Thành lập công ty đặc biệt bởi nhân viên là những kỹ thuật viên câm điếc, anh Quách Văn Giang, giám đốc công ty, cho biết, anh đã từng rất đau đầu trong những ngày mới vận hành bộ máy nhân sự này.
“Chúng tôi phải thiết kế lại toàn bộ bảng thông báo, chỉ dẫn… sang hình vẽ để những người câm điếc có thể nhìn và hiểu. Chúng tôi cũng phải nhờ phiên dịch viên câm điếc hỗ trợ trong thời gian đào tạo nghề.
Một vài nhân viên đã biết sơ qua về nghề nhưng cũng có những người chưa từng biết đến nghề sửa chữa, bảo trì. Vì vậy quá trình đào tạo của công ty cũng rất công phu.
Chúng tôi phải bỏ ra 3 - 6 tháng giảng dạy, sau đó mất khoảng 3 - 6 tháng nữa để các kỹ thuật viên hoàn thiện nghề.
Khi đã hoàn thiện nghề, những kỹ thuật viên này làm việc khá hiệu quả. Họ rất cẩn thận, tỷ mỉ và chiếm được tình cảm của khách hàng”, anh Giang nói.
Theo lời vị giám đốc sinh năm 1980, hiện tại, công ty của anh có 4 kỹ thuật viên là người câm điếc. Mỗi người có một tính cách, hoàn cảnh khác nhau nhưng trong công việc, cả 4 người đều đang là những kỹ thuật viên chắc tay nghề của công ty.
|
Trước khi đến với nghề sửa chữa, anh Nguyễn Văn Chung (SN 1978, quê Ứng Hòa, Hà Nội) là một thợ ảnh. |
Trước khi trở thành kỹ thuật viên sửa chữa, bảo trì các thiết bị điện gia dụng của công ty, anh Nguyễn Văn Chung (SN 1978, quê Ứng Hòa, Hà Nội) là một thợ ảnh.
Hàng ngày, anh đến công viên Thủ Lệ để chụp ảnh cho các khách thăm quan, du lịch. Tuy nhiên khi người người có điện thoại thông minh thì anh Chung mất việc.
Từ đó, anh không đến công viên Thủ Lệ để “săn” khách nữa mà nhận chụp ảnh cưới cho người thân, bạn bè và những người cùng hoàn cảnh câm điếc với mình.
Công việc chụp ảnh cưới cũng không đem lại cho anh hiệu quả kinh tế cao. Vì thế anh chuyển sang nghề cắt tóc rồi làm ở xưởng nhôm kính. Cuối cùng, được bạn bè là người câm điếc giới thiệu, anh biết đến công ty của anh Giang và gắn bó với công ty đã hơn 1 năm nay.
“Ở đây, tôi thấy mọi thứ tốt hơn, đồng lương ổn định. Tôi có những người bạn cùng hoàn cảnh với mình. Quan trọng hơn, công việc ở đây đem lại cho tôi niềm vui", anh Chung chia sẻ.
Theo lời anh Chung, trong quá trình làm việc, anh gặp rất nhiều chuyện bất ngờ.
“Có những người, để điều hòa suốt mùa đông không sử dụng, đến đầu hè, chủ nhà gọi nhân viên đến bảo trì thì phát hiện cả ổ hàng chục con chuột mới nở trong đó”, anh kể.
Chưa hết, nhiều gia đình giàu có để đồ gia dụng ít dùng đến vào trong nhà kho, lâu ngày, chuột làm tổ, sinh con. Các kỹ thuật viên còn phát hiện chuột chết trong đầu máy gia dụng. Vì vậy nhân viên kỹ thuật phải dọn dẹp sạch sẽ rồi mới có thể tiến hành sửa chữa.
Nhưng người khiến anh Chung bất ngờ nhất chính là những vị khách có thói quen để tiền, trang sức ở những vị trí rất khó hiểu trong nhà.
Có lần, anh Chung và đồng nghiệp đến sửa điều hòa cho một gia đình khá giả. Phía dưới chiếc điều hòa là một cái giá gỗ được treo trên tường. Lúc leo thang lên sửa, anh phát hiện ở trên chiếc giá, phía dưới vị trí điều hòa có một tập tiền mệnh giá 500 nghìn.
Những tờ tiền được đặt không ngay ngắn ở vị trí rất dễ bị gió thổi bay khiến những kỹ thuật viên bảo trì bất ngờ. Họ phải nhắc chủ nhà cất tiền ở nơi kín đáo hơn.
Lần khác, anh Chung lại tìm được trong chiếc máy giặt cũ của một chủ nhà giàu có những tờ tiền mệnh giá 200 nghìn đã nát.
“Những tờ tiền đó không còn dùng được nữa vì đã nát nhưng chúng tôi vẫn mời chủ nhà đến xem. Còn những tờ tiền sử dụng được, anh em chúng tôi đều trao trả lại cho khách”, anh Chung nói.
Theo lời anh Chung mô tả, nhiều khách sau khi nhận lại tiền tỏ ra rất vui. Thiện cảm của họ với những kỹ thuật viên cũng từ đó mà tăng lên. Đặc biệt, sau khi nhìn vào hiệu quả công việc, nhiều chủ nhà còn bất ngờ. Họ gửi quà, tặng hoa quả, bia rượu cho các kỹ thuật mang về nhà.
Điều đó khiến anh thấy rất hạnh phúc. Nhờ có công việc này mà thu nhập mỗi tháng của anh và các đồng nghiệp cũng ổn định hơn trước.
Theo Minh Anh - Đặng Hương/Vietnamnet