Trong bản sắc văn hóa của dân tộc vùng cao phía Bắc, các phiên chợ tình không có gì xa lạ. Các phiên chợ là lí do để người ta tìm nhau, quen nhau, để gặp gỡ giao lưu tình cảm là chính chứ không nhằm vào mục đích mua bán hàng hóa. Nếu như các phiên chợ tình Sa Pa, Mộc Châu có thể diễn ra thường xuyên theo tháng, theo tuần trăng, thì chợ tình Khâu Vai của Hà Giang mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần vào ngày 27/3 (âm lịch). Phiên chợ tình một đêm ấy, những người thương nhau không đến được với nhau sẽ được tự do ở bên nhau một đêm, để tâm tình thương nhớ, để chia sẻ tình cảm và nỗi cách xa ly biệt…
Lễ hội chợ tình Khâu Vai là lễ hội lớn nhất và náo nhiệt nhất trong mùa xuân của những cư dân sống trên vùng cao nguyên đá. Không chỉ những đôi tình nhân trắc trở, mà tất cả mọi người, ngay cả người già, trẻ con cũng đều coi đây là lễ hội mùa xuân đáng mong chờ. Họ đến chợ để uống rượu, múa khèn, hát giao duyên, vui vẻ với anh em bạn bè bên nồi thắng cố, những đôi tình nhân gặp lại nhau, ôn lại những kỷ niệm đẹp, cũng có những người đến để tìm người thương, nhờ phiên chợ mà nên duyên vợ chồng. Ngay từ khi trước lễ hội đôi ba ngày, thậm chí cả tuần lễ người ta nô nức kéo về Khâu Vai với bao lời hẹn, chẳng nề hà quanh co dốc suối hay núi đèo gian nan.
Đến với chợ, ai cũng mặc quần áo, váy vóc thật bắt mắt, rực rỡ. Những cô gái cầm ô, đội khăn thổ cẩm cười e thẹn, những chàng trai mang sáo, mang khèn để góp vui khoe tài trong phiên chợ, lũ trẻ ríu ran với bao trò chơi vui… Tâm trạng ai nấy cũng đều vui tươi háo hức.
Trong văn hóa phóng khoáng của những người con của núi, ngày chợ tình sẽ không có sự ghen tuông, sự đố kị, không có sự cấm đoán hay trói buộc... Người ta rất văn minh khi biết thông cảm cho những tình yêu nồng cháy mà do hoàn cảnh mà cách xa ly biệt, người ta rất nhân văn khi thấu hiểu cho nỗi niềm của những đôi tình nhân yêu nhau không đến được với nhau. Và như một luật bất thành văn, những đôi trai gái gặp nhau trong ngày hôm ấy đều ý thức được rằng phiên chợ chỉ là nơi hẹn hò ngắn ngủi, nơi để gặp lại cố nhân, chẳng ai đi chợ phiên về mà lại bỏ chồng bỏ vợ. Sau phiên chợ ấy họ sẽ lại trở về với gia đình, với cuộc sống hiện tại của mình, dặn dò người kia sống thật tốt và hẹn năm sau gặp lại chính tại nơi này.
|
Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà là nghi lễ quan trọng trong ngày hội chợ tình. Đây là 2 ngôi miếu cầu duyên linh thiêng nhất vùng cao xứ đá. |
Những năm gần đây, lễ hội chợ tình Khâu Vai ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách trong nước cũng như ngoài nước. Chợ tình Khâu Vai luôn đông nghẹt người đến xem và thưởng thức văn hóa, trải nghiệm những điều thú vị, độc đáo ở phiên chợ có 1-0-2 này.
Tham gia Lễ hội chợ tình, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc vùng cao như hóa thân thành những chàng trai, cô gái dân tộc, vẽ họa tiết thổ cẩm, dệt lanh, thổi khèn, kèn lá...
Bồng bềnh 'thiên đường hoa' tháng 3 trên cao nguyên đá Hà GiangGợi ý lịch trình ba ngày du ngoạn mùa xuân cao nguyên đá Hà Giang
Dẫu rằng ngày nay xã hội phát triển, cuộc sống của người dân cũng có nhiều đổi thay, các phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc cũng ngày một hiện đại, người ta chẳng phải chờ đợi mòn mỏi để một năm chỉ được gặp nhau một lần nữa. Nhưng chợ tình Khâu Vai vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa, bản sắc của nó, vẫn là một nỗi mong chờ cho tất cả những người đã và đang yêu. Mùa này, những đóa hoa rừng đang đua nhau khoe sắc, những nương ngô cũng đã xanh rờn trên khắp bản cao, bạn có lời hẹn nào với người xưa cũ không?
Thông tin về lễ hội chợ tình Khâu Vai năm 2017
Lễ hội chợ tình Khâu Vai năm 2017 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21/4 – 23/4 (tức 25, 26, 27/3 âm lịch) tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc.
Trong khuôn khổ chương trình, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian (như hát đối giao duyên, hát dân ca qua ống dây, các điệu múa rực rỡ của dân tộc Mông, Lô Lô, Giấy…); hay tham gia các trò chơi dân gian truyền thống (gánh nước bằng ống tre, leo dây đu cột chinh phục tình yêu, bịt mắt bắt vợ, ném pao, ném còn, đánh yến...)
Bên cạnh đó, du khách cũng có cơ hội được hóa thân thành những chàng trai, cô gái người dân tộc địa phương cưỡi ngựa trên Cung đường tình yêu (từ Mê cung đá đến trung tâm khu vực xã Khâu Vai và ngược lại); tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa của dân tộc Giấy tại thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà, văn hóa dân tộc Mông tại thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng và thưởng thức ẩm thực vùng cao, các sản phẩm truyền thống của địa phương tại chợ đêm Mèo Vạc, chợ xã Khâu Vai.
Theo Thùy Linh/Em Đẹp