Sau 55 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, sáng 28/1, Bộ Y tế công bố 2 ca dương tính với SARS-CoV-2. Đó là người phụ nữ trú tại Hải Dương và một nhân viên cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh).
6 giờ sau đó, cả nước phát hiện thêm 82 ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Trong đó, 72 ca tại Hải Dương và 10 ca tại Quảng Ninh.
Đến tối cùng ngày, Hải Dương ghi nhận thêm 11 trường hợp, Quảng Ninh thêm 2 ca. Hải Phòng có một người dương tính với SARS-CoV-2, còn Hà Nội nghi nhận 3 trường hợp nghi nhiễm.
Khẩn trương
Ngay khi phát hiện ca mắc COVID-19, Bộ Y tế đã cử các lực lượng hỗ trợ xuống Hải Dương. Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 ngay lập tức họp khẩn.
Sau khi có kết quả khẳng định đối với 2 trường hợp lây nhiễm, Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục họp trực tuyến với hai tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh vào khuya 27/1.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh đã triển khai cấp bách nhiều biện pháp dập dịch. Trong đó tập trung khoanh vùng và cách ly các khu vực liên quan đến 2 bệnh nhân.
|
Trẻ em ở Hải Dương được lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Thạch Thảo.
|
Cơ quan chức năng đã điều tra, truy vết toàn bộ F1, F2 của cả 2 trường hợp trên; thông báo với các địa phương có F1 cư trú như Hà Nội, Bắc Giang và Quảng Ninh, đồng thời lập danh sách các trường hợp về từ Nhật Bản ngày 29/12.
Hải Dương phong tỏa phường Cộng Hòa, cách ly thành phố Chí Linh trong vòng 21 ngày. Ngoài ra, tỉnh này và Quảng Ninh đã lập chốt kiểm soát COVID-19 ở cửa ngõ, phun khử khuẩn toàn bộ các địa điểm liên quan các ca bệnh.
Cũng trong ngày 28/1, tỉnh Quảng Ninh cho học sinh ở một số thành phố, thị xã nghỉ học và thành lập 2 bệnh viện dã chiến. Còn Hải Dương có 3 bệnh viện dã chiến và sẽ cho toàn bộ học sinh nghỉ từ ngày hôm nay, 29/1.
Để hạn chế sự lây lan dịch, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tạm dừng toàn bộ các hoạt động vận tải khách đường bộ, đường thủy liên tỉnh, nối tỉnh bao gồm các tuyến cố định, hợp đồng, xe buýt, taxi, phà từ sáng 28/1 cho đến khi có thông báo mới.
Đồng thời, nhà chức trách địa phương yêu cầu các đơn vị vận tải khẩn trương giải tỏa khách đang hành trình, đưa phương tiện về nơi đỗ; thực hiện vệ sinh sát khuẩn phương tiện, đồng thời theo dõi sức khỏe người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện.
Ngành hàng không cũng triển khai loạt phương án để hạn chế sự lây lan dịch bệnh trước tình hình phức tạp. Trong đó, Vietnam Airlines sẽ nâng mức độ phòng chống dịch bệnh từ mức 1 lên mức 3 từ 0h ngày 29/1 với sân bay Cát Bi (Hải Phòng).
Việc đo nhiệt độ, khai báo y tế, yêu cầu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với tất cả hành khách trên chuyến bay cũng sẽ được Vietnam Airlines áp dụng nghiêm ngặt.
Trong khi đó, Bamboo Airways cho biết hãng đã điều chỉnh lịch khai thác bay từ 31/1 đến 14/2 liên quan sân bay Vân Đồn. Cụ thể, hãng hủy toàn bộ các chuyến bay trên chặng TP.HCM - Vân Đồn và ngược lại trong giai đoạn trên.
Để hỗ trợ cho Hải Dương, Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội và Đại học Y tế công cộng hỗ trợ xét nghiệm COVID-19.
Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương hỗ trợ và phối hợp điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm gửi các đơn vị được giao thực hiện xét nghiệm COVID-19.
|
Quân đội phun khử trùng ở Quảng Ninh. Ảnh: Quốc Nam.
|
Về công tác điều trị, Bộ Y tế đã điều động Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thiết lập khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Chỉ trường hợp nặng mới chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, do thời điểm cận kề với Tết Nguyên đán, việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phải cao hơn một cấp. "Hải Dương phải tự đặt trong tình trạng như Đà Nẵng trước đây, Bộ Y tế sẽ chi viện tối đa. Tuy nhiên, Hải Dương phải tập trung cao độ, làm sao để trong 10 ngày khoanh vùng triệt để", Phó thủ tướng chỉ đạo.
Ông Đam cũng lưu ý việc cơ quan chức năng Nhật Bản xác định ca bệnh ở Hải Dương liên quan ca bị nhiễm SARS-CoV-2 chủng mới, nên cần đặc biệt cẩn trọng, đảm bảo an toàn tối đa cho lực lượng phòng, chống dịch.
Chỉ đạo quyết liệt
Sáng 28/1, khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước sang ngày làm việc chính thức thứ ba, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức cuộc họp khẩn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia để chỉ đạo các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục thực hiện biện pháp hành chính mạnh mẽ như không cho người từ Hải Dương, Quảng Ninh di chuyển ra ngoài tỉnh; sàng lọc, tìm nguồn gốc, ổ dịch lây nhiễm; lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, Hải Dương, Quảng Ninh trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp khẩn về phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Đoàn Bắc.
|
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh khoanh vùng, cách ly, truy vết thần tốc trên diện rộng nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh.
Thủ tướng yêu cầu áp dụng Chỉ thị 16 toàn khu vực Chí Linh, áp dụng Chỉ thị 15 tại các vùng lân cận có dịch và đóng cửa sân bay Vân Đồn, tạm dừng các đường bay quốc tế và kéo dài thời gian cách ly.
"Chúng ta công khai thông tin nhưng thái độ phải rất bình tĩnh. Thần tốc dập dịch nhưng không gây sốc trong đời sống nhân dân, đảm bảo Đại hội Đảng thành công", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ trong vòng 6 giờ, số ca nhiễm vượt 80 và chưa dừng lại, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là con số "khổng lồ" về ca lây lan dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng từ trước đến nay tại Việt Nam.
"Điều này cho thấy một mặt biến thể virus lần này lây lan rất nhanh, mặt khác cũng phản ánh phản xạ của chúng ta rất nhanh", ông Đam đánh giá.
Ông cho biết khi phát hiện ca nhiễm ở Hải Dương, từ Bộ Y tế cho tới tỉnh lập tức vào cuộc rất thần tốc. Nhờ thế, đến nay các địa phương cơ bản đã khoanh vùng, lấy hết mẫu người nghi nhiễm.
Phó thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các địa phương cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là thần tốc hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút bởi chủng virus này mới, lây lan nhanh, trong khi biên giới nước ta dài, nguy cơ luôn thường trực.
Quan trọng nhất, theo Phó thủ tướng là phải tiếp tục truy vết thật nhanh các trường hợp F1, F2, F3 để xác định các khu vực cần phong toả, những khu vực cần áp dụng biện pháp cách ly xã hội và những khu vực cần có biện pháp cao hơn mức bình thường.
Kích hoạt hệ thống chống dịch
Ngay trong chiều 28/1, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương đã triệu tập các cuộc họp khẩn để đưa ra các phương án chống dịch trong điều kiện mới.
"Đề nghị các địa phương rà soát lại toàn bộ biện pháp phòng chống dịch, nâng cao hơn một bước. Đồng thời, tất cả người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chống dịch tại cơ quan, đơn vị mình", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam quán triệt tại cuộc họp.
TP.HCM, Hà Nội cũng họp khẩn ngay khi số ca nhiễm chạm mốc 82. Tại buổi họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết toàn bộ cơ sở y tế trên địa bàn đã tái kích hoạt lại hệ thống phòng, chống dịch COVID-19. Những cơ sở cách ly tập trung của thành phố, quận, huyện và khu cách ly thu phí tại Cần Giờ đã sẵn sàng hoạt động lại. Đội ngũ nhân viên y tế luôn túc trực để tránh bị động.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị các đơn vị trên địa bàn không tổ chức thêm hội nghị, hoạt động chưa có chủ trương và chưa lên kế hoạch. Thay vào đó, các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức cần tập trung làm tốt những phần việc đã dự tính và sẵn sàng ứng phó khi dịch COVID-19 có diễn biến mới.
Đối với các quận, huyện phát hiện người tiếp xúc gần với ca bệnh cần tiếp tục truy vết, cách ly tùy theo mức độ.
|
Các địa phương tái kích hoạt biện pháp chống dịch, kiểm soát chặt cửa ngõ sân bay, biên giới. Ảnh: Việt Linh.
|
Còn ở Hà Nội đêm 28/1 ghi nhận 3 người dương tính với COVID-19. Phó chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh Hà Nội có nguy cơ cực kỳ cao, ở mức báo động đỏ. Sở Y tế thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh trong việc điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly những người có liên quan.
Hà Nội cũng rà soát nâng cao năng lực xét nghiệm, chẩn đoán tác nhân gây bệnh đảm bảo nguồn lực cho việc xét nghiệm trên diện rộng; rà soát những bệnh nhân liên quan đến các khu vực có dịch bệnh của Hải Dương và Quảng Ninh đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn từ ngày 14/1 đến nay để lấy mẫu xét nghiệm.
Các tỉnh, thành khác như Hải Phòng, Bắc Ninh, Đà Nẵng... cũng tái khởi động các biện pháp chống dịch COVID-19. Địa phương nào xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 đều phải khẩn trương, quyết liệt thực hiện truy vết, khoanh vùng, cách ly.
"Thời điểm này rất quan trọng. Nếu làm tốt được công tác phòng chống dịch sẽ bảo vệ tốt được tính mạng, sức khỏe người dân, vừa bảo vệ thành công Đại hội Đảng, đảm bảo được hoạt động bình thường của hệ thống chính trị, sản xuất, kinh doanh và kể cả vui xuân đón Tết", Bí thư TP Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong cuộc họp chiều tối 28/1.
Theo Hoài Thanh/Zing