Những “ông lớn” “hạ cánh” không “an toàn”
Mấy ngày gần đây, dư luận cả nước
xôn xao trước thông tin cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Trọng Phúc, nguyên Tổng Giám đốc tập đoàn Bảo Việt, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Thời gian qua, liên tiếp các “ông lớn” của tổng công ty Nhà nước bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khiến dư luận dấy lên sự hoài nghi. Phải chăng các “ông lớn” bị cơ quan điều tra “sờ gáy” do năng lực quản lý yếu kém hay họ đang cố tình thiếu trách nhiệm để thực hiện mục đích nào đó?
|
Ông Trần Trọng Phúc, nguyên Tổng Giám đốc tập đoàn Bảo Việt. |
Sếp lớn vừa “rời ghế nóng” đã bị công an “sờ gáy”
Theo thông tin mà báo
Đời sống và Pháp luật có được, ngày 21/4, cơ quan Cảnh sát điều tra
Bộ Công an vừa khởi tố vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét đối với ông Trần Trọng Phúc (53 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt), Trần Minh Thái (39 tuổi, nguyên kế toán chuyên quản Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt), Tạ Văn Cần (52 tuổi, nguyên kế toán trưởng Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt).
Được biết, các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn. Việc khám xét đối với các bị can được thực hiện vào chiều 21/4. Các cá nhân trên bị khởi tố để điều tra hành vi liên quan đến những sai phạm tại công ty Bảo Việt Bến Tre từ năm 2009. Như báo Đời sống và Pháp luật đã từng đưa tin, giai đoạn từ 2009, theo quy định của pháp luật, việc thực hiện bảo hiểm xe cơ giới không được chi hoa hồng bảo hiểm cho các đại lý. Tuy nhiên, trong mấy năm, từ 2009-2011, công ty Bảo Việt Bến Tre vẫn duyệt chi hoa hồng cho đại lý với số tiền lên đến khoảng 4,5 tỉ đồng. Việc duyệt chi này diễn ra trong một thời gian dài nhưng các bị can trên không kiểm tra, đôn đốc nắm tình hình để xử lý. Khi công ty này trình lên, các bị can vẫn xem xét, duyệt quyết toán cho việc chi hoa hồng, dẫn đến thất thoát tiền của Nhà nước.
Theo thông tin mà báo
Đời sống và Pháp luật có được, ông Trần Trọng Phúc đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc tập đoàn Bảo Việt từ tháng 6/2013, thay thế bà Nguyễn Thị Phúc Lâm với nhiệm kỳ kéo dài đến năm 2017. Tuy nhiên, ngày 31/3, dư luận cả nước ngạc nhiên khi Tập đoàn này bất ngờ “thay tướng”. Khi đó, thay thế cho ông Trần Trọng Phúc là ông Dương Đức Chuyển - thành viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc khối đầu tư của tập đoàn. Trao đổi với báo giới khi đó, ông Trần Trọng Phúc cho biết, ông thôi chức Tổng Giám đốc là vì “lý do cá nhân”. Nhưng, mới “rời ghế nóng” chỉ hơn 20 ngày, vị nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt phải nhận lệnh khởi tố về
hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, khiến dư luận hoài nghi, liệu việc phê duyệt cho ông Phúc “rời ghế nóng” có phải là “kế hoạch” giúp ông ta trốn tội không?
|
Nhiều quan chức của các tổng công ty Nhà nước “dính chàm” sau khi “rời ghế nóng”. Ảnh minh họa. |
Từ nhiệm tám ngày đã bị khởi tố
Đó là trường hợp của ông
Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, ngày 19/9/2012, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu đã quyết định từ nhiệm ông Giá thì đến ngày 27/9/2012, vị nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị này bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an công bố quyết định khởi tố. Theo đó, ông Giá bị truy cứu về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165, Bộ luật Hình sự.
Theo cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, hành vi của ông Trần Xuân Giá được xác định là: Ký nghị quyết Hội đồng quản trị cho phép Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải ủy thác rút 718 tỉ đồng của ACB mang đi gửi để hưởng lãi suất cho vay cao hơn lãi suất định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Hành vi của ông Giá, giống như hành vi của ông Lý Xuân Hải bị khởi tố, bắt tạm giam trước đó, được coi là làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Bên cạnh đó, hành vi của các bị can gây hậu quả đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây bất ổn đến chính sách tiền tệ của Chính phủ và trực tiếp gây thiệt hại cho ngân hàng ACB 718 tỉ đồng. Do các bị can có nhân thân tốt, có thái độ thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có nơi cư trú rõ ràng, xét tính chất và mức độ hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra đã thống nhất với viện Kiểm sát nhân dân Tối cao áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, cho tại ngoại.
Đối với ông Trần Xuân Giá, Cơ quan điều tra khẳng định, vị này hiện đang là một công dân bình thường. Mọi người đều phải chấp hành pháp luật. Ai có công lao đóng góp cho đất nước sẽ được ghi nhận nhưng nếu có sai phạm thì phải chịu trách nhiệm như mọi công dân khác. Bởi, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Được biết, sau hơn một năm giữ vai trò cố vấn hội đồng quản trị, tháng 3/2008, sau đại hội cổ đông, ông Giá được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB nhiệm kỳ 2008-2012. Thông thường, chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị thường dành cho người nắm giữ số lượng lớn cổ phần. Nhưng, với ông Giá thì khác. Ông chẳng có cổ phiếu nào, bởi ông tham gia với tư cách thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Mấy ngày qua, khi dư luận và báo chí đang rầm rộ bàn luận và đưa tin về sự kiện “bầu Kiên” chuẩn bị được đưa ra xét xử thì bất ngờ nhận được đơn của ông Giá, xin hoãn xét xử vì lý do sức khỏe suy giảm. Theo đơn của bị cáo Trần Xuân Giá, bác sĩ đã yêu cầu bị cáo phải điều trị nội trú. Ông Giá thấy không đủ sức khỏe để tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm theo triệu tập của TAND TP. Hà Nội.
Theo Đời sống Pháp luật