Thiếu nhân lực trạm y tế, Hà Nội huy động nguồn lực nào?

Google News

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh cần có biện pháp giảm tải ngay cho hệ thống y tế cơ sở.

Nhân lực tại các trạm y tế cơ sở của Hà Nội đang khủng hoảng vì quá tải. Thành phố đã yêu cầu địa phương vận động nguồn lực để giảm tải cho trạm y tế.
Y tế phường khủng hoảng vì thành F0
Hiện nay, nhiều địa phương của Hà Nội đang thành điểm nóng về COVID-19. Nhiều trạm y tế phường cán bộ nghỉ quá nửa vì trở thành F0. Thậm chí, nhiều nơi F0 triệu chứng nhẹ vẫn phải đi làm với những phân công công việc phù hợp.
Thieu nhan luc tram y te, Ha Noi huy dong nguon luc nao?
 Các trạm y tế cơ sở của Hà Nội đang bị quá tải.
Trạm y tế phường Quan Hoa có 9 nhân viên y tế, hiện 5 người nhiễm bệnh. F0 được trạm bố trí riêng vị trí làm việc trên tầng hai, cách ly với 4 nhân viên còn lại âm tính, đang ở tầng một. Chị Thu – cán bộ y tế phường Quan Hoa (Cầu Giấy) là F0 nhưng vẫn phải làm việc và được giao nhiệm vụ quản lý F0 qua phần mềm, điện thoại.
Bác sĩ Hoàng Thị Hải Ninh - Trưởng Trạm y tế phường Quan Hoa cho biết, phường Quan Hoa còn có thêm đội ngũ sinh viên, dân quân tình nguyện, gồm 48 người, tuy nhiên hiện bị nhiễm virus một nửa. "Trung bình một người nhiễm 7 ngày thì khỏi, vậy trong 7 ngày, phường ghi nhận khoảng 1.400 F0, mà chỉ có 9 nhân viên y tế, bạn tưởng tượng lượng công việc sẽ nhiều thế nào?", bác sĩ Ninh nói.
Từ sau Tết, số ca nhiễm tại Hà Nội tăng vọt, những ngày gần đây đã vượt 10.000 F0 khiến hệ thống y tế cơ sở quá tải. Nhiều phường, quận khác trên địa bàn cũng xảy ra tình trạng nhân viên y tế nhiễm bệnh nhưng vẫn phải làm việc.
Ông Trương Kỳ Phong - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hà Đông cho biết quận Hà Đông có 17 phường, tương ứng 17 trạm y tế, mỗi trạm có 7-8 nhân viên. Một bộ phận cán bộ nhân viên y tế bị nhiễm bệnh nhưng vẫn phải làm việc online, tùy theo sức.
Ông Lê Đức Thọ, - Giám đốc Trung tâm Y tế Hoàng Mai cũng cho biết, tình trạng quá tải ở các trạm y tế do lượng F0 tăng nhanh, trong khi mỗi trạm 6-8 nhân viên. Thậm chí nhiều nhân viên y tế là F0, song vẫn tiếp tục hỗ trợ công việc. Chính điều này dẫn đến công việc bị tồn đọng, người dân mắc bệnh vẫn phải chen chân xếp hàng nhiều giờ để chờ được test nhanh và nộp giấy tờ.
Huy động nguồn lực nào?
Chia sẻ về tình trạng quá tải tại các trạm y tế cơ sở, ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhân viên y tế mắc COVID-19 vẫn phải làm việc ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh. “Nhân viên y tế phải làm việc liên tục trong nhiều giờ, sinh hoạt thất thường, không có người thay thế để ngủ nghỉ thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc điều trị”, ông Phu nói.
Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội, các đơn vị đã phản ánh về tình trạng quá tải, thiếu nhân lực ở cấp xã phường phường hiện nay. Để giải bài toán quá tải này, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho rằng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các quận huyện cần chủ động làm việc với các bệnh viện trên địa bàn theo nội dung TP đã làm việc: điều trị bệnh nhân tầng 2,3; dành ít nhất 50% số giường… Khi đó, Sở sẽ điều tiết lại, đảm bảo bệnh nhân được điều trị ngay trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh cần có biện pháp giảm tải ngay cho hệ thống y tế cơ sở. Chủ tịch UBND TP nêu rõ giải pháp: “Sử dụng phần mềm quản lý người nhiễm COVID-19 hiệu quả nhất. Khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đấy; yêu cầu liên ngành Y tế, Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan, nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng ngay để rút ngắn quy trình để giúp người dân giải quyết các khó khăn, vướng mắc”.
Đối với hệ thống y tế cơ sở cần kiểm soát thường xuyên hàng ngày, định lượng rõ, 1 nhân viên y tế mỗi ngày chăm lo được bao nhiêu F0. Có chỉ tiêu cụ thể, từ đó sẽ định lượng rõ cần bao nhiêu nhân lực mỗi ngày.  
Chủ tịch UBND TP Hà Nội lưu ý các địa phương vận động sự vào cuộc của các lực lượng tình nguyện, thanh niên, mặt trận đoàn thể… Các quận, huyện, thị xã tiếp tục đánh giá số liệu (quan tâm đặc biệt đến nhóm nguy cơ cao, phụ nữ mang thai, trẻ em chưa được tiêm, số F0 là trẻ em) thường xuyên đánh giá, điều chỉnh các hoạt động; có thể điều chỉnh việc đi học trực tiếp của học sinh khối lớp 1 đến lớp 6 sang hình thức học trực tuyến, đảm bảo an toàn cho các cháu theo đề xuất của Giám đốc Sở GD&ĐT).
Hoàng Nam