Chiều ngày 4/1, thông tin từ Bộ Công an cho biết, ngày 21/12/2017, khi bỏ trốn Phan Văn Anh Vũ (thường gọi là Vũ Nhôm) đã vi phạm Luật di trú của Singapore và bị trục xuất. Ngày 4/1/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ và tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Trả lời báo chí Việt Nam, Bộ Nội vụ Singapore cho hay, người mang quốc tịch Việt Nam Phan Van Anh Vu bị tạm giữ ngày 28/12/2017. Ông này từng ra vào Singapore bằng hai cuốn hộ chiếu Việt Nam khác nhau, trong đó có hộ chiếu với nhân dạng không đúng. Ngoài ra, Phan Van Anh Vu còn sở hữu chiếc hộ chiếu thứ ba.
|
Phan Văn Anh Vũ có đến 3 hộ chiếu. |
Dư luận đặt ra câu hỏi vì sao Vũ Nhôm có đến 3 hộ chiếu. Một công dân Việt Nam bình thường liệu có thể cùng lúc sở hữu 3 hộ chiếu hay không?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định, hộ chiếu ở Việt Nam được chia làm 3 loại với mục đích và quyền lợi khác nhau gồm:
- Hộ chiếu phổ thông (Popular Passport) là loại hộ chiếu mà đại đa số chúng ta đều sẽ được cấp nếu muốn đi nước ngoài. Với điều kiện bạn phải là công dân Việt Nam (Có chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu).
“Loại hộ chiếu này có giá trị sử dụng là 10 năm. Hộ chiếu phổ thông có màu xanh lá. Khi bạn sở hữu hộ chiếu phổ thông thì bạn có quyền đi đến những nước mà họ cho phép bạn nhập cảnh. Nếu nước đó không có chính sách miễn visa thì bạn cần làm thủ tục hoặc đóng lệ phí để xin visa khi nhập cảnh vào nước đó”.
- Loại thứ 2 là hộ chiếu công vụ (Official Passport), dành cho các quan chức lãnh đạo. Loại này có thể đi đến bất kì nước nào và có giá trị sử dụng trong vòng 5 năm ( thường là một nhiệm kỳ). Hộ chiếu công vụ có màu xanh ngọc bích. Người sở hữu hộ chiếu công vụ có quyền ưu tiên đi cổng đặc biệt khi nhập cảnh và hưởng quyền lợi ưu tiên miễn visa theo quy định của nước bạn.
- Thứ 3 là hộ chiếu ngoại giao (Diplomatic Passport) dành cho các quan chức ngoại giao của chính phủ, có màu đỏ. Loại này cũng có giá trị sử dụng trong vòng 5 năm. Có quyền đi tất cả các nước và đặc biệt là miễn visa theo quy định của nước đến.
Căn cứ Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 về Xuất nhập cảnh và Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 sửa đổi bổ sung Nghị định 136/2007/NĐ-CP về Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam đã quy định, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn giá trị dưới 1 năm thì được gia hạn một lần, tối đa không quá 3 năm; khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.
“Quy định cũng nêu rõ, một hộ chiếu phổ thông cấp cho mọi công dân Việt Nam. Còn hộ chiếu ngoại giao và công vụ được cấp cho những đối tượng quy định rõ trong Nghị định.
Cụ thể, hộ chiếu ngoại giao cấp cho công dân Việt Nam được cơ quan có thẩm cử hoặc quyết định cho ra nước ngoài, phù hợp với tính chất của chuyến đi. Đối tượng được cấp loại hộ chiếu này là các chức danh lãnh đạo thuộc Đảng, Quốc hội; thuộc Chủ tịch nước; thuộc Chính phủ; Chánh án, Phó Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; Thuộc cơ quan nhà nước ở địa phương hay các tổ chức chính trị - xã hội ở T.Ư…
Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu đối ngoại hoặc lễ tân nhà nước và tính chất chuyến đi công tác, Bộ trưởng Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu ngoại giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc xét quyết định cấp hộ chiếu ngoại giao theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam”, Luật sư Thơm cho hay.
Theo Luật sư Thơm, đối với Hộ chiếu công vụ, Nghị định quy định hộ chiếu này cấp cho công dân Việt Nam là cán bộ, công chức, viên chức quản lý, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân các cấp; VKSND các cấp. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong QĐND và CAND cũng là đối tượng được cấp hộ chiếu này.
Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu và tính chất của chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu công vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc xét quyết định cấp hộ chiếu công vụ theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
“Như vậy, theo quy định của pháp luật, công dân Việt Nam nói chung có thể được cấp 3 hộ chiếu tùy theo chức năng, nhiệm vụ, công vụ của mình. Việc Vũ Nhôm có 3 hộ chiếu, để xác định có phạm pháp hay không cần xem lại các hộ chiếu này thông tin có đúng không, có bị làm giả, sửa chữa, tẩy xoá hay đã từng bị ra quyết định thu hồi hay không”, Luật sư Thơm cho hay.
Vì sao Vũ Nhôm bị dẫn độ về nước?
Bộ Nội vụ Singapore cho biết, Phan Van Anh Vu bị truy nã theo thông báo đỏ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), do Việt Nam yêu cầu.
Luật sư Đặng Xuân Cường – Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú cho biết, đề có thể điều tra, truy tố, xét xử được với bị can Phan Văn Anh Vũ về tội danh đã khởi tố thì việc trước tiên phải làm đó là dẫn độ được bị can về Việt Nam.
Tuy nhiên, việc dẫn độ tội phạm quốc tế chỉ thực hiện được khi các quốc gia liên quan có tham gia hiệp định tương trợ tư pháp và trong đó có những thỏa thuận về việc dẫn độ tội phạm. Trong khi đó, Việt Nam và Singapore chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp. Tuy nhiên, các nước liên quan vẫn có thể vận dụng có thông lệ trong lĩnh vực công pháp quốc tế để có thể thực hiện dẫn độ.
Trong công pháp quốc tế nói chung có một nguyên tắc lâu đời được cộng đồng quốc tế thừa nhận đó là nguyên tắc “Có đi có lại” (hay còn gọi là nguyên tắc Tối huệ quốc).
Nếu áp dụng theo nguyên tắc này, trong trường hợp Singapore bắt giữ được một đối tượng truy nã của Việt Nam (khi hai nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp) thì nước này sẽ tạo điều kiện cho phía Việt Nam dẫn độ. Đổi lại trong trường hợp Việt Nam bắt được đối tượng truy nã của Singapore thì Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cho Singapore dẫn độ.
Một điểm thuận lợi khi Việt Nam vận dụng nguyên tắc “có đi có lại” với Singapore, Việt Nam và Singapore cùng là thành viên của khối ASEAN, do vậy hai nước sẽ dễ dàng chia sẻ với nhau về tinh thần chung của khối ASEAN. Việt Nam và Singapore cũng có quan hệ ngoại giao và giao thương kinh tế tốt đẹp. Singapore cũng được biết đến là một quốc gia niêm chính. Họ luôn quyết liệt với tội phạm liên quan đến chức vụ quyền hạn, lạm quyền đối với quyền lực nhà nước, đặc biệt là tham nhũng.
Hải Ninh