Theo phản ánh của người dân, dòng sông Mã qua địa bàn các xã Chiềng Khoong; Chiềng Cang; Chiềng Khương… (huyện Sông Mã - Sơn La) đang trở thành đại công trường của nạn cát tặc. Dọc theo con sông Mã, hệ lụy từ hoạt động của “cát tặc” như những con sóng ngầm gây nỗi bất an âm ỉ trong lòng đông đảo cư dân. Không chỉ thế, cư dân 2 bên Quốc lộ huyết mạch 4G đã có nhiều dư luận xấu về sự “bảo kê, chống lưng” cho hành vi khai thác cát sỏi trái phép, nguy cơ gây sạt lở đường sá, gây mất an ninh trật có thể bùng phát bất kỳ lúc nào...
|
Dòng sông Mã sạt lở nghiêm trọng |
Nhộn nhịp cát tặc
Từ phản ánh của bạn đọc, PV Kiến Thức đã mặt tại dòng sông Mã dọc theo các xã Chiềng Khoong; Chiềng Cang; Chiềng Khương… để mục sở thị cảnh tượng hàng chục tàu hút luồn tua vòi đục khoét dòng sông. Các tàu khai thác diễn ra rầm rộ. Tuy nhiên, theo người dân, việc khai thác cát không phép diễn ra công khai suốt ngày, nhưng để thấy quy mô lớn phải đi vào buổi sáng và gần trưa.
Theo ghi nhận sáng 5/11, chỉ tính riêng 1km ở khu vực dòng sông Mã ở địa bàn giáp xã Chiềng Khương đã có hàng chục chiếc tàu đua nhau “rút ruột” dòng sông. Đi dọc triền sông vào trung tâm huyện Sông Mã (Sơn La), nhiều hộ dân đang canh tác hoa màu, khi hỏi về thực trạng “cát tặc” nơi đây đều không khỏi bức xúc.
“Các anh coi, đất nông nghiệp chúng tôi ngày càng bị mất. Sạt lở sâu cả mét. Không biết chính quyền, công an đường thủy ăn ngủ ở đâu mà để cho bọn hút cát lộng hành. Cứ đà này, chắc người dân không còn đất để sản xuất. Chúng hút cả ngày lẫn đêm. Lúc cao điểm hàng chục thuyền thi nhau chọc hút", - anh An (người dân địa phương) cho biết.
Tiếng máy nổ phành phạch trên sông của tàu hút cát là đặc trưng dễ nhận thấy nhất khi đi qua đoạn đường này.
|
Tàu hút cát tấp nập, ngang nhiên lộng hành trên sông Mã |
|
Mặc dù Thủ tướng đã có quy định về việc siết chặt hoạt động khai thác cát tự nhiên tại các sông nhưng những điều diễn ra trên sông Mã thì ngược lại. |
Cát tặc ở đây chẳng thèm quây kín, nhằm che dấu những hoạt động phi pháp. Dọc 2 bên đường, cứ vài chục mét lại xuất hiện 1 bãi cát to tướng, máy cẩu múc cát công khai, xe tải thay nhau đến chỗ tập kết chở cát đi tiêu thụ, hồn nhiên như chốn không người.
Chị Vì Thị Diêu, một người dân bán hàng rong bên đường "khẳng định", tất cả toàn là tư nhân, và đều không phép. Cát khai thác lên một phần nhỏ bán cho dân quanh vùng xây nhà cửa, phần lớn toàn là những xe ngoài thành phố Sơn La chạy vào mua cát.
|
Những bãi cát tồn tại ngang nhiên bên Quốc lộ 4G đoạn từ Chiềng Khương vào thị trấn Sông Mã |
Ở những điểm khai thác lộ thiên này, một lượng lớn cát chất lượng tốt được bồi lắng sau đợt mưa lũ trước đó khiến “cát tặc” tại đây thực sự đang là những người đắc lợi. Tuy nhiên, cùng với đó là sự hiển hiện của nguy cơ sạt lở đối với nền móng của quốc lộ 4G ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn...
Thậm chí, có cơ sở còn cắm biển công khai bên đường, mặc dù chưa được cấp phép.
|
Theo thông tin được biết, cơ sở này không phép |
Rõ ràng, thực trạng này không chỉ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước mà còn làm tăng nguy cơ gây sạt lở tại những nơi có nền địa chất yếu, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhiều cư dân sống dọc hai bên quốc lộ 4G.
Chính quyền ở đâu?
Cả buổi sáng đầu tháng 11/2018, ghi nhận thực tế ở dọc triền sông Mã đoạn từ thị tứ Chiềng Khương vào đến tận trung tâm thị trấn, chúng tôi không hề thấy có bóng dáng của lực lượng chức năng. Trong khi, trên sông hàng chục tàu hút cát hoạt động nhộn nhịp. Mãi đến gần trưa, mới thấy xuất hiện một chiếc xe mang ký hiệu của thanh tra giao thông tỉnh Sơn La chạy ngược vào huyện.
Thực trạng khai thác cát là vậy, không phải chuyện ngày một, ngày hai khiến người dân bức xúc “kếu cứu”, nhưng vì sao vẫn rơi vào im lặng?
Làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, PV, được cung cấp bản Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, kèm theo Nghị quyết số 71/NQ-HNNĐ ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh Sơn La.
Trong các phụ lục tổng hợp các điểm mỏ khoáng sản được cấp phép, và tổng hợp số giấy phép khoáng sản làm VLXDTT giai đoạn từ 2010-2017 theo địa bàn, huyện Sông Mã chỉ duy nhất 1 điểm mỏ Sét gạch ngói được cấp phép với diện tích 5,63ha.
|
Trong các phụ lục tổng hợp các điểm mỏ khoáng sản được cấp phép diện tích 5,63ha nhưng thực tế khai thác lại bát nháo, rầm rộ. |
Chúng tôi liên hệ qua điện thoại với bà Lê Thị Yến, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã nhằm đặt lịch làm việc, tìm hiểu thông tin về “cát tặc” trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, gọi mãi không thấy nhấc máy, tiếp tục nhắn tin cũng không thấy có hồi âm.
Có thể thấy, với cách quản lý tài nguyên lỏng lẻo như vậy tại huyện Sông Mã thì cũng không khó để lý giải tại sao cát tặc lại “dàn trận” đến hàng chục tàu đua nhau “hút máu” dòng sông ngang nhiên giữa ban ngày
Và hệ luỵ nhãn tiền là tài nguyên quốc gia bị đánh cắp và quốc lộ 4G, con đường huyết mạch dẫn lên huyện Sông Mã cũng phải chịu cảnh “bầm dập” do xe chở cát quần thảo ngày đêm..
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin
Minh Hải