“Sóng và máy tính cho em”: Không để học sinh nào…“bị bỏ lại phía sau”

Google News

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” sẽ bảo đảm việc phủ sóng di động, hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến và có một số hỗ trợ khác cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Tối ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến, nhất là các khu vực đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.
Ngay trong Lễ phát động, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã ủng hộ hơn 1 triệu máy tính, trị giá hơn 2.500 tỷ đồng.
“Song va may tinh cho em”: Khong de hoc sinh nao…“bi bo lai phia sau”
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Chính phủ phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương tổ chức thực hiện có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Ảnh VGP 
3 nội dung chính chương trình “Sóng và máy tính cho em”
Theo Kế hoạch Phối hợp thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Bộ Thông tin & Truyền thông và Bộ GD&ĐT thống nhất ban hành cho thấy, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có 3 nội dung:
Thứ nhất, bảo đảm việc phủ sóng di động. Cụ thể, chương trình hướng tới phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và thực hiện học trực tuyến. Thời hạn hoàn thành trong tháng 9 năm 2021. Chương trình sẽ phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc. Thời hạn hoàn thành trong năm 2021 với kinh phí dự kiến 3.000 tỷ đồng.
Thứ hai, hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến. Theo đó, giai đoạn 1 (trong năm 2021), huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc. Trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và thực hiện học trực tuyến. Kinh phí dự kiến 2.500 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 (từ năm 2022 - 2023), tiếp tục phát động Chương trình để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể thực hiện học trực tuyến.
Thứ ba, chương trình sẽ có một số hỗ trợ khác cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và tổ chức dạy, học trực tuyến.
Cụ thể, miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; Miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến; Hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến. Kinh phí dự kiến : 650 tỷ (thời gian trong 3 tháng).
“Song va may tinh cho em”: Khong de hoc sinh nao…“bi bo lai phia sau”-Hinh-2
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. 
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chương trình tổ chức thiết thực, kịp thời, đáp ứng nhu cầu học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên trước mắt tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Huy động nguồn lực của các bộ, ban, ngành và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để hỗ trợ học sinh, sinh viên trên cả nước đủ điều kiện học trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố để hỗ trợ nguồn lực, điều kiện bảo đảm và thực hiện một số mô hình hỗ trợ điểm, từ đó các địa phương nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”, không hoàn thành chương trình học tập do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Một lời hiệu triệu là cả triệu người theo!
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chương trình “Sóng và máy tính” cho em gồm ba cấu phần chính: Có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình; có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; có giá cước phù hợp cho các máy tính này.
“Một chương trình lớn, có thể nói là rất lớn, liên quan đến toàn quốc, liên quan đến hàng chục triệu học sinh, cần đến sự hỗ trợ giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng của rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức và người dân, nhưng do chủ trương đúng, do tính nhân văn của nó, nên chỉ trong vòng chưa đến 5 ngày, bằng sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực của rất nhiều bên mà hôm nay, chúng ta đã có mặt ở đây để chứng kiến sự ra mắt của chương trình, chứng kiến những đóng góp đầu tiên lên tới 1 triệu máy tính cho em. Những gì đúng và động đến trái tim thì luôn đi xa và đi nhanh! Một lời hiệu triệu là cả triệu người theo!” - Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
1,5 triệu học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông. Trong đó, có hơn 7.350.000 học sinh, thuộc 26/63 tỉnh thành phố trong cả nước đang triển khai học trực tuyến. Tuy nhiên, theo thống kê ban đầu, tính tới ngày 12/9, có khoảng hơn 1,5 triệu học sinh (thuộc 213 quận huyện) không thể tham gia lớp học cùng các bạn do thiếu thiết bị. Việc tổ chức dạy học trên truyền hình cho lớp 1 và lớp 2, dạy học bổ trợ cho các lớp khác trên truyền hình cũng gặp những khó khăn lớn về thiết bị, sóng và đường truyền.
“Song va may tinh cho em”: Khong de hoc sinh nao…“bi bo lai phia sau”-Hinh-3
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn 
Thống kê sơ bộ của Bộ GD&ĐT tại các địa phương, không riêng miền núi mà nhiều thành phố lớn cũng thiếu thiết bị dạy học trực tuyến, đơn cử: TP.HCM hiện còn thiếu 77.000 máy tính; An Giang có khoảng 50% học sinh tiểu học, 20 - 30% học sinh THCS, THPT thiếu thiết bị học trực tuyến;
Khảo sát của Sở GD&ĐT Sơn La, toàn tỉnh hiện có 215.926 học sinh chưa đủ điều kiện học trực tuyến. Trong đó, 197.525 học sinh cần hỗ trợ thiết bị học tập, rất nhiều học sinh đang gặp khó khăn do thiếu các thiết bị, đường truyền để học trực tuyến.
Tại Điện Biên, tại nhiều địa phương số lượng học sinh có thiết bị phục vụ học trực tuyến còn rất khiêm tốn. Thậm chí, Trường Tiểu học Tủa Thàng, 100% học sinh không có thiết bị, như: máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh... Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Lao Xả Phình chỉ có 2 học sinh có điện thoại thông minh.
Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết, qua khảo sát, trong số hơn 500.000 học sinh trên địa bàn thì có khoảng 70.000 học sinh khó khăn không có điều kiện tham gia học trực tuyến. Nguyên nhân chủ yếu là gia đình không có khả năng mua sắm trang thiết bị học trực tuyến cho con em.
Ở Đắk Lắk, có những buôn làng chỉ có 2 nhà có tivi, sóng điện thoại chập chờn và hoàn toàn chưa có mạng internet nên rất khó khăn khi dạy học trực tuyến.
“Trong bối cảnh đó, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa lớn để hạn chế bớt sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới ngành giáo dục, hạn chế khó khăn cho các em học sinh, thể hiện tinh thần nhân ái, chia sẻ tương trợ của toàn xã hội đối với lứa học sinh bị thiệt thòi lớn trong thời dịch bệnh, chăm lo cho thế hệ tương lai, thể hiện một thái độ của cả nước quan tâm tới giáo dục”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Bộ Thông tin và Truyền thông trao 400 nghìn máy tính tương đương 1.000 tỷ đồng; ngành giáo dục Việt Nam trao 200 nghìn máy tính trị giá 500 tỷ đồng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao 100 nghìn máy tương đương 250 tỷ đồng; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trao 100 nghìn máy trị giá 250 tỷ đồng do các tập đoàn, tổng công ty đóng góp; UBND Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 100 nghìn máy; UBND tỉnh Thái Nguyên ủng hộ 20 nghìn máy; Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) ủng hộ 37.000 máy tính, UNICEF tại Việt Nam ủng hộ 1.500 máy…

>>> Mời độc giả xem thêm video Học trực tuyến: Nỗi buồn, nỗi lo của những gia đình nghèo:

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh