Trong phiên xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (SCB) mới đây, liên quan đến việc truy tố bị cáo Trương Mỹ Lan về tội tham ô tài sản (Điều 353 BLHS 2015) khi bà Lan tuy không có chức vụ, không được bầu, bổ nhiệm…nhưng đã dùng “quyền lực mềm”, dùng “sự ảnh hưởng” của mình để tác động đến những người có chức vụ tại doanh nghiệp, qua đó chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp này đã có những tranh luận đáng chú ý từ phía đại diện VKS, luật sư bào chữa của bị cáo Trương Mỹ Lan.
|
Bị cáo Trương Mỹ Lan. |
Diễn biến nội dung phiên tòa cho thấy, khi tranh luận về tội danh truy tố đối với bị cáo Trương Mỹ Lan liên quan đến yếu tố “chức vụ, quyền hạn” đã có hai quan điểm trái ngược nhau.
Trong đó, quan điểm của Viện Kiểm sát cho rằng, qua công tác điều tra đã chứng minh, mặc dù bị cáo không có “chức vụ” nhưng đã có hành vi dùng “quyền hạn”, “sự ảnh hưởng” của mình để chiếm đoạt tài sản. Hành vi của bị cáo đã cấu thành Tội tham ô tài sản, vì điều luật sử dụng dấu “,” giữa cụm từ “chức vụ, quyền hạn” được hiểu là “hoặc”, đồng nghĩa chủ thể của tội này chỉ cần thoả mãn điều kiện về “chức vụ” hoặc “quyền hạn” là đủ.
Ngược lại, phía luật sư bào chữa cho rằng, bị cáo không phải là người có “chức vụ”, dấu “,” phải được hiểu là “và”, do đó chỉ khi nào chủ thể thoả mãn cả 2 yếu tố là có “chức vụ và quyền hạn” thì mới thoả mãn yêu cầu về mặt chủ thể đối với Tội tham ô tài sản.
Câu hỏi đặt ra là: Bị cáo Trương Mỹ Lan có phải là chủ thể của Tội tham ô tài sản nói riêng và các tội khác về chức vụ nói chung hay không?
Theo dõi diễn biến phiên tòa trên, Luật sư Trương Ngọc Liêu (TAT LAW FIRM) nhìn nhận, liên quan đến cụm từ “chức vụ, quyền hạn” theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực hình sự thì cụm từ này xuất hiện sớm nhất tại BLHS 1985 và được sử dụng trong các BLHS thay thế sau đó (BLHS 1999, BLHS 2015).
Xen kẽ trong khoảng thời gian này, trong hệ thống pháp luật quốc gia Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng 1998 (sau đó Pháp lệnh này được nâng lên thành Luật Phòng chống tham nhũng 2005 và mới nhất được thay thế bởi Luật Phòng chống tham nhũng 2018) cũng sử dụng cụm từ “chức vụ, quyền hạn” trong quy định.
Về phương diện pháp luật quốc tế, liên quan đến phòng chống tham nhũng có Công ước Liên Hợp Quốc phòng chống tham nhũng 2003 (tiếng Anh: United Nations Convention against Corruption; viết tắt: UNCAC) mà Việt Nam chính thức trở thành thành viên kể từ ngày 19/8/2009.
Tuy nhiên, tại Công ước này không sử dụng từ “quyền hạn” mà chỉ sử dụng từ “chức vụ” (tiếng Anh: Office) trong nội dung quy định. Cụ thể, tại Điểm a Điều 2 Công ước định nghĩa: “(a) “Công chức” có nghĩa là: (i) bất kỳ người nào giữ chức vụ về lập pháp, hành pháp hoặc tư pháp của một Quốc gia thành viên do được bầu hay bổ nhiệm, làm việc không thời hạn hoặc có thời hạn, được trả lương hay không được trả lương, bất kể cấp bậc của người đó…” (tiếng Anh: (a) “Public official” shall mean: (i) any person holding a legislative, executive, administrative or judicial office of a State Party, whether appointed or elected, whether permanent or temporary, whether paid or unpaid, irrespective of that person’s seniority…”)
Như vậy, mặc dù cụm từ “chức vụ, quyền hạn” được sử dụng thống nhất và xuyên suốt trong hệ thống pháp luật quốc gia, nhưng “có vẻ” chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khi liên quan đến tội phạm về tham nhũng, Công ước chỉ quy định “chức vụ” mà không có cụm từ “quyền hạn” theo cùng.
Luật sư Trương Ngọc Liêu cho rằng, bên cạnh đó, hiện nay, không chỉ Tội tham ô tài sản (Điều 353), mà rất nhiều tội khác thuộc Chương XXIII về tội phạm chức vụ tại Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS), như Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358), Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360)…Tại phần giả định, nhà làm luật đều quy định “Người nào có chức vụ, quyền hạn…” và đều dùng dấu “,” đặt giữa cụm từ “chức vụ, quyền hạn” mà không dùng từ “và” hay từ “hoặc”, thể hiện quan điểm thống nhất trong cách thức triển khai quy định.
Trước khi đi vào phần quy định các tội phạm cụ thể tại Chương XXIII BLHS, nhà làm luật đã định nghĩa: Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ (Khoản 2 Điều 352). Luật Phòng chống tham nhũng 2018, định nghĩa: “Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:…” (Khoản 2 Điều 3).
Phân tích các định nghĩa này, Luật sư Trương Ngọc Liêu cho biết, chúng ta thấy có 3 yếu tố liên quan bắt buộc phải có đối với Người có chức vụ là: (i) do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, (ii) được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và (iii) có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Như vậy, người có “chức vụ” thì đương nhiên có “quyền hạn”, nhưng người có “quyền hạn” thì không đương nhiên là người có “chức vụ” nếu không đảm bảo được yếu tố (i) và (ii).
So sánh hai khái niệm trên, có thể thấy nội hàm của quy định là hoàn toàn trùng nhau, bản chất “Người có chức vụ” và “Người có chức vụ, quyền hạn” là một. Do đó, yếu tố “quyền hạn” không thể là yếu tố tồn tại độc lập, có giá trị tương xứng với yếu tố “chức vụ”, bởi khi đó, nội hàm của hai định nghĩa bắt buộc phải khác nhau.
Hơn nữa, nếu hiểu “quyền hạn” tồn tại một cách độc lập với “chức vụ”, quyền hạn có được không do chức vụ mang lại, thì bất kỳ ai cũng có thể trở thành chủ thể của nhóm tội phạm về chức vụ (tội phạm về tham nhũng và các tội phạm chức vụ khác). Bởi vì người có “quyền lực mềm”, có “sự ảnh hưởng” đến các chủ thể có chức vụ là nhiều vô kể, ví dụ giữa họ và người có chức vụ có mối quan hệ phụ thuộc như Thầy – trò, có quan hệ thân thuộc như vợ - chồng, cha, mẹ - con, anh chị em với nhau, thậm chí là quan hệ bạn bè, yêu đương… những chủ thể này hoàn toàn có thể dùng sự ảnh hưởng của mình để tác động đến người có chức vụ, thông qua đó chiếm đoạt tài sản, trục lợi…
Nếu hiểu theo cách này, thì chủ thể của nhóm tội phạm về chức vụ sẽ không còn là “chủ thể đặc biệt” nữa, mà là “bất kỳ người nào”. Nếu như vậy, rõ ràng là đi ngược lại với việc BLHS đã dành riêng Chương XXIII chỉ để quy định các tội phạm về chức vụ, cũng như các văn bản pháp luật hướng dẫn, trong đó có Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn về xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.
Từ các phân tích trên, Luật sư Trương Ngọc Liêu cho rằng để tránh việc có nhiều cách hiểu khác nhau về chủ thể của Tội tham ô tài sản nói riêng và nhóm tội về chức vụ nói chung. Tại BLHS và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, chúng ta nên bỏ cụm từ “quyền hạn” ra khỏi cụm từ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn”. Trong lúc chưa sửa đổi, cơ quan có thẩm quyền nên có văn bản hướng dẫn để có cách hiểu thống nhất: Chủ thể của nhóm tội về chức vụ phải là người có chức vụ, nếu không có chức vụ, thì họ không thể là chủ thể của nhóm tội phạm này.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ
Hải Ninh