Tài sản quan chức vẫn chỉ công khai tại cơ quan làm việc?

Google News

Dự án Luật phòng chống tham nhũng vừa được Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình Quốc hội, không có quy định đột phá về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án: Một, các bản kê khai tài sản, thu nhập được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc; Hai, thay hình thức công khai tại nơi thường xuyên làm việc bằng hình thức công khai tại chi bộ nơi người kê khai là đảng viên sinh hoạt.
Tai san quan chuc van chi cong khai tai co quan lam viec?
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái - Ảnh: Quochoi.vn 
Giữ nguyên đối tượng phải kê khai?
Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết: Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với phương án 1 (giữ như quy định của pháp luật hiện hành về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập) và cho rằng không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập đều là đảng viên.
"Nếu quy định chỉ công khai bản kê khai tại cuộc họp chi bộ như phương án 2 thì dẫn đến bản kê khai của những cán bộ, công chức, viên chức không phải là đảng viên sẽ không được công khai, gây khó khăn cho hoạt động giám sát, kiểm soát tính trung thực trong bản kê khai của những đối tượng này" - bà Nga nói.
Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, Chính phủ cũng trình Quốc hội 2 phương án: Một, mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch (bao gồm cả công chức xã, phường, thị trấn);
Hai, thu hẹp phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chỉ áp dụng với đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở trung ương, từ 0,9 trở lên ở địa phương và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Bà Lê Thị Nga cho biết Ủy ban Tư pháp nhận thấy theo quy định hiện hành thì đối tượng phải kê khai được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 trở lên và việc kê khai được thực hiện hằng năm; tuy nhiên, qua giám sát cho thấy việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập quá lớn (trung bình hơn 1 triệu bản kê khai mỗi năm), vượt quá khả năng của các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp chưa đồng tình với phương án này.
"Trường hợp thu hẹp đối tượng kê khai như đề xuất tại phương án 2 của dự thảo luật thì cần làm rõ lý do để phân biệt việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai ở trung ương thì có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên nhưng ở địa phương lại quy định từ 0,9 trở lên. Đánh giá tác động của việc thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập so với quy định của luật hiện hành" - bà Nga nói.
Điều chỉnh cả khu vực ngoài nhà nước
Tai san quan chuc van chi cong khai tai co quan lam viec?-Hinh-2
 
Đây là một trong những đề xuất bổ sung quan trọng đối với dự án Luật phòng chống tham nhũng.
Theo đó, Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng: áp dụng các quy định của Luật phòng chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước, trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư (gọi chung là doanh nghiệp);
Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác có tư cách pháp nhân, không sử dụng ngân sách nhà nước do Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (gọi chung là các tổ chức xã hội).
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật và cho rằng trên thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả phòng chống tham nhũng trong khu vực nhà nước.
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước như dự án luật cũng phù hợp với quan điểm của Đảng; quy định của Bộ luật hình sự về hình sự hóa các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội ngoài nhà nước; yêu cầu của Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng mà VN là thành viên.

Theo Lê Kiên/ Tuổi Trẻ