Tất tật cống ngầm, giếng thu, hầm ngầm thoát lũ Công viên LS-VH-TL Tô Lịch

Google News

(Kiến Thức) - Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn môi trường Nhật Việt JVE (Công ty JVE) đã giải thích về kế hoạch cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh mà không phá vỡ đi tính lịch sử của con sông.

Trong buổi gặp mặt báo chí ngày 22/9, ông Tuấn Anh - Công ty CP Tập đoàn môi trường Nhật Việt JVE khẳng định đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh sẽ không lấy thêm quỹ đất bên ngoài sông, nếu được thực hiện sẽ chỉ triển khai bên trong phạm vi sông.
Thời gian thực hiện, nếu được phê duyệt sẽ triển khai trong khoảng 5 năm, từ 2021 - 2026. Dự án sẽ xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ thẳng đứng, bỏ phần mái cỏ hiện nay, sau đó kè đáy khu vực sát 2 bờ sông tạo thành hành lang đi dạo bộ; không kè đáy sông mà để tự nhiên, giữ nguyên chiều rộng lòng sông.
Để xử lý ô nhiễm bên trong sông như mùi, bùn đáy, chất ô nhiễm hữu cơ… sẽ sử dụng công nghệ Bio - Nano để phân hủy tận gốc tầng bùn hữu cơ ở đáy và phân hủy tận gốc các yếu tố gây mùi hôi thối bốc lên.
Tat tat cong ngam, gieng thu, ham ngam thoat lu Cong vien LS-VH-TL To Lich
Đề án cải tạo sông Tô Lịch được JVE phác họa 
Về phần xử lý ô nhiễm bên ngoài và cấp nước bổ cập, Chủ tịch Công ty JVE cho biết, sẽ kết hợp đồng bộ với các dự án mà TP.Hà Nội đã và đang triển khai, như hệ thống thu gom nước thải bằng cống ngầm dưới lòng sông và cấp nước bổ cập trở lại cho sông bằng nước sau xử lý của dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, đảm bảo không chồng chéo, tránh lãng phí đầu tư.
Đồng thời, dự kiến sẽ xây dựng hệ thống giếng thu và đường hầm ngầm thoát lũ chống ngập cho lưu vực sông Tô Lịch (khoảng 77 km2) tương tự hệ thống tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản; và đi liền với việc xử lý ô nhiễm, hồi sinh dòng sông, sẽ xây dựng hệ thống cảnh quan Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh.
Nói thêm về phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, ông Tuấn Anh cho biết, theo dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, nước sạch sau khi xử lý sẽ được bổ cập trở lại sông Tô Lịch qua kênh dẫn nước N1, N2 trước thượng lưu đập Thanh Liệt khoảng 5 km, bằng phương pháp đóng cửa đập này để dâng nước sau xử lý lên mực nước khống chế, làm cho sông Tô Lịch có tác dụng trữ nước như “hồ dài cảnh quan”.

Video: Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh Tô Lịch"

Thực tế, nước trong hồ sẽ không được lưu thông, nước tĩnh và tù dễ phát sinh ô nhiễm, biến thành một “hồ tù” nếu như không có giải pháp sục khí Nano Nhật Bản để xử lý tận gốc chất ô nhiễm hữu cơ, mùi hôi thối do các khí độc tích tụ trong tầng bùn đáy ở hồ.
Lãnh đạo JVE nói thêm về việc giải pháp dùng nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch thông qua hồ Tây. Theo ông Tuấn Anh, nếu chưa xử lý được ô nhiễm mà cho nước chảy qua thì chẳng khác nào đổ thải sang “nhà hàng xóm”, ô nhiễm bị lan rộng. Việc bổ cập nước sông Hồng qua hồ Tây vào sông Tô Lịch chỉ có ý nghĩa khi ô nhiễm trong lòng sông được xử lý triệt để, tạo dòng chảy, nâng mực nước.
Theo Công ty JVE, sau khi gửi đề xuất dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh đến Thành ủy Hà Nội, UBND TP.Hà Nội, đến nay công ty này chưa nhận được phản hồi cụ thể nào.
Trả lời báo chí về trường hợp nếu không được TP.Hà Nội đồng ý cho nghiên cứu, Công ty JVE sẽ làm gì, ông Tuấn Anh cho biết, sẽ tiếp tục kiến nghị lên Thủ tướng để quyết tâm thuyết phục bằng được triển khai nghiên cứu dự án cải tạo sông Tô Lịch, xa hơn là thực hiện dự án.
Nhật Di