Mới đây, một số giáo viên đã đưa bộ phim Hàn Quốc “Hậu duệ Mặt trời" vào đề thi tiếng Anh, đề văn nghị luận.
Có rất nhiều học sinh tỏ ra phấn khích vì được trình bày suy nghĩ và cảm nhận về bộ phim mà mình yêu thích. Tuy nhiên, không ít phụ huynh phản đối cách ra đề này.
Bởi lẽ, hiện nay rất nhiều phụ huynh cấm con xem ti vi, xem phim Hàn Quốc vì sợ ảnh hưởng tâm lý các con nên nhiều học sinh lúng túng khi làm bài thi dạng này. Hơn thế, trên đất nước Việt Nam có biết bao câu chuyện lịch sử, xã hội khiến học sinh phải suy nghĩ, tại sao giáo viên lại ra đề về các bộ phim Hàn Quốc? Điều này có khác gì cổ súy cho văn hóa Hàn Quốc?
Vì thế, đặt ra một vấn đề chúng ta cần ra đề văn nghị luận thế nào vừa tạo sự hứng thú cho học sinh nhưng phải sự kiện mang tính tiêu biểu, phù hợp, không quá xô bồ mà học sinh có thể hiểu và làm được.
|
Thầy Phạm Trung Kiên - Giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Chuyên Hạ Long - Quảng Ninh. |
Liên quan đến vấn đề này, thầy Phạm Trung Kiên - Giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Chuyên Hạ Long - Quảng Ninh cho rằng: “Ra đề nghị luận xã hội là một đổi mới hay, quan trọng, giúp môn văn gần gũi với cuộc sống hơn, khiến các em học sinh, ngoài việc đọc những tác phẩm văn chương, còn phải biết quan tâm đến đời sống xã hội đang diễn ra.
Đề nghị luận xã hội liên quan đến những vấn đề xã hội, ví dụ như đề thi liên quan đến bộ phim "Hậu duệ mặt trời" cũng là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, một giáo viên giỏi là người biết đặt ra những vấn đề mang tính thời sự từ bộ phim đó có tác động đến tuổi trẻ như: “Hiện nay, nhiều học sinh bị cuồng nhân vật trong phim Hậu duệ mặt trời. Em có suy nghĩ gì về hiện tượng trên”. Hay đề: “Bộ phim Hậu duệ mặt trời đang gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Em hãy nêu suy nghĩ của mình về cách ứng xử trên mạng xã hội”.
Hay mới đây, trước sự ra đi của ca sĩ Trần Lập, TS. Phạm Hữu Cường (Trung tâm Học mãi) có ra đề: "Trong bài hát "Đường đến ngày vinh quang", cố nhạc sỹ Trần Lập đã viết: "Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai".
Với đề thi nghị luận xã hội này, học sinh thế hệ cuối 9X có thể có em chưa nghe nhạc Bức Tường nhưng vẫn làm được đề này. Rõ ràng đề thi không hỏi về nhạc sĩ Trần Lập, cũng không hỏi bài hát nào, mà đặt ra vấn đề: Con đường đến với thành công.
Cũng theo thầy Phạm Trung Kiên, một đề thi nghị luận xã hội hay cần đảm bảo nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng nhất là: phù hợp với đối tượng và kích thích cảm hứng sáng tạo, viết bài. Nhất là khi cảm hứng sáng tạo, viết bài thường được khơi gợi từ vấn đề mang tính thời sự như sự ra đi của nhạc sĩ tài hoa Trần Lập, hay bộ phim "Hậu duệ mặt trời" .... Lấy lí do không xem phim, không nghe nhạc, không biết nên không làm được bài thì cũng chưa hoàn toàn đúng. Bởi lẽ còn phải xem đề thi ấy cụ thể như thế nào.
Bên cạnh đó, TS. Phạm Hữu Cường cho rằng: “Một đề văn hay không chỉ cần mang tính thời sự; mà còn cần có ý nghĩa giáo dục về tư tưởng, đạo lí, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách cho học sinh, giúp các em hình thành các kĩ năng sống tích cực; đồng thời phải chứa đựng những dữ kiện để học sinh có thể giải quyết được vấn đề mà đề bài đặt ra.
Vì vậy, nếu những đề văn nghị luận xã hội có liên quan đến phim "Hậu duệ mặt trời" mà khiến học sinh không xem phim bị "lỡ nhịp", không làm được bài, bị điểm kém... là một đề bài không đạt yêu cầu".
Để có một đề văn nghị luận hay, đảm bảo tính thời sự và giáo dục tư tưởng người ra đề phải am hiểu sâu sắc và vận dụng khéo léo các vấn đề thời sự xã hội, nhất là các vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ.
Ngoài ra, người ra đề phải có kĩ năng "giấu" được các dữ kiện giải đề ngay trong đề bài - tất nhiên dưới một hình thức mã hoá kín đáo nào đó. Nghĩa là chìa khoá giải đề đã được giấu ngay trong đề bài, nhưng chỉ những học sinh có kĩ năng, có kiến thức, biết tìm tòi suy nghĩ... mới có thể tìm ra.
Với trường hợp "Hậu duệ mặt trời", nếu người ra đề chỉ coi phim ấy như 1 cái cớ để yêu cầu học sinh bộc lộ suy nghĩ về các vấn đề như lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm của con người, lòng yêu thương đồng loại và sứ mệnh cao cả của thầy thuốc... thì sẽ có những đề văn rất hay, khơi gợi được hứng thú của học sinh, có tác dụng hướng học sinh đến những giá trị tốt đẹp, nhân văn.
Cô Lại Thị Thương, giáo viên dạy Văn trường THPT Nam Đông Quan (Đông Hưng – Thái Bình) cho rằng Bộ GD&ĐT đang tích cực đổi mới cách ra đề để tránh tình trạng học sinh học máy móc, học tủ, để khơi gợi sự sáng tạo của học sinh và để môn Văn không trở thành môn học nhàm chán trong nhà trường phổ thông là chủ trương đúng đắn.
Đề Văn nghị luận xã hội hay phải thể hiện tính đúng đắn, chính xác và phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, có yêu cầu cụ thể, rõ ràng, tránh hỏi những vấn đề mang tính chất đánh đố hoặc vượt khỏi tầm hiểu biết của các em.
Ngoài ra phải hướng tới những vấn đề nóng hổi của đời sống, liên quan trực tiếp tới giới trẻ, có như thế mới tạo được hứng thú cho các em làm bài. Hơn thế phải ra theo hướng mở để các em có quyền thể hiện những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm và sự đánh giá của riêng mình.
Mời quý độc giả xem video:
Theo Infonet