm bia "Hạ Mã" trước cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám để dâng lễ cầu may. |
Vượt hơn 30km bằng xe máy từ huyện Thạch Thất lên Văn Miếu để khấn cầu may, em Nguyễn Thu Trang tiếc nuối vì không được vào bên trong để thắp hương, tranh thủ “sờ đầu rùa” dù biết đây là hành vi bị cấm. Sau khi sửa soạn xong mâm lễ hoa quả, tiền vàng, Trang đặt ngay trước tấm bia “Hạ Mã” trước cổng Văn Miếu rồi quỳ xuống khấn vái.
“Em thấy nhiều người thắp hương, cúng vái ở đây nên cũng làm theo. Em nghĩ là miếu thiêng!” - Trang trả lời PV khi được hỏi về ý nghĩa của bia “Hạ Mã”.
Một nam sinh khác (xin giấu tên ở Bắc Từ Liêm) cũng thắp hương và cầu khấn ở bia "Hạ Mã" rồi nhanh chân đi cắm hương ở các gốc cây, bát hương... quanh Văn Miếu. Nam sinh này nói: “Em đến Văn Miếu để sờ đầu rùa và thắp hương, nhưng do dịch COVID-19 không thể vào bên trong. Để thắp bù và không để sót, em thắp hết những nơi nhiều người thắp hương và nơi mà em cảm thấy linh thiêng”.
Chị Hà Linh (quận Hoàn Kiếm) tất bật chuẩn bị mâm lễ cho con gái rồi nhanh chóng đặt trước bia "Hạ Mã" cúng. Khi PV hỏi chị có biết ý nghĩa của tấm bia này không? chị nói: “Bia Hạ Mã là nơi ghi tên những thầy khảo thí đầu tiên của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, là những người tài cao, học rộng nên chị đưa con đến đây để cầu khấn, mong cho con em mình sẽ gặp nhiều may mắn trong kỳ thi sắp tới và đạt kết quả cao”.
Thấy chị Linh hiểu sai về bia "Hạ Mã", chị Vân Anh (phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) đứng gần đó giải thích: “Bia Hạ Mã là nơi buộc ngựa của các quan viên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, không phải bảng khắc tên trạng nguyên hay bảng vàng. Người dân thấy nó cổ kính nên xây lên bàn thờ, dần dần nhiều người khấn vái, hành lễ ở đây. Đặc biệt, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp nên Văn Miếu đóng cửa. Bia Hạ Mã trở thành nơi cúng vái của các sĩ tử và phụ huynh. Nhiều người nghĩ cầu khấn tại đây cũng giống như cầu khấn trong Văn Miếu. Chỉ cần thành tâm, vái vọng ở đâu cũng giống nhau".
Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tại cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám có 2 bia "Hạ Mã", mặc dù Ban quản lý di tích đã đề tấm biển du khách không đặt hoa, vàng mã, đồ lễ tại đây nhưng nhiều người vẫn thắp hương, khấn vái sì sụp. Thậm chí, nhiều người không hiểu ý nghĩa của tấm bia "Hạ Mã".
Tâm linh nhưng đừng mê tín
Trang thông tin điện tử di tích Văn Miếu nêu rõ: “Hai bên khu Tiền án của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có hai tấm bia đề chữ 'Hạ Mã', có nghĩa là xuống ngựa. Bia do Thượng thư Bộ công, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Hoản cho dựng năm 1771. Bia được đặt trong nhà che bia, bên dưới là bệ, kiến trúc nhỏ nhắn và vuông vắn rất hài hòa với toàn bộ không gian xung quanh. Xưa kia, bia 'Hạ Mã' cùng với tứ trụ (4 cột trụ) trước cổng Văn Miếu, được xem là mốc giới hạn xác định ranh giới chiều ngang của Văn Miếu. Bia 'Hạ Mã' được dựng lên để nhắc nhở những người đi qua đây, dù là bậc công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe, đều phải xuống ngựa đi bộ ngang qua để biểu thị lòng tôn kính với các bậc Tiên thánh, Tiên hiền”.
Trang thông tin còn nhắc nhở: “Bia 'Hạ Mã' không phải là không gian thờ tự, thờ cúng, thắp hương. Các tấm bia này là một trong những hạng mục của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần được gìn giữ, bảo vệ”.
Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: "Do tình hình dịch bệnh COVID19 nên di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám chưa mở cửa đón khách. Tuy nhiên, 'đến hội lại lên', trước những kỳ thi cử quan trọng, nhiều học sinh, phụ huynh vẫn tìm đến đây để cúng vái, tìm sự may mắn và bình tâm. Tại đây, công tác bảo đảm an toàn dịch bệnh, thực hiện nguyên tắc 5K vẫn được phía di tích bảo đảm, nhưng việc học sinh và phụ huynh thay nhau dâng lễ, thắp hương, cầu khấn tại tấm bia 'Hạ Mã' thì không quản nổi dù đã cắm biển thông báo và cử người đứng trực nhắc nhở nhưng không thành."
|
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng: "Đã đi đâu, vào đâu nên đọc các quy định của các di tích đó, phải tạo thành thói quen để ứng xử phù hợp”.
|
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, khi gặp một thử thách hay sắp thực hiện một kỳ vọng quan trọng, ngoài việc chuẩn bị bằng thực lực của chính mình thì luôn có xu hướng thực hiện một hành vi tín ngưỡng nào đó để công việc suôn sẻ, phục vụ tâm lý. Học sinh, phụ huynh cũng không ngoại lệ, trước kỳ thi quan trọng THPT Quốc gia nhiều người thường thực hiện các nghi thức tâm linh.
“Học sinh có thể thể hiện qua các tín ngưỡng khác nhau, thắp hương cho ông bà tổ tiên, đến Đền - Chùa, Miếu để cầu khấn. Họ tìm đến Văn Miếu cũng là lẽ thường vì nơi đây thờ tự việc học hành, thi cử. Tuy nhiên, nhiều người lại có những biểu hiện không đúng các quy tắc như: sờ đầu rùa, dâng lễ ở bia 'Hạ Mã', nhiều chỗ không đọc được chữ nhưng thấy là đá cổ thì vái lạy...” - ông Hùng Vĩ nói.
Tuy nhiên ông cho rằng: "Cũng không thể trách móc hay bắt buộc họ cái gì cũng biết vì 'cái gì cũng phải hiểu rồi mới làm thì lại là xã hội lý tưởng, không phải xã hội bình thường nữa'. Họ có thể làm những gì họ mong muốn để nhận được niềm tin, miễn là không vi phạm pháp luật”.
Ông Nguyễn Hùng Vĩ đưa ra quan điểm: “Thói quen của người Việt thông thường chỉ biết đi đến mục đích của mình mà quên đọc các hướng dẫn và luôn có hành động tự do”. Ông Vĩ đưa ra ví dụ: "Hiếm ai đọc hướng dẫn, quy định ở một bãi tắm trước khi xuống tắm hay như việc ít ai đọc và hiểu quy chuẩn cộng đồng Facebook trước khi đăng tải hình ảnh, câu chuyện lên mạng xã hội này..."
“Đã đi đâu, vào đâu nên đọc các quy định của các di tích đó, phải tạo thành thói quen để ứng xử phù hợp” - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Việc học sinh tìm đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám để thắp hương, cúng vái là để củng cố niềm tin, tâm lý, là một nét văn hóa đẹp. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rõ hành vi của mình có ý nghĩa gì, cúng vái cái gì. Việc chưa hiểu rõ tấm bia 'Hạ Mã' là sai của trẻ những cũng có lỗi của người lớn. Chúng ta cần phải nâng cao hiểu biết cho thế hệ trẻ bằng những phương pháp giáo dục, truyền thông và sự hướng dẫn cụ thể của các ban quản lý di tích."
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Phương án chính thức thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022
Nguồn: Truyền hình Hà Nội
Hiểu Lam - Văn Đạt