Chiều 5-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương.
Mở đầu bài phát biểu, ông Long sơ lược thành quả ngành y tế đạt được sau hơn 2 năm dịch COVID-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu (cuối năm 2019 đến nay).
Sai sót vừa qua là rất nghiêm trọng
Theo người đứng đầu ngành y tế, dù dịch COVID-19 gây ra muôn vàn thách thức nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, ngành Y tế đã trụ vững, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước kiểm soát dịch bệnh cùng với cả nước chuyển sang giai đoạn mới “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Kể từ khi dịch bùng phát, nhiều giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ đã được triển khai như giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập các trung tâm hồi sức, các trạm y tế lưu động, điều trị tại nhà… đã được triển khai kịp thời, phù hợp, hiệu quả, thích ứng với từng giai đoạn.
Ngành Y tế các cấp đã luôn bám sát thực tế diễn biến dịch bệnh, chủ động, linh hoạt trong tham mưu, đề xuất và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Năm 2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công với hơn 155 triệu liều vaccine được tiêm chủng; tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 99,7% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là 91,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Từ nước tiếp cận vaccine chậm nhưng tốc độ và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của chúng ta hiện nay thuộc những nước hàng đầu trên thế giới và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Who. Vaccine là điều kiện quan trọng để thực hiện thích ứng an toàn theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Dự kiến dịch COVID-19 tiếp tục là vấn đề y tế đáng quan tâm trong năm 2022
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Thanh Long nhìn nhận ngành y tế còn có những tồn tại, hạn chế và yếu kém.
Cụ thể như năng lực đáp ứng của hệ thống y tế nói chung và hệ thống y tế cơ sở nói riêng còn hạn chế; các chế độ chính sách chưa phù hợp; đời sống cán bộ y tế có nhiều khó khăn; chưa kịp thời và chưa đủ thời gian điều chỉnh các quy định của pháp luật cần thiết có liên quan trong bối cảnh dịch bệnh; những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành.
Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng nhưng không là hình ảnh đại diện của Ngành, không thể làm phai mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các y bác sỹ, các cán bộ, nhân viên ngành Y tế trong cuộc chiến với dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua và cả trong thời gian sắp tới.
Năm nhiệm vụ trọng tâm năm 2022
Nhận định trong thời gian tới, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn; số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong năm 2022, ngành Y tế xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023) góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Một trong những nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra trong năm 2022 là chăm lo cho đời sống nhân viên y tế. ẢNH: NGUYỆT NHI
Thứ hai tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật dược sửa đổi và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo và triển khai hoạt động. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế.
Thứ ba là tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dâ, cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn y tế tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn.
Thứ tư, đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, triển khai kết luận của Bộ Chính trị tăng phụ cấp của nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; sắp xếp bộ máy y tế nhất là y tế cơ sở một cách phù hợp theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn; đổi mới phương thức quản lý trong lĩnh vực y tế.
Theo Bách An/PLO