“Nhập hội” Hải kể, thời điểm sau
Tết Nguyên đán 2017, cậu là sinh viên năm cuối của Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Một hôm đang ngồi học, Hải bị một bạn nam cùng lớp - người đã tham gia Hội Thánh Đức Chúa Trời bắt chuyện và hỏi nhiều câu hỏi. "Bạn ấy hỏi em là có biết ai sinh ra mình và sinh ra loài người không...", Hải nhớ lại.
|
Một buổi truyền đạo trái phép của "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ" tại Hải Phòng. (Ảnh: Công an Hải Phòng)
|
Khi Hải đang tò mò và đặt câu hỏi lại thì người bạn hẹn gặp ở một nơi yên tĩnh. Cậu bạn lấy lý do vì đang ở chỗ đông người, ồn ào nên không thể nói chuyện tiếp.
Theo lời hẹn, Hải và cậu bạn gặp nhau ở một quán cà phê vào chiều cùng ngày. Cuộc nói chuyện bất ngờ xuất hiện thêm một người đàn ông tên Tĩnh do người bạn gọi đến.
Sau lời chào thể hiện sự thân thiện, vị khách lạ cho Hải xem các tài liệu, clip liên quan đến Hội Thánh Đức Chúa Trời. Sau đó, ông ta nói về những điều phi lý trong cuộc sống. "Tuy nhiên, qua cách ông ấy giải thích thì tất cả đều có lý.
Ví dụ như sự sinh ra vạn vật trong vũ trụ; cuộc sống của con người hiện tại là đang cố gắng sinh tồn để chờ đến ngày chết; con người sẽ ra sao sau khi mất đi ở thế giới này...", Hải kể.
Nghe xong câu chuyện, Hải có cảm giác bị cuốn hút, tin tưởng vào họ. Tiếp đó, nam sinh đi theo người này đến một ngôi nhà hai tầng ở đường Bà Triệu, TP Thanh Hóa do họ thuê.
Bước lên tầng hai căn nhà, Hải thấy nhiều người, bao gồm cả già lẫn trẻ, trai gái, thậm chí có cả trẻ em. Họ cùng nhau sinh hoạt và nấu ăn tập thể. Buổi hôm đó, Hải phải chờ người gọi là "chấp sự" từ Hà Nội vào để làm lễ nhập hội vì cậu là người mới. 20h cùng ngày, người đàn ông gọi là "chấp sự" mới vào đến nơi.
Liền sau đó, tất cả mọi người xếp thành hàng ngang. Người đàn ông phát cho mỗi người một chiếc áo choàng và bảo mặc vào.
Tiếp đến, từng người một vào nhà vệ sinh với ông này để làm lễ. Khi làm lễ, mắt ai cũng phải nhắm, hai tay chắp đan vào nhau và được dội một thứ nước gì đó từ đầu đến chân.
Người chấp sự sau đó đặt một tay lên đầu Hải và đọc lời xin nhập hội. Khi vào hội, nam sinh này còn được ghi tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại vào một cuốn sổ lớn.
Cuốn sổ này ghi chung cho những người tham gia. Việc ghi vào cuốn sổ lớn đó được họ cho rằng như giấy khai sinh, là ngày được sinh ra, "ngày sinh nhật tâm hồn của chính mình".
Ngoài ra, Hải và mọi người còn cùng được ăn một mẩu bánh màu trắng không mùi vị, uống một loại nước màu đỏ. Đó được cho là các nghi thức trong các buổi lễ.
Cũng theo lời Hải, khi gia nhập hội, các hội viên phải tuân theo những điều luật, như: không thờ cúng bất kỳ hình tượng nào hoặc người đã chết; không được ăn tiết (máu); không ăn đồ cúng; buộc tham gia lễ vào ngày thứ 7...
Một tuần “sống lạ”
Hải cho biết sau ngày dự lễ gia nhập Hội Thánh Đức Chúa Trời, đầu óc em lúc nào cũng chỉ nghĩ đến họ. Hải luôn lo nghĩ không biết ngày tận thế sẽ đến lúc nào, sắc mặt thay đổi...
"Mỗi khi nhìn bố mẹ, bàn thờ tổ tiên, nhìn vào các ngôi chùa, em cứ có cảm giác đó là ma quỷ chứ không phải người thân hay phật", Hải nói.
Những người có chức vị trong Hội Thánh Đức Chúa Trời còn giải thích với Hải rằng có cố gắng học tập, lao động kiếm tiền... cũng không có ích gì vì cuối cùng cũng qua đời.
Điều này khiến Hải không tha thiết với cuộc sống hiện tại và không quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Suốt 3 ngày sau, Hải liên tiếp đến với hội nhóm này để làm lễ.
Cậu được các trưởng nhóm dạy nhiều bài học do Hội Thánh Đức Chúa Trời đặt ra, như: Trái sự sống; Nước Thiên đàng; Ngày tận thế...
Cũng theo Hải, một điều lạ ở hội nhóm này là những người tham gia đều xưng hô với nhau "bình đẳng", không phân biệt trên dưới, tuổi tác, họ hàng. Bố mẹ mình, anh em ruột mình đều xưng hô với nhau là "anh em - chị em" kèm theo tên người đó phía sau.
"Ví dụ như anh em Tuấn, chị em Ngọc, tuy Tuấn là con của Ngọc. Bởi họ giải thích không biết ai sinh trước, sinh sau nhưng đều là con của Đức Chúa Trời nên phải gọi thế", cậu giải thích.
Theo lời Hải, cậu tích cực tham gia Hội Thánh Đức Chúa Trời suốt gần một tuần và có những biểu hiện bất thường như không ăn đồ cúng, không quan tâm đến bên ngoài... Những biểu hiện này được bố mẹ em phát hiện và bắt đầu tìm hiểu.
Khi biết Hải tham gia hội nhóm đó, bố mẹ không quát tháo, thể hiện tâm lý hoang mang. Thay vào đó, bố mẹ em tìm cách khuyên bảo, phân tích nhẹ nhàng.
Hải tâm sự, chính những lời phân tích này đã giúp cậu bình tâm lại và nhận thấy đó là đúng. "Em tìm đọc Kinh thánh và so sánh thấy Hội Thánh Đức Chúa Trời khác hoàn toàn so với các tôn giáo khác", Hải nhìn nhận.
Những ngày sau đó, Hải không còn đi đến điểm tập trung của hội. Khi các trưởng nhóm gọi điện, cậu đều lấy lý do bận. Hai tuần sau, cậu mới dứt hẳn với hội nhóm này.
"Nếu ngày đó không nhờ lời khuyên của bố mẹ, không biết hiện giờ em sẽ thế nào. Nghĩ lại, em vẫn còn cảm giác sợ hãi", nam sinh trải lòng.
Trong cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/5, báo chí đặt câu hỏi vừa qua có hiện tượng một số nhóm hoạt động với tên gọi là Hội Thánh của Đức Chúa trời, tôi muốn hỏi cơ quan chức năng đánh giá hoạt động thực chất của các nhóm này là gì?
Nước đỏ sử dụng trong lễ thánh có chất hướng thần không? Sự phối hợp giữa cơ quan công an, Bộ Nội vụ, cụ thể là Ban Tôn giáo Chính phủ thời gian qua như thế nào? Trên thực tế, năm 2016, Ban Tôn giáo Chính phủ đã cảnh báo nhưng không được xử lý rốt ráo nên bùng phát việc này.
Cơ quan chức năng đã có thống kê cụ thể những địa phương nào diễn ra hoạt động này chưa, và có bao nhiêu điểm nhóm? Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội phản ánh nhiều về hoạt động của Hội Thánh của Đức Chúa trời (còn gọi là Hội Thánh Đức Chúa trời mẹ).
Các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến nhiều, đặc biệt là về phương thức truyền đạo và cách thức lôi kéo của người cầm đầu các nhóm. Qua vừa rồi, các địa phương, các cơ quan thẩm quyền đã vào cuộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, có 4 văn bản hướng dẫn về việc này.
Nói chung, về tín ngưỡng tôn giáo là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, Trung ương và địa phương.
Thực chất trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo đã có những quy định nghiêm cấm các hành vi vi phạm thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, ứng xử chưa đúng theo truyền thống thờ cúng tổ tiên, ông bà của dân tộc Việt Nam. Những tổ chức hoạt động chưa đúng quy định của pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc.
Bộ Công an đã chỉ đạo, Công an các địa phương đã tiến hành, đặc biệt là tại Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Nguyên, kể cả Hà Nội.
Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp tích cực với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ thực chất hoạt động này, tránh việc lôi kéo làm ảnh hưởng tới đời sống bình thường của người dân, thực chất là quay lưng lại đời sống, gia đình của những người theo đạo này.
Tinh thần chung là sẽ kiên quyết, nhưng chúng ta phải bảo đảm tinh thần tôn trọng tín ngưỡng, tự do tôn giáo của nhân dân. Tuy nhiên, cũng phải chỉ rõ hành vi vi phạm, tuyên truyền để người dân hiểu rõ thực chất của các hoạt động này.
Tinh thần chung là như vậy. Phóng viên có hỏi là nước đỏ có chất hướng thần không. Việc này, đề nghị Bộ Công an, Công an địa phương vào cuộc, các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Y tế, sẽ kiểm tra xem và có kết luận chính thức.
Hiện nay các địa phương, các điểm nhóm như thế nào chúng tôi sẽ cung cấp cụ thể số liệu cụ thể. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Về Hội Thánh Đức Chúa trời, đúng là hôm nay họp Chính phủ, Thủ tướng có đề cập vấn đề này.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ, hiện nay đúng là có một tổ chức du nhập từ nước ngoài. Chúng ta phải khẳng định là Đảng và Nhà nước luôn luôn thể hiện tinh thần tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng cho đồng bào.
Chúng ta có Luật Tín ngưỡng tôn giáo, chúng ta tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động. Vấn đề đất đai, cơ sở thờ tự, hoạt động của chức sắc tôn giáo, đồng bào theo đạo hoặc không theo đạo đều được pháp luật bảo hộ, bảo đảm quyền tự do của người dân theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, chúng ta cũng kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tôn giáo, vi phạm pháp luật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống của chúng ta.
Với một tổ chức du nhập từ nước ngoài, hiện nay đang có những hoạt động trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức, truyền thống, văn hóa của chúng ta, ứng xử không tốt, ứng xử thô bạo với tín ngưỡng truyền thống, trái truyền thống thờ cúng ông bà.
Chúng ta phải tuyên truyền cho người dân, trong đó có cả học sinh, sinh viên, thanh niên, hiểu rõ những hành vi lợi dụng tôn giáo làm chuyện không đúng.
Tinh thần của Thủ tướng hôm nay là yêu cầu các bộ, các cơ quan trong đó có Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ, cơ quan chức năng, địa phương phải rà soát, xem xét, đánh giá lại, chấn chỉnh những hoạt động không hợp pháp của tổ chức Hội Thánh Đức Chúa trời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Thanh Trang/Pháp luật Plus