Nhiều nội dung quan trọng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bàn thảo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 với sự tham dự của giám đốc 63 sở GD-ĐT.
Tách các môn thi trong bài thi tổ hợp
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng - Bộ GD-ĐT, đánh giá tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã làm ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, tổn thương đến đội ngũ nhà giáo. Vì thế, kỳ thi THPT quốc gia 2019 phải có những điều chỉnh về kỹ thuật để hoàn thiện về mặt tổ chức nhẹ nhàng hơn nhưng độ tin cậy cao hơn.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh khâu vô cùng quan trọng trong kỳ thi THPT quốc gia chính là đề thi. "Cần đầu tư thêm vào ngân hàng đề thi để làm sao sự phân hóa đề đạt như mong muốn. Ngoài ra cũng nên tách ra mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm" - ông Quốc đề xuất. Theo ông Quốc, như vậy người làm công tác coi thi có thể quản lý phiếu trả lời trắc nghiệm tốt hơn, tránh thí sinh sau giờ nghỉ giữa 2 môn thi có thể các em hỏi các bạn và về điều chỉnh. Ngoài ra phiếu trả lời trắc nghiệm nên làm phách, khi xử lý phiếu trắc nghiệm họ sẽ không biết bài thi của thí sinh nào, từ đó bảo đảm độ bảo mật của bài thi.
|
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại TP HCMẢnh: Hoàng Triều. |
Cũng có chung quan điểm này, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho rằng trước hết Bộ GD-ĐT phải hoàn thiện khâu đề thi. Các câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi phải làm sao đánh giá được kiến thức và năng lực, trình độ của học sinh, tránh đòi hỏi cao quá hoặc dễ quá. "Về khâu coi thi, chúng tôi nghĩ rằng vẫn nên có sự phối hợp với các trường đại học, mỗi điểm thi nên có ít nhất 3 trường, trong đó có trường đại học của trung ương, địa phương, trường THPT để giảng viên, giáo viên các trường khi làm nhiệm vụ coi thi có sự kiểm tra giám sát lẫn nhau, tránh chủ quan" - bà Hằng nói thêm.
Bà Hằng nhấn mạnh cần nghiên cứu khâu làm phách trong bài thi trắc nghiệm để có thể mã hóa về phách, cán bộ chấm thi không thể biết được bài đó là bài thi của học sinh nào. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong. "Khâu chấm quan trọng nhưng dù thế nào cũng là do con người. Nếu quy trình không xác định rõ nhận thức của người làm công tác coi thi, chấm thi thì sẽ nảy sinh tiêu cực, vì thế điều quan trọng nhất là trước khi kỳ thi phải quán triệt các quy định, quy chế, để làm sao không có sự tiêu cực ở trong mỗi khâu" - bà Hằng nêu quan điểm.
Thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm liên tỉnh
Ông Mai Văn Trinh cho biết Bộ GD-ĐT sẽ cải tiến phương thức tổ chức coi thi, chấm thi trong năm 2019 theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ trong chấm thi, đồng thời xem xét tổ chức chấm thi bảo đảm nguyên tắc giáo viên không chấm bài thi học sinh tỉnh mình (chẳng hạn tổ chức chấm thi theo cụm). Tuy nhiên việc chấm chéo giữa các địa phương không mới và đã từng xảy ra câu chuyện 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bắt tay nhau trong điều chỉnh kết quả chấm thi. Trước ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên tổ chức chấm thi tập trung ngay tại bộ để bảo đảm khách quan, ông Trinh cho rằng những năm trước đây chúng ta đã tổ chức chấm chéo, nhưng bối cảnh tổ chức kỳ thi năm nay khác những năm trước rất nhiều, đặc biệt là về công nghệ. "Với những giải pháp công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và các giải pháp kèm theo thì dù chấm chéo nhưng cách thức tổ chức cụ thể sẽ khác. Chúng tôi sẽ cân nhắc một cách thận trọng" - ông Trinh cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, khẳng định chấm thi trắc nghiệm đưa về các cụm tập trung rất thuận lợi khi chúng ta có đầy đủ cơ sở vật chất. "Chúng ta chỉ hoán đổi các thành viên về mặt kỹ thuật xử lý bài thi chéo nhau và yên tâm là kết quả chính xác. Về tự luận, trước đây, một số năm chúng ta tổ chức chấm chéo giữa các tỉnh, thành. Nay bảo đảm khách quan, bộ trở lại việc tổ chức chấm chéo cũng không gây khó khăn gì. Vấn đề là chúng ta cần tính toán khoảng cách di chuyển của bài thi, để hoán đổi sao cho hợp lý" - ông Vĩnh nói.
Nên tổ chức chấm thi trắc nghiệm liên tỉnh
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long, đề xuất thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm liên tỉnh hoặc khu vực, quyết định thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm và phương án phân công chấm thi theo nhóm tỉnh hoặc khu vực do Bộ GD-ĐT ban hành và được bảo mật cho đến thời điểm phù hợp mới công bố.
Theo Yến Anh/Người lao động