Thiếu niên chết sau khi gây tai nạn làm thai phụ tử vong: Trách nhiệm gia đình?

Google News

Thiếu niên là con một giám đốc sở tại Đắk Lắk, chạy xe phân khối lớn gây tai nạn khiến thai phụ tử vong. Thiếu niên này cũng không qua khỏi do vết thương quá nặng.

Ngày 3/7, Công an TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk xác nhận đang thụ lý điều tra vụ thiếu niên chạy xe phân khối lớn gây tai nạn khiến thai phụ tử vong. Thiếu niên 15 tuổi này là con một giám đốc sở và xe đăng ký tên người cha. Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, em P.N.C. (15 tuổi, trú phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng đã qua đời do vết thương quá nặng.
Thieu nien chet sau khi gay tai nan lam thai phu tu vong: Trach nhiem gia dinh?
 Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh Vietnamnet.
Trước đó, 15h40 chiều 2/7, C. lái xe mô tô phân khối lớn chạy trên đại lộ Đông Tây TP Buôn Ma Thuột hướng từ xã Hòa Thắng đi trung tâm TP Buôn Ma Thuột. Khi đến đoạn qua phường Tự An (TP Buôn Ma Thuột), xe phân khối lớn tông vào xe máy do chị Nguyễn Thị H. (25 tuổi, trú phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) cầm lái chạy cùng chiều. Sau va chạm, chiếc xe phân khối lớn văng xa hàng chục mét, hư hỏng nặng.
Qua sự việc này nhiều độc giả đặt câu hỏi về thiếu niên đã chết sau khi gây tai nạn làm thai phụ tử vong thì trách nhiệm của gia đình nam thiếu niên này sẽ như thế nào? 
Thieu nien chet sau khi gay tai nan lam thai phu tu vong: Trach nhiem gia dinh?-Hinh-2
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về độ tuổi khi lái xe như sau: người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi. Bên cạnh đó, pháp luật cũng nghiêm cấm giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới chỉ được điều khiển loại xe dưới 50 cm3, trường hợp thiếu niên chưa đủ điều kiện lái xe, sử dụng xe phân khối lớn gây tai nạn chết người cần xem xét đến trách nhiệm của cha mẹ, hay những cá nhân khác liên quan đã trực tiếp giao xe cho thiếu niên này.
Luật sư Hùng phân tích, trường hợp cha mẹ hoặc cá nhân khác là chủ sở hữu hoặc quản lý chiếc xe phân khối lớn này giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt có thể lên đến 03 năm tù.
Ngoài ra, trường hợp này gia đình người gây tai nạn còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại và gia đình của họ. Việc bồi thường sẽ dựa trên nguyên tắc của Bộ luật Dân sự, sử dụng tài sản của người gây tai nạn, nếu bồi thường không đủ thì sẽ sử dụng phần còn thiếu bằng tài sản của cha mẹ để bồi thường.
Thiệt hại và những mất mát từ vụ việc trên là vô cùng to lớn cho phía gia đình người gây tại nạn và gia đình bị hại. Đây cũng sẽ là một lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh khi cần phải nghiêm khắc hơn trong việc giao xe cho con điều khiển khi chưa đủ điều kiện tham gia giao thông cũng như việc quản lý con em mình.
>>> Xem thêm video: Chở con đi học, 3 mẹ con thiệt mạng khi va chạm với xe tải
 
Gia Đạt