Thôi miên lừa đảo: Đâu là lời lý giải thỏa đáng nhất?

Google News

Tự đưa hết tài sản cho người khác trong tình trạng vô thức luôn là một nỗi khiếp sợ của nhiều người, liệu đó có phải là thuật thôi miên hay chỉ là một chiêu thức lừa đảo xảo quyệt? 

Chiêu trò đưa con người vào trạng thái vô thức
Thôi miên ám chỉ khả năng điều khiển suy nghĩ của người khác, khiến họ làm mọi việc theo ý của mình. Người bị thôi miên dường như không còn khả năng kiểm soát bản thân và bộ não bị chi phối hoàn toàn bởi người khác.
Nhiều người nhắc đến thôi miên như một điều gì đó thật đáng sợ, nếu như ai đó bị thôi miên thì tự mở két, mở ví lấy tiền, vàng đưa cho kẻ gian. Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ khoa học, những nhà cảm xạ học, những người biết tường tận về thôi miên đều khẳng định chuyện những người mất tiền, vàng, đồ có giá trị đều cố tình dàn dựng để đạt một ý đồ riêng cho bản thân họ.
Bà Trần Thị T (xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) kể: “Cách đây một thời gian, tôi được con chở ra thành phố Vinh chơi. Con có việc nên tôi tự đi dạo phố một mình. Bỗng nhiên có hai người lạ, một nam, một nữ, gạ tôi mua dép tông Lào giá rẻ, chất lượng tốt. Tôi cầm đôi dép họ đưa, mân mê xem. Bỗng nhiên như vô thức, tôi tự tháo đôi hoa tai vàng 1 chỉ đang đeo đưa cho họ. Khi họ đi rồi, tôi sực tỉnh sờ lên tai mới biết bị lừa”.
Thoi mien lua dao: Dau la loi ly giai thoa dang nhat?
 
Nhiều nạn nhân khác cho biết họ đang bán hàng, có người vào mua món hàng trị giá thấp nhưng đưa tiền có mệnh giá cao, đang loay hoay trả lại tiền thì không hiểu “ma xui quỷ khiến” thế nào mà lấy toàn bộ tiền trong két ra đưa cho người lạ. Đến khi sực tỉnh thì vị “khách” đã cao chạy xa bay.
Lý giải cho điều này, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người cho biết: “Khả năng thôi miên có thật, nhưng người có khả năng thôi miên rất hiếm, chỉ xuất hiện ở một số nước trên thế giới. Hiện tại ở Việt Nam chưa phát hiện được trường hợp nào có khả năng thôi miên. Hình thức người ta gọi là thôi miên được các đối tượng sử dụng để cướp đoạt tài sản của người dân trong thời gian gần đây thực chất chỉ là do một loại hương liệu".
Việc lừa đảo như các phương tiện truyền thông đưa tin trong thời gian vừa qua có thể là do đối tượng lừa đảo dùng một thứ hương liệu gây mất ý chí tạm thời hoặc do người dân mất cảnh giác. Hương liệu có thể là thuốc nước, mùi hương tẩm vào đồ vật đưa qua mặt nạn nhân gây mê muội tạm thời. Bên cạnh đó, một đặc điểm quan trọng là do sự mất cảnh giác cộng với sự đồn thổi vô căn cứ của một số người.
Một số người cho rằng, kẻ gian đã dùng thuật ám thị, thôi miên để dẫn dụ nạn nhân đi vào vô thức và điều khiển hành vi của nạn nhân để đạt mục đích bất chính. Nạn nhân của kiểu lừa đảo này chủ yếu là phụ nữ, người già, những người nông dân chất phác – những người có tâm lý, thần kinh thiếu độ vững vàng so với thanh niên, đàn ông.
Lời lý giải và cách đối phó
Nhiều người tin rằng người ta thường ngủ trong khi đang bị thôi miên nhưng thực tế không hẳn như vậy. Trong quá trình thôi miên thì con người không những đang tự kiểm soát những hành động của bản thân mà theo các nhà khoa học lúc đó ta còn đang rất tỉnh táo. Bởi lúc đó mỗi người hoàn toàn có thể nghe được toàn bộ những điều nhà thôi miên nói nếu ta thực sự muốn và cố gắng lắng nghe. Chính một nhà thôi miên đã tự thôi miên mình để có thể loại bỏ phản ứng đau của bản thân và ông đã thử thực hiện điều này trong quá trình phẫu thuật. Nó quả thực hoạt động rất tốt và bản thân ông ấy không hề cảm thấy đau đớn, nhưng để áp dụng rộng rãi chúng ta vẫn cần nhiều bằng chứng hơn nữa.
Trên thực tế, thôi miên là có thật và đã thực sự tồn tại ở một số nước trên thế giới. Nhiều tài liệu cũng đã chỉ chỉ ra bí ẩn của những vụ thôi miên để lừa đảo. Năm 2009, trên tờ Los Angeles Times, Alexei Skrypnikov, cựu chuyên gia tâm lý thuộc Viện Nghiên cứu khoa học của cảnh sát Liên bang Nga cho biết, giữa những năm 1990, những vụ cướp bằng thôi miên nở rộ nên Viện đã cùng cơ quan điều tra thực nghiệm và chỉ ra điểm cốt lõi của kỹ thuật mà giới tội phạm sử dụng là hình thức thay thế nội dung.
Về góc độ tâm lý con người, các đối tượng phạm tội có khả năng dùng ám thị (mỗi người có sức mạnh từ con mắt, từ tâm sinh lý của họ và họ có thể ám thị đối tượng bên cạnh, làm đối tượng bị lúng túng) sau đó có thể tấn công bằng ngôn ngữ, lời nói, ánh mắt, cử chỉ tình cảm, làm cho người đối diện bị mê muội, mất tỉnh táo dẫn đến mất cảnh giác. Ngoài ra có những đối tượng còn kết hợp dùng cả những loại chất hóa học nào đó để gây mê, làm cho người bị hại mê muội nhằm chiếm đoạt tài sản.
Dưới khía cạnh nghiên cứu về tội phạm, đây là hiện tượng dùng sức mạnh vật chất tấn công người quản lý tài sản hoặc dùng sức mạnh ngay tức khắc để làm người quản lý tài sản bị tê liệt ý chí, không thể quản lý được tài sản. Cơ quan công an đã làm rõ rất nhiều vụ việc liên quan đến hành vi này.
Bên cạnh đó các đối tượng này còn có thể dùng các thủ thuật đặc biệt đã được rèn luyện rất nhiều qua năm tháng giống như trò nhanh tay, nhanh mắt trong ảo thuật. Trò này đã từng được những “phù thủy” ngoại quốc thực hiện ở Việt Nam. Lợi dụng sự mất cảnh giác của những người bán hàng, những đối tượng này đã bày ra màn đổi tiền rồi tìm cách chiếm đoạt tiền của họ.
Thực chất, đây không phải là một thủ đoạn mới của tội phạm. Tuy nhiên trước khi ra tay các đối tượng này đã nghiên cứu rất kỹ và thường áp dụng với những người nào mất cảnh giác hoặc yếu về mặt tâm lý.
Một số chuyên gia về lừa đảo khác cũng cho rằng giới tội phạm đã áp dụng lý thuyết lập trình ngôn ngữ thần kinh khi thực hiện những phi vụ kiểu này. Chúng dùng những cách nói chuyện đặc biệt khiến người nghe rơi vào trạng thái bán thôi miên ngay trong các tình huống thường ngày. Theo đó người bị thôi miên sẽ rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, dễ bị lợi dụng.
Khi vô tình gặp người lạ, bạn hãy chú ý tới hành động của họ. Nếu như chỉ tình cờ gặp và khi họ nhờ bạn như tắt điện thoại hoặc đọc thư thì bạn tuyệt đối không làm hộ vì dễ dính phải thuật thôi miên của họ. Để không bị thôi miên trước tiên chúng ta không nên nhìn vào người đó quá lâu bởi vì khi đó như mời kẻ xấu thôi miên mình. Hãy biết thường xuyên cử động để những người lạ không thể nhìn lâu vào mắt và gáy của mình, hoặc bản thân biết chủ động làm việc khác để ngắt mạch dẫn dắt của họ. Đây là cách giúp phá tan thủ thuật thôi miên của họ.
Theo tìm hiểu, trên thế giới còn một dạng thôi miên nữa đó là khả năng điều khiển hành động của người khác bằng ý nghĩ của mình. Điều này mới thật sự đáng sợ!
Tại Việt Nam nếu ai đó có khả năng thôi miên thì tại sao họ không tìm đến Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người để tham gia nghiên cứu khoa học. Họ có thể kiếm được nhiều tiền từ tài năng của mình, chứ không cần đem đi làm những việc lừa đảo, phi đạo lý, vi phạm pháp luật.
Theo Đặng Thiêm/Báo Pháp Luật