Trước đề xuất thưởng một tháng lương tối thiểu vùng cho người phụ nữ tại vùng sinh thấp sinh con thứ nhất và thưởng hai tháng lương tối thiểu vùng cho người sinh con thứ 2, chuyên gia, hội chị em phụ nữ đồng loạt lên tiếng. Ngoài đề xuất trên, Bộ Y tế cần đề nghị hỗ trợ về học tập từ cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở cho các gia đình sinh thêm con tại vùng sinh thấp.
Cho tiền không giải quyết được vấn đề
Hiện, vùng sinh thấp gồm 21 tỉnh, tập trung chủ yếu ở các địa phương phía Nam gồm Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long. Do áp lực cuộc sống quá lớn và tâm lý ngại sinh do chi phí chăm nuôi trẻ nhỏ tại các thành phố lớn ngày một nhiều nên khá nhiều gia đình trẻ hiện ngại sinh con hoặc chọn giới tính để sinh con, điều này gây lo ngại về mức sinh thấp, khan hiếm lao động và già hóa dân số trong tương lai.
Bộ Y tế đề xuất thưởng tiền, hỗ trợ để kích thích sinh thêm tại vùng sinh thấp (Ảnh minh họa).
Trả lời phóng viên Dân trí, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội cho biết, việc thưởng tiền không giải quyết vấn đề tận gốc của việc sinh nở của phụ nữ. Bà này cho rằng, hiện bất bình đẳng của phụ nữ còn xảy ra, chị em phụ nữ bên cạnh chăm sóc trẻ em vẫn phải làm việc, kiếm sống và khó có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
"Chính sách vẫn chưa nhìn ra vấn đề và giải quyết thấu đáo, ngoài ra còn tạo ra nhiều kẽ hở", bà Hồng nói với Dân trí.
Tất nhiên phụ nữ khó khăn, vất vả sinh nở nhưng cái chúng ta nhìn là thẳng vào bản chất vấn đề. Cho thêm vài triệu đồng không giải quyết được vấn đề lớn, cần cải cách vĩ mô, thay đổi sâu sắc phân công lao động theo giới, bình đẳng theo giới.
TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội (ISDS)
Các nước Bắc Âu, bình đẳng giới tốt nhưng không phải gia đình nào cũng muốn đẻ, mức sinh cũng chỉ 1.8 thôi. Ở Việt Nam, nếu vấn đề bất bình đẳng giới tiếp tục duy trì, sức ép cho phụ nữ, gia đình trẻ ngày càng lớn thì nguy cơ vài chục năm nữa tỷ lệ sinh sẽ giảm mạnh nữa.
Hiện tại ở Việt Nam, nhà trẻ, trường mầm non ở các thành phố lớn đang rất thiếu, các biện pháp hỗ trợ các kênh cho mẹ, cho phụ nữ còn quá ít khiến gánh nặng sinh đẻ hoặc sau sinh đẻ, nuôi dạy trẻ em đặt lên vai người phụ nữ, cho gia đình trẻ ngày càng lớn dần.
Trẻ em ốm đau thì vẫn chủ yếu là bố mẹ chăm sóc; xã hội, Nhà nước cũng có hỗ trợ nhưng rất ít. Cho phụ nữ chỉ mấy triệu đồng một lần vẫn không thể kích thích người ta sinh thêm được. Tôi tin là không khuyến khích được ai!
Hơn nữa, chính sách lại phân vùng, chỉ những người ở vùng có tỷ lệ sinh thấp mới được, còn ở những vùng sinh cao không khuyến khích. Như vậy, mục đích của chỉ kích thích tăng dân số theo địa giới, cơ học, không khả thi và giới hạn quyền trẻ em.
Chi phí nuôi con quá lớn, bất bình đẳng khiến phụ nữ... sợ đẻ
Chính sách phân vùng bất hợp lý, không khả thi vừa tạo việc quản lý thêm khó khăn hơn. TS. Khuất Thu Hồng cho rằng, vấn đề mấu chốt của mức sinh thấp là vấn đề toàn cầu, khó khăn về chi phí của mỗi gia đình nuôi con nhỏ, hạn chế thăng tiến của phụ nữ có con nhỏ...
Hiện, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em tại các thành phố lớn khá tốn kém do chi phí đắt đỏ, nhiều chính sách an sinh, hỗ trợ cho gia đình trẻ thiếu hụt, không có.
Chừng nào giải quyết được bất bình đẳng giới được giải quyết thì khi ấy phụ nữ, gia đình trẻ mới sẵn sàng sinh thêm con.
Là đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nói trên, chia sẻ với PV Dân trí, chị Vũ Phương Anh (28 tuổi) tại Quận 12, TPHCM cho rằng: Tâm lý ngại sinh của chị em tại TPHCM một phần đến từ chi phí nuôi dưỡng một trẻ em quá lớn trong bối cảnh các khoản trợ cấp không có.
"Gia đình trẻ tại thành phố đều phải tự chủ từ công việc đến chăm lo con cái. Nếu không có bố mẹ trợ giúp bên cạnh, họ phải gửi trẻ tại các cơ sở mầm non. Hiện hệ thống trường mầm non tại các thành phố lớn chịu sức ép lớn do mật độ dân số đông, thiếu nhà trẻ mầm non công lập, đa phần gia đình phải gửi tư nhân, rất tốn kém", chị Phương Anh cho biết.
Chị Phương Anh có con nhỏ 4 tuổi và đang phải gửi mầm non tư nhân với phí hơn 3,5 triệu đồng/tháng. Đây là mức chi phí thấp nhất ở TPHCM, trong khi đó các trường mầm non công lập là 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng.
Theo một số chuyên gia, ở các địa phương thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam bộ, mức sinh thấp là do chị em phụ nữ làm nông nghiệp không đóng bảo hiểm và khi sinh nở không được hưởng bảo hiểm.
Bên cạnh đó, do giá trị sản xuất nông nghiệp hiện không cao, máy móc đang thay thế nhiều sức lao động con người nên nhu cầu sinh nở để có người lao động trong gia đình không bức thiết như trước.
Theo An Linh/Dân Trí