Thích ứng an toàn với COVID-19: Thách thức và cơ hội với Việt Nam

Google News

“Cố gắng với sự hiệp đồng, vận dụng mạnh mẽ kinh tế số, công nghệ thông tin, Việt Nam có thể đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động mở cửa bình thường hóa và kiểm soát được dịch bệnh một cách tốt hơn” - chuyên gia Lê Đăng Doanh nêu ý kiến.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128, quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với 4 cấp độ và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Thich ung an toan voi COVID-19: Thach thuc va co hoi voi Viet Nam
 
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 sẽ có tác động tốt, tiếc rằng Nghị quyết ra hơi chậm một chút. Nếu ra sớm hơn sẽ có hiệu quả cao hơn.
“Trước hết phải đảm bảo phủ vắc xin đầy đủ đến người dân, nhất là đội ngũ công nhân và các cán bộ y tế, những người tiếp xúc với bệnh nhân, trên cơ sở đó, từng bước mở rộng các dịch vụ, các hoạt động kinh doanh và thực hiện các trao đổi bình thường” - tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.
Vấn đề khó khăn, thách thức nhất hiện nay, theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh do Chính phủ, các địa phương chưa kiểm soát được hết các quy định, quyết định của các tỉnh, thành.
“Hiện nay, Nghị quyết 128 đã được ban hành nhưng nhiều địa phương vẫn ban hành những quy định riêng như tỉnh, thành này đòi xét nghiệm, tỉnh kia lại đòi hỏi văn bản này khác. Do đó, các lái xe tải kêu phiền phức rất nhiều. Bên cạnh đó, vẫn có quy định sau 7 ngày, xét nghiệm một lần cũng dẫn đến sự tốn kém, gây đội giá chi phí sản phẩm của Việt Nam lên, tác động đến năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam”, ông Lê Đăng Doanh nêu ý kiến.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các chính sách phải được xây dựng, thực thi nhất quán, thống nhất từ Trung ương tới địa phương.
“Tôi rất lo ngại khi Chính phủ và Trung ương chưa có hướng dẫn và quy chế chính thức giữa các tỉnh với nhau để cho liên thông. Tôi rất mong, Bộ Y tế và Bộ GTVT sẽ có hướng dẫn cụ thể Nghị quyết 128, làm sao thực sự liên kết, liên thông, tránh việc cát cứ. Như Thủ tướng đã nói, mỗi một địa phương lại đặt ra quy chế khác, gây khó khăn cho giao thông và mở cửa lại nền kinh tế” - ông Doanh cho biết.
Ông Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ sự đồng tình với các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả cao phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19 như: tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vắc xin; động viên nhân dân tiếp tục thực hiện 5K và các giải pháp phòng, chống dịch khác; nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, nhất là nhóm yếu thế; đảm bảo lưu thông, di chuyển thông suốt, an toàn; kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy đầu tư công; đẩy mạnh chuyển đổi số...
“Cố gắng với sự hiệp đồng, vận dụng mạnh mẽ kinh tế số, công nghệ thông tin có thể đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động mở cửa bình thường hóa và kiểm soát được dịch bệnh một cách tốt hơn” - ông Lê Đăng Doanh đề xuất.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thời điểm này, Việt Nam phải hết sức cố gắng để bảo đảm các nhu cầu, các cam kết, hợp đồng, chúng ta đã ký kết.
“Gần đây có hiện tượng một số các đơn hàng đã được chuyển từ Việt Nam sang các nước khác do chúng ta áp dụng biện pháp phong tỏa, giãn cách. Bây giờ, tôi cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực để lấy lại uy tín, lấy lại các hợp đồng đã mất” - ông Doanh cho hay.
Thich ung an toan voi COVID-19: Thach thuc va co hoi voi Viet Nam-Hinh-2
 Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh. 
Trước đó, tại Hội thảo “Phát triển địa phương: Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19; khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữ các địa phương” chiều 13/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng, trình bày báo cáo phục hồi kinh tế, thích ứng với đại dịch 2021 - 2023. Theo đó, với quan điểm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 là 6,5 - 7%, báo cáo khuyến nghị cần nhanh chóng khắc phục khó khăn của nền kinh tế, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn lực.
Trong đó, có đầu tư công, phát triển các đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm, ngành, lĩnh vực động lực tăng trưởng bao gồm cả các động lực tăng trưởng mới…
Bộ trưởng cũng đưa ra khung giải pháp gồm 6 chương trình hợp thành và 2 nhóm giải pháp quản trị rủi ro, thông tin, tuyên truyền. 6 chương trình thành phần gồm: Chương trình tổng thể về phòng chống COVID -19 và thúc đẩy mở cửa nền kinh tế; Chương trình phục hồi du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu bền vững; Chương trình phục hồi doanh nghiệp; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực cho đầu tư; Chương trình hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển thị trường lao động; Chương trình cải cách thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Dự kiến nguồn lực thực hiện từ ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ ngoại hối, nguồn vốn của doanh nghiệp, PPP, nguồn huy động khác… Về Ngân sách nhà nước, tăng cường tiết kiệm chi, có cơ chế điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi, phát hành công trái Quốc gia, trái phiếu Chính phủ, các nguồn lực do Ngân hàng Nhà nước quản lý.
Nghị quyết mới của Chính phủ đề ra mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021. 
Nghị quyết được ban hành trong bối cảnh, Việt Nam đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tác động của đại dịch đã làm cho nền kinh tế Việt Nam bị chệch ra khỏi quỹ đạo tăng trưởng, hiện đang ở mức thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tiềm năng và nếu không được khắc phục sớm, bản thân quỹ đạo tăng trưởng này có nguy cơ bị đảo chiều, có thể bị chuyển xuống mức tăng trưởng tiềm năng thấp hơn.
Đại dịch lần này đã làm đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế và trong các hoạt động của đời sống xã hội, dẫn đến đứt gãy sự kết nối giữa tổng cung và tổng cầu gồm: đứt gãy trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị do đột ngột ngưng cung lao động; đứt gãy trong khâu vận chuyển, vận tải và hệ thống logistic; đứt gãy trong khu vực dịch vụ cần tiếp xúc trực tiếp.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19:

Nguồn: VTV 4

Hải Ninh