Thầy giáo bị kẹt vì dịch, “ngược dòng, ngược gió” đốt rác nhựa “cứu” biển

Google News

Thầy Trần Văn Tùng đã dành ra hơn 5 tháng để thu gom và xử lý gần 10 tấn rác thải trên bờ biển với hy vọng có thể góp sức làm giảm ô nhiễm nhựa đại dương.

Thay giao bi ket vi dich, “nguoc dong, nguoc gio” dot rac nhua “cuu” bien

Thay giao bi ket vi dich, “nguoc dong, nguoc gio” dot rac nhua “cuu” bien-Hinh-2
PV: Xin chào anh Tùng, nhiều người biết đến anh qua facebook vì việc dọn rác thải để “cứu” biển trong suốt 5 tháng qua, có phải anh làm việc này là vì “quá rảnh” như mọi người nói?
Thầy giáo Trần Văn Tùng: Vì sao tôi gom rác, lý do là tình cờ vào dịp kỳ nghỉ hè vừa rồi (ngày 19/5/2021) khi trở về quê tại xã đảo Hòn Nghệ để thăm gia đình và bạn bè.
Cũng như mọi khi, hình ảnh người thân trong gia đình, bạn bè cứ cho thẳng rác sinh hoạt vào túi nylon hoặc xô nhựa rồi mang đi đổ ngay xuống bờ biển trước nhà khiến cho hàng đống rác hổ lốn các loại cứ thế trôi ra biển mỗi ngày làm cho tôi cảm thấy rất buồn.
Nhìn những phần rác thải đó ngày một nhiều lên, tôi biết rằng sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, nhưng không biết phải mở miệng như thế nào để can thiệp vào hành vi này của mọi người, bởi đó vốn là thói quen xưa nay, nói ra là sẽ có thể nhận được câu trả lời không mong muốn, kiểu như “không vứt rác xuống biển thì vứt đi đâu?”.
Đó có thể là những lời nói phân bua từ người thân, anh chị em, bạn bè ở quê tôi. Tuy nhiên, vẫn còn một vài người đồng tình với cách làm của tôi khi chứng kiến rác nhựa trên biển.
Kỳ nghỉ hè lần đầu kết thúc, tôi quay về đất liền để thực hiện công việc như thường lệ, sau đó quay lại đảo tiếp tục kỳ nghỉ hè lần 2.
Trước khi trở về đảo, tôi đã có suy nghĩ rất nhiều về việc tại sao rác ở đảo nhiều như thế mà không ai làm gì, không ai thu gom, không xử lý được? Nếu không có cách gì tốt hơn, thì cũng nên gom lại một chỗ để đốt cho sạch chứ?
Thay giao bi ket vi dich, “nguoc dong, nguoc gio” dot rac nhua “cuu” bien-Hinh-3
Mặc kệ ai nói gì thì nói, tôi tử nhủ, tại sao mình không đăng một bài lên facebook để kêu gọi mọi người cùng gom rác, và chính vì suy nghĩ này mà tôi đã đi đến quyết định đăng bài trên facebook và Zalo vào ngày 16/6/2021 để kêu gọi.
Ngay sau khi lóe lên ý tưởng đó, tôi đã lên facebook và zalo đăng trạng thái như sau:
“Về Hòn Nghệ chơi được 2 tuần, nhìn rác lấp đầy bờ biển, cảm thấy xót mà cũng không biết phải làm thế nào. Nặng nhất là tình trạng rác thải sinh hoạt cho thẳng ngay xuống biển luôn. Mọi người dân, kể cả người thân trong gia đình tôi đều cho rác xuống biển.
Hy vọng lần này hành động của tôi sẽ làm mọi người thấy vui, mọi người cùng chung tay giữ bờ biển trước nhà thật sạch, hình thành thói quen này thật lâu dài để bảo vệ các loài thuỷ, hải sản sống gần bờ nhé.
Cùng lúc đó, tôi vô tình xem lại một bài báo đăng năm 2017 về ghẹ xanh nên quyết định đăng kêu gọi mọi người. 7h sáng ngày 18/6/2021 tôi tự tay dọn vệ sinh và đốt rác trước bờ biển nhà tôi. Bờ biển khoảng 100m”.
Vừa đăng bài xong thì có người chị sống trên đảo đã đồng ý gom rác cùng tôi. Từ đó, tôi bắt đầu gom rác để đốt. Nguồn rác chủ yếu là từ ngư dân, khách du lịch và dân địa phương tại xã đảo thải ra, kèm một số rác ở nơi khác trôi dạt đến.
Thay giao bi ket vi dich, “nguoc dong, nguoc gio” dot rac nhua “cuu” bien-Hinh-4
PV: Anh có nhìn thấy những hậu quả từ việc vứt thẳng rác ra biển? Những hình ảnh nào thôi thúc anh làm việc này?
Thầy giáo Trần Văn Tùng: Việc vứt rác xuống đại dương (cả ở bờ biển) để lại rất nhiều hậu quả nặng nề. Tôi chỉ nói một vài ví dụ, như lưới cào, túi nylon làm cá vướng vào và chết, thậm chí có những lứa cá đang trong giai đoạn sinh sản cũng bị chết, trôi nổi rất nhiều dạt vào bờ biển, chứng kiến thường xuyên những hình ảnh đó, rất thương xót.
Chính tôi đã từng nhiều lần lặn xuống biển, tự tay giải thoát cho rất nhiều chú cá và cua ghẹ khỏi những đồ vật từ rác thải và nhờ vậy mà chúng được tự do bơi về đại dương. Nhưng không phải con vật nào cũng may mắn được cứu như vậy.
Tôi nghĩ rằng, hậu quả mà rác thải gây ra cho đại dương là không thể đong đếm, bây giờ rác thải đã trở thành một "gánh nặng" cho môi trường, cho thế hệ tương lai sau này.
PV: Quá trình gom rác đi tiêu hủy này của anh có gặp khó khăn gì không?
Thầy giáo Trần Văn Tùng: Khó khăn nhỏ thì tôi cho là mùi hôi của rác. Còn khó khăn lớn nhất vẫn là chưa tìm được sự đồng lòng của người dân và gia đình, rất khó thuyết phục họ làm được việc này trong ngày một ngày hai.
Vì hầu như là tất cả mọi người đã có thói quen vứt rác như vậy từ bao lâu nay. Trong khi tôi đang gom rác lại đốt thì người thân vẫn cứ vứt xuống biển, người dân xung quanh đảo cũng vậy.
Riêng về phía người thân trong gia đình, mặc dù tôi đã nghĩ ra một giải pháp, đó là làm sẵn chỗ đốt rác rồi để gom và chờ xử lý, nhưng mọi người cũng chưa có thói quen đem rác bỏ vào đó được.
Đôi lúc tôi cảm thấy, có lẽ không thể thay đổi được hành vi của tất cả mọi người trong việc vứt rác đúng nơi quy định và xử lý rác thay vì vứt nó ra ngoài môi trường, mà cụ thể ở đây là vứt xuống biển.
Có những lúc tôi phải cầu xin và kêu lên rằng cứ bỏ rác vào đó, tôi sẽ đi đổ và tôi sẽ đốt, nhưng vẫn chưa “rèn” cho mọi người được thói quen vứt rác đúng chỗ, điều này khiến tôi cảm thấy bất lực.
Đây là việc có thật, khi tôi nói như vậy xong rồi đăng bài lên mạng để XIN RÁC luôn, rồi cứ thế đem gom lại và đốt. Nhưng rốt cuộc tôi phải nhận lại những lời lẽ kiểu như là “mày rảnh quá, mày nhắm xem liệu có thể dọn hết được không, một ngày bao nhiêu người vứt bọc rác xuống biển như vậy thì dọn sao nổi, mày rảnh quá trời rảnh…”.
Thay giao bi ket vi dich, “nguoc dong, nguoc gio” dot rac nhua “cuu” bien-Hinh-5
Khi nghe những lời như vậy, tôi hơi buồn nhưng cũng hiểu và thông cảm cho gia đình, người dân và anh chị em bạn bè. Có lẽ vì từ lúc sinh ra cho đến lúc lớn họ đã quen tay tay vứt rác xuống biển.
Thú thực, ngay kể cả tôi lúc nhỏ cũng làm như thế, nhưng may mắn nhờ được đi học và làm việc trong môi trường giáo dục mới giúp tôi có thêm nhận thức và hành động nhặt rác cũng như ý thức được tầm quan trọng của việc xử lý rác để bảo vệ môi trường sống. Rất may là khi tôi đã nhận ra thói quen vứt rác sai lầm này, dù chậm, nhưng không hề trễ.
Thay giao bi ket vi dich, “nguoc dong, nguoc gio” dot rac nhua “cuu” bien-Hinh-6
PV: Việc làm của anh tác động đến những người xung quanh như thế nào, có ai ủng hộ không?
Thầy giáo Trần Văn Tùng: Khi đã tiến hành gom rác đốt được một thời gian kèm những bài kêu gọi đăng trên facebook, thì có một cậu em ở gần nhà ủng hộ và cũng đã tiến hành “xắn tay” đi gom rác lại và đốt cùng với tôi.
Mặc dù không thấy ai lên tiếng phản đối việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” này, nhưng đa số người chỉ nhìn tôi như “sinh vật lạ” và cười thôi. Ai quan tâm thì nói một câu rằng, “gom không nổi đâu Tùng ơi”, lúc đó tôi cũng kệ và trả lời rằng “em làm trước bờ biển nhà em sạch thôi, còn nhà người khác thì họ sẽ tự làm vì sức em có hạn”.
Thay giao bi ket vi dich, “nguoc dong, nguoc gio” dot rac nhua “cuu” bien-Hinh-7
Về phía gia đình, mọi người cho rằng việc làm của tôi là không thể nên cũng không ủng hộ nhiều, vì cho rằng rác không vứt xuống biển thì vứt đi đâu, còn nói tôi rảnh quá.
Trong những tháng vừa rồi, về số lượng rác đã xử lý thì tôi không cân lại nhưng thực tế rất nhiều.
Khi tôi gom và đốt rác đều có kế hoạch xử lý cụ thể, mỗi lần tôi đốt thường rất lâu, từ 22h đêm cho đến 4 giờ sáng hôm sau. Và vào thời điểm khác tôi gom đốt từ 4 giờ sáng cho đến 9 giờ sáng. Những đêm đốt như vậy sợ lửa cháy lan vào nhà dân nên đã thức trắng đêm để canh, chờ khi rác cháy hết tôi mới dám lên giường đi ngủ.
Kỳ nghỉ hè vừa rồi, do đại dịch nên tôi không đi dạy được, phải nghỉ tận 5 tháng ở ngoài đảo với gia đình và trong thời gian đó cứ sáng nào tôi cũng dậy sớm và đi gom rác trước nhà, gom 3 đến 5 ngày là đốt vì số lượng túi nylon quá lớn.
Nguồn rác thì rất đa dạng, nhưng đơn giản nhất là các chị em trong nhà, ngư dân, hàng đêm cân hải sản, mua bán cũng đã bỏ ra hàng trăm cái túi nylon xuống biển trước mặt tôi, liên tục mấy tháng tôi nhìn thấy và phản đối, nhưng cũng cảm thấy bất lực vì nói hoài mà không được, cũng chưa có giải pháp thay thế. Hiện tại đến thời điểm này, những người khác vẫn cho túi nylon và rác khác vứt trực tiếp xuống biển.
Trong mấy tháng qua, dự kiến là tôi đã xử lý khoảng 5 – 10 tấn rác, hầu hết là rác thải nhựa, túi nylon, quần áo, thùng xốp, cây cối…
Thay giao bi ket vi dich, “nguoc dong, nguoc gio” dot rac nhua “cuu” bien-Hinh-8
PV: Anh sẽ làm việc này trong thời gian bao lâu nữa và anh có muốn nhắn nhủ điều gì đến mọi người?
Thầy giáo Trần Văn Tùng: Trước khi bắt tay vào việc thu gom và xử lý rác thì tôi đã nghĩ ngay đến tương lai của thế hệ trẻ, con, cháu và các loài đang sống dưới đại dương cũng như các loài động vật, thực vật sống trên cạn. Vì nếu không sớm xử lý, mọi người sau này sẽ phải chịu sự ảnh hưởng tồi tệ của rác và sẽ phải sống trên đống rác rồi.
Khi làm việc này, tôi chỉ có một cảm nhận là hy vọng mọi người sẽ nhận thức được như tôi và cùng chung tay làm sạch bờ biển trước nhà, đồng thời dừng ngay việc vứt rác xuống biển hoặc là gom lại đốt cho sạch, không vứt bừa như hiện tại nữa, chỉ ước như vậy thôi.
Tôi dự kiến là sẽ vẫn tiếp tục làm việc này cho đến khi học sinh được đi học trở lại. Lúc đó, tôi buộc phải nghỉ gom rác ở tại xã đảo và trở lại công việc giảng dạy tại trường trong đất liền.
Trong thời gian tới, dù có đi dạy rồi thì tôi vẫn tiếp tục lan truyền hành động bảo vệ môi trường này vào mỗi cuối tiết dạy như những năm qua tôi đã làm và không ngừng truyền tải thông điệp ngừng xả rác tùy tiện cho các thế hệ học sinh của tôi.
7 năm qua, với tư cách là giáo viên, tôi đều hướng dẫn học sinh nhặt rác và đem bỏ vào thùng rác thật sạch sẽ sau mỗi buổi học. Không chỉ dừng lại ở đó, ngay thời điểm này, tôi cũng đã thiết kế một giáo án điện tử Powerpoint có trò chơi “NHẶT RÁC ĐỂ SỐNG KHÁC” để tuyên truyền vận động các em học sinh ý thức được về tác hại của rác thải nhựa.
Đặc biệt, vào ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) tôi đã tiến hành gom rác thải nhựa để đốt, tôi chọn ngày này để có sức lan tỏa hành động này nhiều hơn đến mọi người xung quanh.
Số lượng người tham gia cùng thì chỉ có một chị ở xóm làm được một thời gian, còn cậu em trai ở xóm cũng ủng hộ đã thu gom đem đốt khoảng 500kg – 1 tấn rác tổng hợp. Những người ủng hộ ít ỏi này có nói với tôi rằng, rác nhiều quá thì phải làm thôi, ai không làm thì cứ kệ họ.
Hiện tại, thông qua thiết kế bài giảng bằng video để dạy trực tuyến cho học sinh, tôi đã làm một bài giảng có kèm trò chơi để cho các em chơi, mục đích là tuyên truyền cho các em hiểu sâu về tác hại của rác thải nhựa, chúng trở thành gánh nặng đối với môi trường sống của mọi loài sinh vật như thế nào để các em hiểu và bỏ rác đúng nơi quy định.
Thay giao bi ket vi dich, “nguoc dong, nguoc gio” dot rac nhua “cuu” bien-Hinh-9
PV: Với trải nghiệm thực tế đáng ghi nhận như vậy, anh có mong muốn gì về vấn đề giảm rác thải nhựa đại dương?
Thầy giáo Trần Văn Tùng: Thứ nhất, tôi có mong muốn đưa vấn đề ô nhiễm rác thải lên hàng đầu, ví dụ như giành ra khoảng 2-3 phút để nói về rác thải sinh hoạt mỗi khi có các cuộc họp của chính quyền với người dân quanh đảo.
Thứ hai, có thể làm nhiều banner, băng rôn, biểu ngữ có độ bền cao nói về rác thải nhựa đặt ở những nơi tập trung đông dân, ví dụ như trước các bến tàu chở khách.
Nếu có thể, tôi đề xuất đưa trò chơi “NHẶT RÁC ĐỂ SỐNG KHÁC” vào giáo án của giáo viên đang làm việc ở xã đảo cũng như các giáo viên có cùng mong muốn tuyên truyền việc nhặt rác thông qua giảng dạy giống tôi đã và đang làm.
Cuối cùng, hy vọng mọi người sống chậm lại, thay đổi thói quen, dừng ngay xả rác xuống bờ biển để cứu môi trường biển, bảo vệ thế hệ trẻ và muôn loài động thực vật, vì một tương lai an toàn, khỏe mạnh.
Vân Hồng