Hơn 2 tháng qua, suốt từ rạng sáng đến tối khuya, con đường dẫn vào nhà bà Nguyễn Thị Kiều Ngân biệt danh "
Ông Cóc" (42 tuổi) ở ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang ngày nào cũng tấp nập người xe.
|
Hàng ngày, ngay từ khi trời chưa sáng đã có hàng chục người xếp hàng chờ ghi tên, bốc số để được "Ông Cóc" khám bệnh. Ảnh NLDO |
Đây là những người từ khắp nơi trong tỉnh, kể cả các tỉnh lân cận nghe đồn thổi về tài “thần y”của bà Ngân có biệt danh “Ông Cóc” chữa được bách bệnh, ngay cả những bệnh nan y mà các bác sĩ giỏi nhất TP.HCM từng trả về…chờ chết.
“Tôi không biết bà Ngân có tài mọn gì, vì xưa nay bà chỉ là người nông dân bình thường. Vài tháng trước, người phụ nữ này may mắn thoát chết sau cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh và kể từ đó, bà ta tổ chức chữa bệnh theo kiểu mê tín nhưng vẫn thu hút được nhiều người đến chữa bệnh. Chưa biết thực hư thế nào nhưng trước mắt, không ít người dân ở đây hưởng lợi từ việc trông giữ xe, cung cấp dịch vụ đồ ăn thức uống…”, chị Tr., một người dân địa phương cho biết.
|
Người bệnh nằm, ngồi la liệt để chờ được "thần y" khám bằng cách vuốt vuốt, thổi thổi. Ảnh NLDO |
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, hàng ngày khi trời vẫn chưa sáng, đã có rất đông người dân từ khắp nơi xếp hàng trước cửa nhà bà Ngân để ghi tên, bốc số chờ được “Ông Cóc” (tức bà Ngân) khám bệnh lúc 7h30 sáng.
“Xung quanh khuôn viên nhà, 'Ông Cóc bố trí giường, võng cho những người chờ có chỗ nghỉ ngơi. Đến sáng, khi 'Ông Cóc' gọi số, kêu tên thì cứ theo đó mà vào khám”, người phụ nữ trị bệnh nhiều lần tại đây cho biết.
|
Kiểu "chữa bệnh" không giống ai của "Ông Cóc" (ngồi ghế đỏ) nhưng vẫn có nhiều người tin. Ảnh NLDO |
Một số người “luyên thuyên” khen ngợi biệt tài của “Ông Cóc” như nhiều năm mang bệnh đau nhức đầu, chân tay; khó thở, tức ngực…khi được “thần y” vuốt vuốt hoặc thổi thổi vài phút thì lập tức có hiệu quả ngay.
Một nữ bệnh nhân khác ở tận Sóc Trăng cho rằng, bản thân bị hở van tim, thoái hóa cột sống đã đi điều trị nhiều nơi nhưng không khả qua. Từ khi biết danh “Ông Cóc” đến được vuốt thôi nhưng giờ đỡ nhiều rồi.
Thậm chí có người đàn ông tên T., quê ở một huyện thuộc thành phố Cần Thơ khẳng định bản thân bị bệnh gan, phổi và từng điều trị ở bệnh viện lớn ở TP.HCM nhưng các bác sĩ giỏi nhất cũng bó tay, trả về nhà chờ chết, thế nhưng khi tìm đến “Ông Cóc” thì người đàn ông này đã…khỏe mạnh.
Tuy nhiên khi chúng tôi đề nghị những người “từng bệnh nặng” cho xem hồ sơ bệnh án từng điều trị trước đây thì tất cả đều cho rằng đã bỏ hết rồi vì…sợ xui xẻo.
Trong khi đó, khi trao đổi với một số người dân ở ấp Phú Khởi thì những người này lắc đầu, tỏ vẻ hoài nghi về người hàng xóm bỗng dưng được phong “thần y” này.
“Bà ta có tài cán gì đâu, đứa cháu ngoại 4 tuổi của tôi bị sốt nhiều ngày, đưa đến cho bả vuốt vuốt, thổi thổi nhưng bệnh tình càng trầm trọng. May kịp đưa lên bệnh viện Nhi thành phố cấp cứu kịp thời. Khám xong mới phát hiện bị sốt xuất huyết, nếu không chắc thằng nhỏ xong rồi”, ông Bảy Bá, một người dân địa phương chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chí Sung, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa khẳng định bà Ngân chưa từng học qua trường lớp về ngành y. Xưa nay bà Ngân chỉ là một người làm nông bình thường.
“Việc bà ta khám chữa bệnh không đăng ký kinh doanh, không chứng chỉ hành nghề cũng như về nghiệp vụ chuyên môn mà chỉ là trò mê tín từ tháng 7/2018 đến nay và mỗi ngày có từ 70 đến 80 người. Chính quyền đã nhiều lần vận động, thậm chí đã lập biên bản, buộc bà Ngân dừng hoạt động nhưng rồi bà ta vẫn tái diễn. Xã đã làm hết khả năng, giờ thì đã chuyển hồ sơ cũng như báo cáo về UBND huyện Phụng Hiệp để chờ ý kiến chỉ đạo”, ông Sung cho biết.
Được biết, trong quá trình “chữa bệnh”, bà Ngân không quy định về thù lao, tuy nhiên sau khi khám xong, hầu hết các bệnh nhân đều để lại một khoảng tiền “cám ơn” từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng.
Giang Sơn