Nhưng ít người biết rằng, phần lớn những tàu cá vỏ thép bị làm dối, làm ẩu đó là mồ hôi xương máu của những kình ngư từng thành lập tổ đội ra khơi giữ biển và đi đấu tranh bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa. Các ngư dân cho biết, từng năn nỉ nhà máy, đăng kiểm, ngân hàng giúp tàu tốt để làm ăn và ra gìn giữ Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng vẫn bị họ bán rẻ.
|
Thuyền trưởng Lê Văn Thãi từng tham gia tổ đội đi giữ biển. Bên cạnh anh là con tàu mục nát của ông Nguyễn Văn Lý. Ảnh: PV. |
Tây bịt mũi, No Ok!
Đó là hàng loạt tàu cá do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng cho ngư dân tỉnh Bình Định. Phía Nam Triệu vừa mới phát ngôn đổ lỗi 5 máy hỏng là do Công ty TNHH TM XNK Đại Gia Phát cung cấp máy rởm! Thông tin này đến tai ngư dân và bà con đã đưa ra ý kiến bất ngờ, đó là khi máy tàu được vận chuyển về công ty, bà con xin được kiểm tra máy, tem nhãn rồi nhờ người đưa lên mạng internet kiểm tra, nhưng phía công ty không đồng ý và trả lời cứ nhận tàu đi đã rồi kiểm tra (!?).
Đang vào vụ mùa, nhưng 19 tàu vỏ thép “trọng bệnh” khắp hết mình mẩy và nằm bẹp tại cảng cá Đề Gi, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ngư dân Lê Văn Thãi, thuyền trưởng tàu BĐ 99016, cho biết, tàu bị hỏng nặng và đã được kỹ thuật của công ty đến khắc phục được một số lỗi, nhưng ngư dân không dám mở biển, vì máy chính là hàng rởm. Ngư dân không yên tâm khi đánh bắt cách bờ hàng trăm hải lý, trong khi biển Đông bắt đầu có bão rơi, nếu lỡ chết máy giữa đường thì kêu ai?
Theo ngư dân, trong chuyến biển từ cuối năm 2016, họ phát hiện có mùi cháy khét từ hầm tàu. Khi bò xuống hầm máy, anh Thãi giật mình vì thấy hiện tượng khá kỳ dị trong cuộc đời làm biển của mình, đó là máy phát điện cháy đỏ từ phần ống dẫn khí. Cả khoang máy khét lẹt mùi cháy của sơn và sắt thép. Anh vội lao lên ngắt hết các thiết bị và tắt máy.
Nằm sát cạnh chiếc tàu của anh Thãi tại bến là tàu BĐ 99086 của ngư dân Đinh Công Khánh. Con tàu này cùng đóng tại Công ty Nam Triệu và bị sự cố nặng nhất về máy. Chiếc máy Mitsubishi của tàu được công ty cho là “máy mới”, nhưng khi vận hành thì khói đen kịt phụt ra như lò đốt than củi. Ống lọc khí của máy chính cháy đỏ như đang luyện thép. Ngư dân chưa kịp hoàn hồn thì phát hiện ra hệ thống nước làm mát sôi sùng sục và bắn nước vung vãi khắp hầm tàu.
Ông Khánh, anh Thãi đều lắc đầu cho biết, cách đây 5 ngày, đoàn công tác của tỉnh đưa 1 nhân viên người nước ngoài là đại diện hãng máy Mitsubishi về kiểm định máy. Vừa bước xuống hầm và nhìn sơ qua, nhân viên này phất tay và chui lên nói: No ok! Theo người phiên dịch thì đây không phải là máy chính hãng của Mitsubishi. Chiếc máy được định giá trong thiết kế là 2,7 tỷ đồng, nhưng ngư dân ước tính giá thực chỉ vài trăm triệu!
|
Tàu cá mục nát. |
Những cột mốc sống bảo vệ chủ quyền bị bán rẻ
Một trong những con tàu trở thành tâm điểm của báo chí, đó là con tàu chưa vươn khơi đã mục nát BĐ 99004 của ngư dân Nguyễn Văn Lý, được thi công bởi Công ty TNHH MTV Đại Nguyên Dương. Con tàu nằm chỏng chơ giữa trưa nắng, không một bóng người như tàu ma. Tôi đu người trèo lên mái tàu để chụp ảnh và giật mình, vì thành sắt phát ra âm thanh xào xào như bánh tráng. Tiếp đó là từng mảng sắt toác ra từng mảng và rơi khắp boong tàu. Con tàu vỏ thép này được báo chí gán cho nhiều tên gọi như: “Tàu mục”, “tàu nát”, nhưng có lẽ chính xác nhất nên gọi là tàu… bánh tráng!
Trước khi chuyển sang tàu vỏ thép, ông Lý là một trong những ngư dân tự nguyện cùng các ngư dân thành lập tổ đội và đưa 2 con trai, 2 con rể ra Hoàng Sa giữ biển. Vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, ông Lý đã ghi tên mình vào danh sách cùng ngư dân tổ chức đưa tàu tiến ra giàn khoan đấu tranh buộc Trung Quốc phải rời khỏi vùng biển chủ quyền. Ông Lý cho biết: “Tôi luôn mong có con tàu vỏ thép ra Hoàng Sa đánh bắt, không sợ bị chèn ép. Vậy mà không ngờ họ lừa bà con, không nghĩ gì tới bảo vệ biển đảo Tổ quốc”.
Với ngư dân Lê Văn Thãi, trước khi chuyển sang đóng tàu vỏ thép anh làm chủ tàu cá BĐ 30707 và giao cho ngư dân Lê Ngô Tần làm thuyền trưởng. Mỗi khi nghe tin Trung Quốc có hành động xâm lấn trên biển, anh và 6 người anh em trong gia đình đều đồng lòng liên kết với ngư dân địa phương thành lập tổ đội để sẵn sàng tham gia đấu tranh giữ gìn biển khơi Tổ quốc. Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981, anh Thãi và cả tổ đã kiên trì, trường kì bám biển, cách giàn khoan 20 hải lý.
Trong khi đó, ở chiều hướng ngược lại, ngư dân trẻ Đặng Văn Khoa, sinh năm 1983, thuyền trưởng tàu vỏ thép BĐ 99979, cho biết, trong số các ngư dân đóng tàu theo NĐ 67 thì anh là người rất may mắn vì được ngân hàng chọn đúng đối tác là Nhà máy đóng tàu Nha Trang. Tàu vận hành gần như an toàn, đánh bắt hiệu quả, không bị gỉ thép, máy chạy khỏe, đi 2 chuyến biển tạm thu được hơn 500 triệu đồng.
“Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 hồi tháng 5/2014, em là thuyền trưởng tàu vỏ gỗ BĐ 93357. Thấy phía Trung Quốc ngang ngược thì em tức lắm, lên xã xin ghi danh đầu tiên và tham gia vận động bà con ngư dân đưa tàu ra đấu tranh tới cùng với Trung Quốc. Hiện nay có tàu vỏ thép an toàn, em yên tâm, vững tin vừa đánh bắt vừa tham gia gìn giữ chủ quyền biển đảo” - chàng thuyền trưởng trẻ hào hứng.
|
Biên bản kiểm tra của cơ quan đăng kiểm có thể chỉ là hình thức và liên quan lợi ích nhóm. |
Lợi ích nhóm làm mờ mắt đăng kiểm
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Vũ Văn Tám vừa trả lời báo chí và nhấn mạnh, trách nhiệm để xảy ra việc đóng tàu vỏ thép theo NĐ 67 Bình Định bị mục nát và hư hỏng có trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm thuộc Tổng cục Thủy sản. Một cán bộ đăng kiểm cấp tỉnh cho biết, Cục Đăng kiểm chỉ có vài người nhưng “cả gan” bao sân cả nước với cái cớ là tàu dài trên 20m thì thuộc cấp Cục.
Các địa phương đã có ý kiến, ngư dân đã than vãn vì chuyện mua vé máy bay để đón cán bộ Cục vào Nam, ra Bắc. Nhưng có lẽ vì “lợi ích nhóm” nên những người lãnh trách nhiệm kiểm định chất lượng tàu đã nhẫn tâm đẩy ngư dân, những cột mốc sống bảo vệ chủ quyền vào con đường chết.
Ngư dân Đinh Công Khánh trình bày bộ hồ sơ, có biên bản kiểm tra kỹ thuật số 08 ngày 17/9/2016 của Tổng cục Thủy sản. Biên bản xác nhận có sự giám sát của ông Nguyễn Quang Hòa, Chu Văn Thọ xác định máy Mitsubishi, số máy 78027 hoạt động tốt. Nhưng theo ngư dân, lúc đó bằng mắt thường đã có thể nhận ra máy lắp đặt là máy cũ và bị hoán cải và “độ”. Sơn cũ bong tróc và được quét lại, ốc vít lỏng lẻo, số sê-ri in trên máy không trùng với số máy trong hồ sơ mua bán…
Nhiều ngư dân tâm tình, bà con không thuê giám sát A để kiểm tra độc lập vì nghĩ Nam Triệu là doanh nghiệp của công an thì tin tưởng và bảo vệ cho dân. Còn đối với anh em Cục Đăng kiểm và cán bộ giám sát của ngân hàng thì bà con đã nài nỉ hết lời rằng: “Giúp chúng tôi tàu tốt, mai mốt về quê đánh bắt cá trả nợ cho Nhà nước rồi còn làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vậy mà những lời nói gan ruột ấy đều bị họ bán rẻ...”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đặng Hoài Tân (Bình Định) liên quan đến vấn đề tàu NĐ 67 đã cho biết, tàu hỏng máy thì công ty phải đổi máy mới chứ không sửa chữa; Tàu sắt rởm thì phải thay thép đúng chủng loại.
Liên quan đến việc các công ty đóng tàu vận động ngư dân rút đơn kiện, các ngư dân cho biết: Họ đề nghị sẽ sửa máy, thay hộp số, trục pô, ổ ga, bù lại tiền máy, chịu lo lãi suất ngân hàng trong thời gian không đi đánh bắt, hỗ trợ chi phí chuyến biển. Nhưng ngư dân trả lời, muốn giải quyết việc này thì phải thông qua UBND tỉnh.
Theo Hà Anh/ Tiền Phong