Cơ quan Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) đang tạm giữ hình sự đối với Phạm Văn Thiện (SN 1999, ở Lê Xá, Lê Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội) để điều tra làm rõ vụ đánh người yêu chấn thương sọ não, dập phối dẫn tới tử vong. Nạn nhân là chị V.T. (SN 2001, ở quận Ba Đình, Hà Nội).
|
Phạm Văn Thiện đang bị cơ quan công an tạm giữ hình sự. |
Dưới góc nhìn pháp lý của vụ việc trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi của nghi phạm Thiện đã xâm phạm đến quyền được sống của người khác - là một trong những quyền cơ bản nhất của con người.
Xuất phát từ mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm với cháu T., nghi phạm đã sử dụng hung khí nguy hiểm là cán chổi, cánh cửa sổ và dùng chân, tay đánh đập dã man cháu T. vào những trọng yếu trên cơ thể. Hậu quả cháu T. bị tử vong do chấn thương sọ não, dập phổi.
"Căn cứ án lệ số 01/2016/AL về vụ án "Giết người" được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 6 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định 220/QĐ-CA ngày 6 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã xác định “Tội cố ý gây thương tích” chỉ khi đối tượng phạm tội tấn công vào chân, tay mà không tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể, là những vị trí nếu bị tấn công thì sẽ có nhiều khả năng xâm hại đến tính mạng nạn nhân.
Xét hành vi phạm tội của nghi phạm thấy chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, sử dụng vũ lực đánh cháu T tử vong đã cấu thành Tội giết người. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm n, khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015", luật sư Thơm phân tích.
Theo luật sư Thơm, về mặt chủ quan, lỗi của nghi phạm là lỗi cố ý trực tiếp. Hành vi của nghi phạm dùng hung khí, chân tay đánh đập dã man cháu T. đã phản ánh ý thức chủ quan của nghi phạm mong muốn tước đoạt tính mạng cháu T.. Pháp luật buộc công dân phải nhận thức khi dùng vũ lực tác động vào những vùng trọng yếu trên cơ thể người khác là nguy hiểm đến tính mạng. Hậu quả xảy ra, nghi phạm phải chịu trách nhiệm về tội “Giết người” là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Hành vi đánh chết người yêu của đối tượng thể hiện sự côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật, xâm phạm đến tính mạng của công dân được pháp luật bảo vệ và gây bất bình trong dư luận xã hội. Do vậy, cần thiết phải xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật mới có thể răn đe, phòng ngừa các hành vi bạo lực khi giải quyết mâu thuẫn tình cảm đang có xu hướng gia tăng hiện nay trong xã hội.
Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho gia đình trong việc việc buông lỏng quản lý giáo dục các cháu đang ở lứa tuổi vị thành thành niên. Mặt khác, đối với các cháu gái đang lứa tuổi vị thành niên cũng cần thiết phải rất cẩn trọng khi sớm có quan hệ tình cảm. Đây là lứa tuổi mà kinh nghiệm trong cuộc sống còn quá ít, đặc biệt là khả năng nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Bảo Ngân