Thẩm phán bắt tay thư ký toà chạy án: Chấp pháp phạm luật...xử sao?

Google News

(Kiến Thức) -  Cơ quan tố tụng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với bà Bùi Thị Tú - Thẩm phán và bà Lê Việt Phương - Thư ký TAND thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội về tội Nhận hối lộ.

Theo điều tra của cơ quan chức năng, từ tháng 8/2019, anh Nguyễn Văn T. (21 tuổi, ngụ huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) tố cáo về việc bà Bùi Thị Tú và bà Lê Việt Phương, cán bộ tòa thị xã Sơn Tây có hành vi đòi và nhận của anh T. khoản tiền 55 triệu đồng để xử án treo.
Anh Nguyễn Văn T. bị Viện KSND thị xã Sơn Tây truy tố về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự. Vụ án được chuyển đến TAND thị xã Sơn Tây và thẩm phán Bùi Thị Tú và thư ký tòa Lê Việt Phương được giao thụ lý vụ án.
Trong quá trình giải quyết, anh T. đến toà án gặp thẩm phán Tú hỏi về vụ án và mức hình phạt của mình thì bà Tú nói sẽ phải chịu hình phạt tù giam. Anh T. trình bày hoàn cảnh khó khăn và xin được giúp đỡ cho hưởng án treo thì được thẩm phán Bùi Thị Tú hướng dẫn sang phòng thư ký Lê Việt Phương để nói chuyện cụ thể. Khi gặp Phương, anh T. tiếp tục trình bày hoàn cảnh khó khăn, không có nhiều tiền thì thư ký Phương cho biết để hưởng án treo, anh T. phải "bồi dưỡng" khoản tiền là 55 triệu đồng.
Sau khi chuyển 50 triệu đồng, anh Nguyễn Văn T. đến tòa gặp thẩm phán Bùi Thị Tú báo cáo tình hình thì được bà này hướng dẫn lo đủ tiền, khi đủ thì điện thoại cho bà Phương và chỉ cần chuyển khoản không cần trực tiếp đến tòa. Thẩm phán Bùi Thị Tú còn dặn anh T. làm đơn xin giảm án thì gửi theo địa chỉ tòa, mọi việc cần thiết đã “ủy quyền” cho bà Phương.
Tham phan bat tay thu ky toa chay an: Chap phap pham luat...xu sao?
 TAND thị xã Sơn Tây. Ảnh: Thanh Niên.
Sau khi anh Nguyễn Văn T. chuyển đủ tiền, TAND thị xã Sơn Tây đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Chủ tọa phiên tòa là bà Bùi Thị Tú đã tuyên phạt anh T. 15 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo thông tin báo chí phản ánh thì cơ quan điều tra viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Thị Tú, thẩm phán TAND thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội và Lê Việt Phương, thư ký của tòa này về tội nhận hối lộ theo quy định tại điều 354 Bộ luật Hình sự.
Đây là một vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành tòa án và niềm tin của nhân dân vào sự công bằng trong hoạt động tố tụng. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm làm rõ nguyên nhân, động cơ, làm rõ ý thức chủ quan của các bị can đối với việc thực hiện hành vi phạm tội để chứng minh tội phạm.
Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm...”.
Tham phan bat tay thu ky toa chay an: Chap phap pham luat...xu sao?-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. 
Để buộc tội hai bị can thì cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh các bị can đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận tiền của anh Nguyễn Văn T. để thực hiện công việc (xét xử cho T được hưởng án treo) theo yêu cầu của người đưa tiền. Đây là những dấu hiệu cơ bản của tội danh này theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp bị kết tội thì vị thẩm phán và các vị thư ký này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 02 đến 07 năm tù theo quy định nêu trên.
Ngoài ra, Điều 364 Bộ luật hình sự quy định “Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm...”
“7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”.
Bởi vậy, trong trường hợp này nếu anh T. bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát hiện thì anh này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và được trả lại số tiền 50.000.000 đồng nêu trên.
Trong trường hợp anh này không bị ép buộc, là người chủ động đưa hối lộ nhưng đã chủ động trình báo với cơ quan chức năng trước khi bị phát hiện thì anh này cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần tài sản theo quy định tại khoản 7, Điều 364 Bộ luật hình sự nêu trên. Vấn đề này sẽ được Cơ quan điều tra Viện kiểm sát tối cao xác minh làm rõ để xử lý đảm bảo công bằng trước pháp luật.
>>> Xem thêm video: Khởi tố vụ Phó chánh án ra quyết định trái luật

Nguồn: VTC 1.

Trung Vương