Soi những thuỷ điện sai phạm... nên xem xét “tuýt còi” như Thượng Nhật

Google News

(Kiến Thức) - Không chỉ Thủy điện Thượng Nhật sai phạm khi tích nước trái phép, đã không thực hiện quan trắc theo quy định, vận hành không đúng quy trình hồ chứa, một số thủy điện cũng được phát hiện có sai phạm.

Không chỉ thủy điện Thượng Nhật có sai phạm...
Thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, Thừa Thiên – Huế) mới đây bị đoàn công tác Bộ Công thương xem xét lập biên bản xử lý hành chính và báo cáo các cấp thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
Lý do Thủy điện Thượng Nhật bị xem xét “tuýt còi”, ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, do chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã không thực hiện quan trắc theo quy định, cũng như vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã vi phạm việc duy trì điều kiện hoạt động điện lực.
Ngày 18/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đã lập biên bản vi phạm về tài nguyên nước theo Nghị định 36/2020/ND-CP đối với thuỷ điện Thượng Nhật vì hành vi tích nước trái phép. Trước đó, chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã không chấp hành công điện về phòng chống bão số 13 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đơn vị này tự ý tích nước trái phép gây mất an toàn hồ đập và vùng hạ du, gây bức xúc dư luận.
Soi nhung thuy dien sai pham... nen xem xet “tuyt coi” nhu Thuong Nhat
 Thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép.
Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ thủy điện Thượng Nhật, nhiều thủy điện cũng có những sai phạm cần phải xem xét “tuýt còi”. Trong đợt lũ vừa qua, nhiều thủy điện xả lũ cũng bị đặt dấu hỏi về việc có đúng quy trình không?
Thủy điện nào từng sai phạm?
Thủy điện Plei Kần được xây dựng tại thị trấn Plei Kần, xã Đăk Nông, H. Ngọc Hồi và xã Đăk Rơ Nga, H. Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, công suất 17 MW. Dự án do Công ty cổ phần Tấn Phát (Kon Tum) làm chủ đầu tư. Hiện thuỷ điện Plei Kần đang trong quá trình hoàn thiện và vẫn chưa được UBND tỉnh Kon Tum cho tích nước.
Tuy nhiên, bất tuân các chỉ đạo, Thủy điện Plei Kần vẫn tích nước trái phép làm ngập đường vào khu sản xuất hơn 300 ha hoa màu của người dân xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô. Ngày 23/10, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Sở Công Thương Kon Tum đã ra văn bản yêu dừng ngay việc tích nước trái phép nhưng Thủy điện Plei Kần vẫn tái phạm.
Trước đó ngày 5/11, UBND tỉnh Kon Tum có văn bản xử lý việc tích nước trái phép tại công trình Thuỷ điện Plei Kần (do công ty CP Tấn Phát ở TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, làm chủ đầu tư).
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu công ty CP Tấn Phát dừng ngay việc tích nước trái phép tại công trình Thuỷ điện Plei Kần, chỉ được tích nước khi được cấp có thẩm quyền cho phép; chịu trách nhiệm trước pháp luật và an toàn tính mạng, tài sản của người dân do việc tích nước trái phép gây ra. Khẩn trương phối hợp với UBND huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi và các hộ dân bị ảnh hưởng, xác định lại cao trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng thuỷ điện, đảm bảo không ảnh hưởng đến tài sản, hoa màu của nhân dân về lâu dài…
Đáng chú ý, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở TN&MT Kon Tum căn cứ nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; các quy định pháp luật liên quan kiểm tra, xem xét xử lý hành vi vi phạm về tự ý tích nước. Ngoài ra, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Xây dựng tỉnh này căn cứ theo nghị định của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng...
Mới đây, Sở Công Thương Nghệ An vừa thành lập đoàn kiểm tra và phát hiện nhiều phạm tại các nhà máy thủy điện trên địa bàn. Trong 11 nhà máy thủy điện được kiểm tra gồm Nậm Pông, Châu Thắng, Nhạn Hạc, Đồng Văn, Hủa Na, Nậm Mô, Bản Ang, Nậm Nơn, Xoỏng Con, Khe Bố, Chi Khê…đã phát hiện nhiều vi phạm như chưa mua sắm, trang bị vật tư, thiết bị đầy đủ theo danh mục kèm theo phương án bảo vệ đập hồ chứa; Lực lượng bảo vệ chuyên trách đa số không có chứng chỉ huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ; Chưa thực hiện nghiêm quy trình bảo vệ, tuần tra…
Đáng chú ý, quá trình kiểm tra, phát hiện máy phát điện Diesel của Nhà máy thủy điện Xoỏng Con, huyện Tương Dương không hoạt động được; trong khi đây là sự cố nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến việc đóng mở cửa van, phục vụ công tác phòng ngừa, khắc phục sự cố nếu có lũ lớn xảy ra.
Nguy cơ từ nhiều thủy điện nhỏ trên một lưu vực sông
Mới đây, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo việc đầu tư quá nhiều thủy điện nhỏ trên một lưu vực sông dẫn tới không thể điều tiết lũ liên hồ chứa, tạo lũ dữ.
Theo nội dung công văn của Văn phòng Chính phủ, ngày 10/11/2020, báo chí có đưa ý kiến của PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, về các rủi ro khi vận hành nhà máy thủy điện nhỏ và vừa trên địa hình hẹp, dốc, dễ bị xói mòn, bị chia tách bởi nhiều nhánh sông ở miền Trung.
Các chuyên gia cho rằng, nếu chèn quá nhiều nhà máy thủy điện nhỏ trên một lưu vực sông thì việc quản lý liên hồ chứa sẽ không làm được và tạo ra lũ dữ.
Trước đó, ngay sau khi sạt lở xảy ra tại Thủy điện Rào Trăng 3 vùi lấp nhiều công nhân, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 triển khai thực hiện ngưng toàn bộ hoạt động xây dựng tại công trình này. Bởi khu vực nhà máy thuộc dự án thủy điện Rào Trăng 3 có nguy cơ mất an toàn rất cao, đặc biệt trong mùa mưa lũ.
Sở Công thương Thừa Thiên Huế cũng có văn bản đề nghị Bộ Công thương sớm có đánh giá mức độ an toàn đối với nhà máy nói riêng và toàn bộ dự án thủy điện Rào Trăng 3 theo đúng quy định hiện hành.
Thủy điện Rào Trăng 3 đang trong giai đoạn thi công và là 1 trong 4 dự án thủy điện bậc thang trên khúc sông Rào Trăng chỉ khoảng 25km gồm A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4. Chỉ tính riêng 4 dự án này đã lấy đi của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền khoảng 200ha rừng, trong đó, 3 dự án nằm trong vùng lõi, một dự án ở khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.
Hiện tại Thừa Thiên Huế còn có đến 13 thủy điện nhỏ, trong đó 9 nhà máy đã vận hành phát điện, 3 nhà máy đang thi công và đều nằm trong rừng núi đầu nguồn các con sông. Đáng chú ý, tại địa phương này đã cấp phép cho 9 dự án thủy điển trên dòng sông Bồ (4 dự án đang xây dựng, 5 dự án sẽ xây dựng), tiềm ẩn nguy hiểm khi số lượng thủy điện dày đặc chỉ trên một dòng sông nhỏ như sông Bồ.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây cho biết, sẽ mời các chuyên gia đánh giá lại dự án thủy điện Rào Trăng 3 cũng như toàn bộ thủy điện bậc thang trên sông Rào Trăng một cách chính xác, khách quan và không chấp nhận đánh đổi môi trường.
Thống kê cho thấy, đến nay cả nước vẫn có 290 công trình thủy điện nhỏ đã đưa vào vận hành khai thác. Bên cạnh đó có 366 dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch nhưng chưa xây dựng, gồm 299 dự án đang nghiên cứu đầu tư, 67 dự án chưa nghiên cứu đầu tư.
Trong một đề tài nghiên cứu khoa học được công bố năm 2018, do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội phối hợp với Tổ chức Mạng lưới sông ngòi VN thực hiện, đã đưa ra phân tích 5 nhóm rủi ro chủ yếu khi vận hành các thủy điện nhỏ và vừa ở các tỉnh miền Trung. Trong đó rủi ro lớn nhất là vận hành trong mùa mưa bão với mực nước xả lũ không hợp lý, không có hồ chứa hoặc dung tích hồ chứa nhỏ, không đủ để chứa nước lũ nên gây ngập lụt nghiêm trọng ở các khu vực hạ lưu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp mới đây cũng cho rằng, một số thủy điện nhỏ lại không vận hành đúng quy trình. “Hồ chứa các thủy điện nhỏ không có dung tích phòng lũ và không vận hành xả lũ trước khi đón đợt lũ. Nhiều thủy điện không xả nước, khi dự báo sắp có mưa lũ thì xả không đúng theo quy trình, rồi khi lũ về buộc phải xả và gây ra tình trạng lũ chồng lũ ở hạ du” – ông Hiệp nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xử lý nghiêm thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép

Nguồn: VTV TSTC

Tâm Đức