Khoảng 22 giờ, ngày 16/1, Đội CSGT Tuần tra – Dẫn đoàn, thuộc Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM đã phối hợp với cảnh sát cơ động, công an phường, thanh niên xung phong lập chốt kiểm tra nồng độ cồn ngay tại ngã tư Phạm Văn Đồng – đường số 25, TP Thủ Đức.
|
CSGT TP.HCM lập chốt kiểm tra cồn trên đường Phạm Văn Đồng vào khuya 16/1. Ảnh: LÊ THOA. |
Theo đó, tổ chuyên đề thực hiện đo nồng độ cồn theo phương pháp quốc tế, đã tiến hành phân luồng, hướng dẫn các xe ô tô con, xe tải đi vào khu vực kiểm tra.
Tại đây, CSGT đã lần lượt dừng từng phương tiện để kiểm tra cồn bằng thiết bị đo định tính. Cụ thể, sau khi chào điều lệnh, CSGT đưa máy đo cồn lại gần tài xế, hỏi những câu như: “anh chạy từ đâu về”, “có nhậu không”, “anh chạy grab hả”,…
Thông qua giao tiếp đơn giản, thiết bị sẽ phát hiện tài xế hoặc không khí trên xe có cồn hay không. Nếu có, lực lượng chức năng sẽ mời tài xế dẫn xe vào trong lề để kiểm tra định lượng nồng độ cồn bằng ống thổi dùng một lần.
|
Bằng phương pháp quốc tế, CSGT chỉ cần trò chuyện với tài xế vài câu là đã phát hiện nồng độ cồn hay không. Ảnh: LÊ THOA. |
Qua đó, trong khoảng hai giờ đồng hồ, tổ chuyên đề đã kiểm soát 155 xe ô tô nhưng chỉ phát hiện một tài xế vi phạm. Đó là anh Bùi Công Đ., 31 tuổi với mức vi phạm 0.091 mg/lít khí thở.
Anh Đ. tỏ ra bất ngờ khi thiết bị báo anh có cồn vì anh cho biết mình có uống bia nhưng đã uống trước đó khá lâu rồi. “Tôi uống từ sáng, chỉ uống hai, ba ly thôi, cứ nghĩ là hết rồi chứ” – anh Đ. nói.
Đáng ngạc nhiên, trong lúc lực lượng chức năng đang kiểm tra nồng độ cồn ở làn đường dành cho xe ô tô thì một xe máy bất ngờ lao vào khu vực này. Dù ngay từ ngã tư, CSGT đã đặt biển "Chốt kiểm tra nồng độ cồn. Stop" với rất nhiều cọc tiêu và cảnh sát đứng phân làn. Hơn nữa, vào thời điểm này, xe máy cũng không được phép đi vào làn đường của xe ô tô.
Thấy thanh niên có biểu hiện say xỉn, CSGT đã tiến hành đo nồng độ cồn. Lập tức, thanh niên tên Trương Quế M., 35 tuổi, thừa nhận: “Em có uống ba, bốn chai rồi… Em cố gắng đi vào làn xe máy nhưng kẹt xe quá…”.
|
Anh M. tự chạy xe máy lao vào khu vực kiểm tra nồng độ cồn xe ô tô. Ảnh: LÊ THOA |
Qua kiểm tra, anh M. vi phạm với mức cồn lên đến 0.879 mg/lít khí thở. Anh M. kể rằng, anh vừa “uống nhẹ một cái” với nhóm bạn ở một quán ngay trên đường Phạm Văn Đồng, vừa ra khỏi quán không xa thì bị phạt. Ban đầu anh M. cũng có ý định đi taxi về nhưng quán nhậu không đồng ý giữ xe, nhà lại sát bên nên M. cố gắng chạy về.
“Em có hơi xỉn nhẹ, nên em chạy từ từ, chậm chậm rồi. Em muốn bỏ xe ở quán luôn nhưng quán không nhận. Nếu bỏ đó mất xe em ai chịu trách nhiệm, nên em cố gắng chạy về” – M. thanh minh và nhiều lần khẳng định: “Em chạy từ tốn chứ không bậy bạ”.
|
Xe của anh M. đã bị lực lượng chức năng tạm giữ theo quy định. Ảnh: LÊ THOA. |
Theo ghi nhận của PV, có rất nhiều trường hợp thông qua máy đo định tính, CSGT phát hiện có cồn nhưng khi dùng đến ống thổi một lần thì mức cồn là 0. CSGT lý giải có thể do tài xế chở người thân, khách có uống rượu bia, chỉ cần trong xe có mùi cồn thì máy sẽ tự động báo hiệu.
Có tài xế nói với CSGT: “Nhà em nhậu không à, chứ em không có nhậu”.
TP.HCM tăng cường phạt nồng độ cồn trước Tết
Trước đó, Phòng PC08 Công an TP.HCM đã cho biết, trong dịp cuối năm, đón Tết dương lịch 2021 cũng như Tết Nguyên đán sắp tới, PC08 sẽ tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Phòng PC08 nhấn mạnh sẽ huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan để xử lý các trường hợp người điều khiển xe máy, ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên các tuyến đường thuộc địa bàn Phòng phụ trách. Cụ thể, CSGT sẽ tập trung tại các cửa ngõ ra vào TP, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn,…
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng sẽ sử dụng camera được trang bị ghi nhận lại toàn bộ hoạt động trong ca công tác để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác.
“Khi xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, cán bộ chiến sĩ PC08 sẽ kiểm tra, rà soát trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm để phát hiện các trường hợp tái phạm nhằm áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính” - đại diện PC08 nhấn mạnh.
Theo Lê Thoa/PLO