Thiết bị hỗ trợ cho ăn ra đời là công sức mày mò, nghiên cứu của nhóm sinh viên năm thứ tư ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử, gồm Trần Tấn Thanh, Ngô Xuân Cường, Nguyễn An Duy, La Hoàng Thắng.
Món quà cho người già, bệnh nhân
Nhóm sinh viên cho biết bệnh nhân Parkinson, người bị tai biến, liệt, khuyết tật… có thể sử dụng thiết bị cho ăn tự động này.
Theo giới thiệu của các bạn trẻ, máy có hai bộ phận chính là cánh tay đút và mâm thức ăn.
Cánh tay có 2 động cơ điều khiển, mâm xoay có một động cơ giúp hoạt động và một vi điều khiển trung tâm để điều khiển 3 động cơ trên. Khi nhận được tín hiệu từ remote, vi điều khiển trung tâm làm 3 động cơ chạy theo chu trình thiết lập.
|
Các bạn sinh viên tiếp tục hoàn thiện thiết bị tự cho ăn của mình. Ảnh: Minh Nhật. |
Bốn sinh viên còn lập trình phần mềm theo dõi, phân tích chất lượng bữa ăn của người sử dụng.
Khi được kết nối Wi-Fi, chiếc máy sẽ tự động gửi về một trang dữ liệu những thông tin như người bệnh ăn mỗi món bao nhiêu muỗng, thời gian ăn bao lâu…
Phần mềm sẽ phân tích người này thích và không thích món nào, hàm lượng dinh dưỡng đã hấp thụ trong bữa ăn. Nó sẽ tự động lưu lại thông tin theo thời gian và đưa ra đánh giá về tình hình sức khỏe người sử dụng thông qua bữa ăn hàng ngày.
|
Thiết bị có cấu tạo khá đơn giản, mâm thức ăn có thể tháo dễ dàng giúp khâu vệ sinh cho máy thuận tiện. Ảnh: Minh Nhật. |
Trần Tấn Thanh chia sẻ: "Nhà mình cũng có người già bị bệnh, không có khả năng tự chăm sóc, ăn uống. Mình nghĩ phải làm gì đó để giảm gánh nặng cho người thân, tìm một thiết bị giúp bệnh nhân ăn uống dễ dàng hơn".
Từ ý tưởng đó, nhóm bạn đi quan sát thực tế ở Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Tam Bình và Trung tâm người già Thiên Ân. Các sinh viên theo dõi cách nhân viên cho người già, bệnh nhân ăn uống, ghi chép số lượng món ăn, các loại đồ ăn...
Sau đó, 4 sinh viên chia việc cho nhau, người làm cơ khí, kẻ làm phần điện, bạn lập trình… Trong quá trình thực hiện, nhóm nhờ thầy cô khoa Mỹ thuật của trường tư vấn làm thế nào để thiết bị đút thức ăn này có những “đường cong mềm mại”, đẹp mắt, tiện dụng…
Thất bại nhưng không nản
Ý tưởng được ấp ủ và bắt đầu thực hiện khi là sinh viên năm thứ ba, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, các bạn trẻ đã thất bại vì sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của người dùng.
“Lúc đó, tụi mình chỉ ngồi nhà, tưởng tượng về một chiếc máy có thể đút thức ăn và mày mò thực hiện, nên thất bại”, Thanh nhớ lại.
Không từ bỏ ý định, khoảng 3 tháng trước, nhóm tiếp tục thực hiện ý tưởng. Đến nay, sản phẩm đã cơ bản hoàn thiện. Dù chưa thật sự hoàn hảo, nó đã nhận được sự hoan nghênh và đánh giá tích cực từ nhiều trung tâm chăm sóc người già.
|
Thiết bị đã được thử nghiệm ở một số trung tâm dưỡng lão. Ảnh: nhóm sinh viên cung cấp. |
Vấn đề kinh phí luôn là trở ngại lớn đối với sinh viên khi làm nghiên cứu khoa học. Để cho ra đời chiếc máy như hôm nay, nhóm phải làm đi làm lại nhiều lần, mất nhiều tiền mua thiết bị, vật dụng…
Bốn bạn trẻ cho hay đã chi gần 6 triệu đồng làm sản phẩm. Con số này chắc chắn chưa dừng lại khi họ muốn cải tiến một số chức năng của máy.
Vì không có nhiều kinh phí, các sinh viên không mua được những thiết bị tốt nhất, đôi khi phải chế lại một số thứ để sử dụng.
“Ví dụ, sản phẩm hiện tại dùng động cơ, mạch điện của Trung Quốc. Nếu có điều kiện, tụi mình sẽ mua động cơ của Nhật để máy bền hơn”, Thắng cho biết thêm.
Các sinh viên dự kiến nếu máy được hoàn thiện, sản xuất với số lượng lớn, giá thành sẽ không quá cao, từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/sản phẩm.
Nhóm dự định phát triển một trang web hoặc app trên smartphone dựa trên ứng dụng từ thiết bị này. Trang web sẽ cho phép người thân hoặc nhân viên chăm sóc truy cập, theo dõi tình hình ăn uống, sức khỏe của người già hoặc bệnh nhân.
Ngoài ra, các bạn đang nghĩ đến hướng lắp đặt màn hình trên thiết bị để khi máy kết nối Wi-Fi, các cụ già trong viện dưỡng lão, bệnh nhân có thể chat, gọi video với người nhà của mình.
Theo Minh Nhật/Zing News