Thâu tóm đất công sản: Chứng cứ nào Phan Văn Anh Vũ, Trần Văn Minh kêu oan?

Google News

(Kiến Thức) - Tại phiên xử phúc thẩm hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng các đồng phạm trong vụ án thâu tóm nhà, đất công sản tại Đà Nẵng, bị cáo Phan Văn Anh Vũ và Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) tiếp tục trưng chứng cứ kêu oan.

Ngày 4/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm 20 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại TP Đà Nẵng.
Ngay sau phần thủ tục, Chủ tọa tóm tắt nội dung vụ án, bị cáo Trần Văn Minh (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006 – 2011), Văn Hữu Chiến (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014) đã cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các quy định về quản lý đất đai để tạo điều kiện cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ trục lợi cá nhân trong việc mua bán, chuyển nhượng các nhà đất công sản và các dự án đất đai trên địa bàn.
Hành vi thâu tóm của bị cáo Vũ tại 4 dự án bất động sản đã gây thiệt hại hơn 18.200 tỷ đồng; tại 15 nhà công sản, gây thiệt hại hơn 1.700 tỷ đồng.
Thau tom dat cong san: Chung cu nao Phan Van Anh Vu, Tran Van Minh keu oan?
Bị cáo Trần Văn Minh tại tòa 
Trả lời HĐXX, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh giữ nguyên kháng cáo kêu oan, đồng thời xin gửi bổ sung một số tài liệu, chứng cứ mới.
Theo bản án sơ thẩm, trong vụ án này, tại 6/7 dự án bất động sản, bị cáo Trần Văn Minh đã chỉ đạo các cán bộ cấp dưới thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nhanh chóng hoàn thành hồ sơ để giúp Phan Văn Anh Vũ được nhận quyền sử dụng đất các dự án này không qua đấu giá quyền sử dụng đất, áp đơn giá giao quyền sử dụng đất không sát với giá thị trường tại thời điểm đó, cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở trái với quy định pháp luật.
Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước tại thời điểm khởi tố điều tra là hơn 19,6 nghìn tỷ đồng.
Tại 18 nhà, đất công sản, mặc dù không thuộc diện được mua chỉ định nhưng Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng những văn bản pháp lý của UBND TP Đà Nẵng do bị cáo Trần Văn Minh ký ban hành trái pháp luật để bàn bạc, thỏa thuận với giám đốc một số công ty (là các đơn vị được mua chỉ định) đứng tên xin mua nhà công sản, xin giảm hệ số sinh lợi.
Sau đó, trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các công ty này lại có văn bản đề nghị thay đổi tên người nhận quyền sử dụng đất sang cho bị can Phan Văn Anh Vũ với lý do Vũ là người nộp tiền mua nhà và được Trần Văn Minh cùng các đồng phạm thực hiện hành vi làm trái quy định của Nhà nước về quản lý tài sản tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ được mua 15/18 nhà, đất công sản trái pháp luật.
Hành vi này của bị cáo Trần Văn Minh và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước tại 18 nhà, đất công sản nêu trên tại thời điểm khởi tố điều tra là hơn 2,1 nghìn tỷ đồng.
Với những hành vi trên, cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, 5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, tổng hợp hình phạt là 17 năm tù.
Sau phiên sơ thẩm, ông Minh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ông Minh kêu oan, nói mình làm đúng theo chủ trương của thành phố.
Thau tom dat cong san: Chung cu nao Phan Van Anh Vu, Tran Van Minh keu oan?-Hinh-2
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ nhất mực kêu oan 
Tại phiên tòa phúc thẩm, trả lời chủ tọa về nội dung kháng cáo, Vũ “nhôm” ngắn gọn: “Bị cáo không phạm tội!”.
Sau khi bị tuyên phạt 25 năm tù về 2 tội danh, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ông Vũ đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét lại toàn bộ bản án một cách khách quan, toàn diện và "trả lại sự công bằng" cho mình.
Ông Vũ cho rằng việc tuyên ông phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, và vi phạm các quy định về quản lý đất đai với tư cách là đồng phạm với các bị cáo nguyên là lãnh đạo và cán bộ UBND TP Đà Nẵng là không có căn cứ, làm oan cho ông.
Theo đơn kháng cáo, ông Vũ cho rằng Viện KSND tối cao đã không có đủ cơ sở để buộc tội ông. Căn cứ ông đưa ra là tại phần tranh luận, đại diện Viện KSND tối cao đã không đưa ra được bất kỳ chứng cứ vật chất nào để chứng minh ông đồng phạm với các bị cáo khác để thực hiện hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết.
"HĐXX cấp sơ thẩm đã không đánh giá một cách toàn diện, khách quan, bản chất sự thật của vụ án và đưa ra phán quyết tôi có tội, như vậy là gây oan sai cho tôi" - ông Vũ viết trong kháng cáo.
Và theo ông Vũ, nếu ông có tội thì phải chứng minh chứng cứ vật chất nào là chứng cứ buộc tội, và khi không đủ chứng cứ thì phải áp dụng điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tuyên ông không có tội.
Ông Vũ cho rằng các kết luận định giá tài sản trong vụ án là không khách quan, và đề nghị cần phải định giá lại bởi một hội đồng định giá khác khách quan, độc lập hơn.
Cuối cùng, ông Vũ cho rằng việc áp dụng văn bản pháp luật để giải quyết vụ án là không phù hợp. Ông Vũ đề nghị HĐXX cấp sơ thẩm phải trả hồ sơ cho VKS để điều tra, làm rõ những vấn đề đã được tranh luận tại phiên tòa.
>>> Xem thêm video: Lãnh đạo Đà Nẵng đã tiếp tay cho Vũ "Nhôm" thâu tóm, trục lợi tài sản nhà nước như thế nào?

Nguồn VTV24


Xuân Diệp