Luật sư Lại Văn Doãn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Nam Thái (Đoàn luật sư Hà Nội), trả lời độc giả Thu Huyền như sau:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015:
Người từ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật, phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
|
Công an Hà Nội kiểm tra hành chính một người thuê trọ. Ảnh. Quang Anh. |
Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 về “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự”, quy định:
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Do hợp đồng thuê nhà là giao dịch dân sự, đối tượng là nhà ở - bất động sản nên theo quy định phải được người đại diện theo pháp luật của bạn đồng ý.
Điều 73 Luật hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ, cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, độc giả Thu Huyền (16 tuổi), không thể tự đứng ra thuê nhà trọ mà việc này phải được sự đồng ý của người đại diện của bạn, khi đó giao dịch dân sự là thuê nhà ở mới có hiệu lực theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015.
Theo Luật sư Lại Văn Doãn/Zing News