Ngày 22/5, Công an phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) vẫn đang xác minh, làm rõ vụ xô xát xảy ra trên địa bàn xuất phát từ việc tài xế ô tô đánh phụ nữ mang thai và bế con nhỏ.
Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào khoảng 20h30 ngày 19/5, tại cửa hàng xăng dầu ở địa chỉ số 17 phố Hồng Mai (phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Lúc này, anh Nguyễn Q.H (SN 1992, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đi cùng vợ mang thai 3 tháng và con gái 15 tháng tuổi.
|
Tài xế ô tô sau khi lùi xe gần trúng người phụ nữ mang thai, bế con nhỏ đã dùng tay đấm chị này. |
Theo lời anh H., khi anh đến cây xăng, vợ anh vừa bế con, vừa thu gọn balô đứng vào một góc để chồng vào xếp hàng đổ xăng. Tuy nhiên, cùng thời điểm một chiếc ô tô hiệu Kia Morning BKS BKS 30E-814.xx có biểu hiện say rượu, đi vào cửa hàng xăng, suýt đâm vào vợ con anh, may mắn người vợ đã né được.
Nhiều người có mặt tại cửa hàng xăng cũng tỏ ra bức xúc với hành vi của lái xe. Điều ngạc nhiên là sau đó lái xe mở cửa xuống không xin lỗi, ngược lại là đôi co với vợ anh H.. Đỉnh điểm tài xế Kia Morning đã vung tay đánh vào mặt của vợ anh H.
Có thể xử lý hình sự tài xế ô tô
Dưới góc độ pháp lý của vụ việc, ngày 22/5, trao đổi với PV Kiến Thức luật sư Đặng Xuân Cường, Công ty Luật Trương Anh Tú (TAT Law firm, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Qua theo dõi thông tin về vụ việc được phản ánh trên báo chí, dưới góc độ pháp luật, tôi nhận thấy hành vi mà người lái xe ô tô thực hiện với người phụ nữ mang thai đã có dấu hiệu của “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Rõ ràng hành vi của người lái xe này đã xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng của người khác. Nghiêm trọng hơn người bị phạm sức khỏe lại là phụ nữ đang mang thai, đây là đối tượng được pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng hết sức bảo vệ. Đáng lên án hơn nữa, chỉ với một mâu thuẫn rất nhỏ nhặt nhưng người lái xe này lại sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, do đó có thể nhận định rằng hành vi mà người lái xe ô tô đã thực hiện thể hiện tính chất côn đồ rất rõ rệt”.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 134BLHS thì: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:… e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;…m) Có tính chất côn đồ”.
Trong trường hợp sự việc, dù thương tích của người người bị hại phải gánh chịu dù chưa đạt tỷ lệ 11% (từ 1% đến 10%), nhưng sẽ vẫn có căn cứ pháp luật để xử lý hình sự đối với người lái xe ô tô. Để có đủ cơ sở để khởi tố đối với hành vi của người lái xe thì việc làm thiết bây giờ là cần sớm đưa nạn nhân đi giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể.
Trong sự việc trên, khi chứng kiến vợ mang thai bị hành hung, người chồng đã lao vào ẩu đả có thể coi hành vi phòng vệ chính đáng. Nếu hành vi đó thỏa mãn được các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 22 BLHS.
“Đặt trong bối cảnh sức khỏe, tính mạng của vợ con mình đang hiện hữu bị xâm phạm, hơn nữa hành vi, lời nói của người lái xe ô tô rõ ràng là trái pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội một cách nghiêm trọng thì hành vi can thiệp của người chồng nhằm bảo vệ vợ con mình là vô cùng cần thiết và chính đáng. Dưới góc độ pháp luật, tôi cho rằng hành vi này của người chồng đã thực hiện trong trường hợp này thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng”, luật sư Cường chia sẻ.
Theo luật sư Cường, cơ quan công an cần làm rõ tình tiết trong quá trình va chạm, lái xe bị cho là đã cố tình lùi xe đâm vào chân người phụ nữ nhưng không trúng (do bị hại né được).
Hành vi của người lái xe thể hiện sự coi thường cao độ tính mạng, sức khỏe của người khác, coi thường pháp luật, do vậy khi lượng hình cần phải có một mức hình phạt nghiêm khắc để có thể răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Bảo Ngân