Chiếc xe tải chở cam khi vừa lưu thông ra hầm vượt sông Sài Gòn (
hầm Thủ Thiêm, phía quận 2, TP.HCM) tông sập giàn giáo vào sáng sớm ngày 15/10 khiến toàn bộ đường hầm phải phong tỏa suốt 5 tiếng đồng hồ đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Hàng trăm nghìn phương tiện ở khắp các ngả đường phía đông dẫn vào trung tâm TP.HCM giao thông hỗn loạn, kẹt cứng. Một chiến sĩ CSGT tham gia điều tiết cũng phải thốt lên “chưa bao giờ kẹt kinh khủng đến thế”.
|
Sự cố xe tải kéo sập giàn giáo trước cửa hầm Thủ Thiêm sáng 15/10. |
Vụ việc xảy ra ngay giờ cao điểm ngày đầu tuần khiến người lớn trễ làm, học sinh muộn giờ đến lớp, trẻ em khóc thét, rã rời giữa dòng khói bụi. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy vụ kẹt xe “chưa có tiền lệ” nghiêm trọng đến mức nào trong buổi sáng 15/10.
Từ đường ở hướng cảng Cát Lái, Nguyễn Duy Trinh, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ (quận 2) đổ ra cầu Sài Gòn, Nguyễn Hữu Cảnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ung Văn Khiêm, khu vực Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) cho tới cầu Bình Triệu, Phạm Văn Đồng, QL13 (quận Thủ Đức); đại lộ Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Hai Bà Trưng (quận 1)…đâu đâu cũng kẹt.
|
Sự cố khiến hầm vượt sông Sài Gòn bị phong tỏa suốt gần 5 tiếng đồng hồ. |
Hàng trăm chiến sĩ CSGT thuộc các Đội Cát Lái, Hàng Xanh, Bến Thành và Công an các quận 1, 2, Bình Thạnh…đã được tung hết lực lượng và bằng nhiều nỗ lực mới có thể kiểm soát được tình hình.
Tại hiện trường, cả
2 hướng ra vào hầm thủ thiêm (phía quận 2) ngổn ngang sắt thép, khung giàn giáo và lực lượng chức năng phải phong tỏa hoàn toàn phương tiện qua hầm để giải quyết sự cố suốt gần 5 giờ đồng hồ.
|
Sự cố gây ra thảm cảnh giao thông "chưa có tiền lệ" ở TP.HCM. |
|
Một chiến sĩ CSGT tham gia điều tiết cũng phải thốt lên “chưa bao giờ kẹt kinh khủng đến thế”. |
Vụ việc xảy ra có lẽ là “giọt nước tràn ly” sau rất nhiều sự cố đã diễn ra trước đó với mức độ nghiêm trọng không đáng kể như: Va chạm trong hầm: Kẹt xe; một xe chết máy, hết xăng trong hầm: Kẹt xe. Tuy nhiên, những sự cố nhỏ như vậy luôn được xem là nghiêm trọng khi tình huống giao thông đó đang nằm trong hầm đường bộ vượt sông Sài Gòn.
Hàng năm, Sở GTVT, Trung tâm Quản lý hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) cùng rất nhiều đơn vị liên quan như Phòng CSGT, Công an các quận 1, 2; Cứu hộ cứu nạn (Cảnh sát PCCC), Y tế… đều tổ chức những buổi diễn tập quy mô ứng phó tình huống
sự cố xảy ra tại hầm Thủ Thiêm. Tất cả các buổi diễn tập với kịch bản “ly kỳ, hấp dẫn” và cuối cùng đều được đánh giá là “thành công tốt đẹp”.
|
Những buổi diễn tập thường niên trong hầm Thủ Thiêm với hàng trăm người thuộc nhiều lực lượng tham gia đều có kết quả "thành công tốt đẹp". |
Thế nhưng, hàng trăm người thuộc nhiều lực lượng trong những buổi diễn tập thường niên, cũng như được thường xuyên tập huấn những tình huống xảy ra như cháy nổ, TNGT, thậm chí là khủng bố, phá hoại, công tác giải cứu người mắc kẹt trong hầm. Nhưng rõ ràng, với vụ việc thực tế sự cố xảy ra sáng 15/10 thì tất cả dường như chỉ là lý thuyết. Hậu quả rõ ràng nhất là hàng trăm nghìn người đã phải chịu thảm cảnh kẹt xe chưa từng thấy, gây xáo trộn sinh hoạt của người dân mà thiệt hại về tinh thần, vật chất…là không thể đo đếm được.
Một đường hầm vượt sông được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á với vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống giao thông của TP.HCM, một tuyến đường huyết mạch nối liền 2 khu vực kinh tế của đô thị lớn nhất nước thì đáng ra mọi sự cố, cho dù là nhỏ nhất phải được lường trước và có phương án xử lý ngay. Sự thật đó không những cho thấy sự yếu kém, mà còn cần được nhìn nhận như một “hồi chuông cảnh tỉnh” về công tác quản lý để có kịch bản ứng phó khoa học, đúng thực tế khi tình huống tái diễn ở tương lai. Đừng để dân đánh giá rằng: “Diễn tập thì thành công, “đụng chuyện” dân lãnh đủ!”.
Vũ Sơn