Thông điệp của Tổng Bí thư ở Hội nghị TW 10

Google News

Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII diễn ra trong 3 ngày, bàn định nhiều nội dung quan trọng của Đảng và đất nước.

Trao đổi với Zing.vn, nhà báo Nhị Lê, Phó tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhìn nhận Hội nghị lần này góp phần quyết những vấn đề căn bản để xây dựng đề cương các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XIII trong bối cảnh thế giới biến đổi hết sức mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, và đặc biệt, cú hích có tính chất động lực của cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0.
Theo ông Nhị Lê, những quyết sách của Đại hội XIII nếu được bàn thảo một cách căn cơ, dân chủ với tư duy chiến lược, với tầm nhìn chiến lược, chuẩn bị những điều kiện căn bản cần và đủ một cách hệ thống, với phương lược phù hợp, có bước đi hiệu quả, một cách dân chủ, thì mức độ thành công của Đại hội XIII sẽ như kỳ vọng.
Đây là thời cơ để chúng ta định ra không chỉ tầm nhìn mà cả những quyết sách nhằm củng cố vị thế chiến lược đất nước, khẳng định và tỏa rộng uy tín của quốc gia trên trường quốc tế.
Và, đây cũng chính là lúc để Đảng ta tự nhìn lại mình qua 90 năm gánh vác trọng trách lịch sử do nhân dân giao phó, vững vàng tiếp tục cầm lái con thuyền dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội.
Xây nền móng cho Đại hội bản lề của nửa đầu thế kỷ
- Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập nhiều vấn đề mang tính chất vừa tổng kết vừa gợi mở ở tất cả lĩnh vực mang tính chất căn bản, lâu dài. Cảm nhận của ông sau khi nghe bài phát biểu đó là gì?
- Qua bài phát biểu khai mạc của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, có thể thấy lượng công việc rất đồ sộ, đòi hỏi rất mới, nhiều phương diện rất khó cả lý luận và thực tiễn, cả phương lược và quyết sách, cả tư duy và hành động mà chúng ta phải nỗ lực giải quyết, không thể lảng tránh, với quyết tâm chính trị không thể gì lay chuyển.
Thong diep cua Tong Bi thu o Hoi nghi TW 10
 
Một hệ thống các văn kiện trình Đại hội XIII sẽ được hội nghị lần này cho ý kiến về đề cương, về chủ đề, về nội dung, về quyết sách, về phương pháp, nhất là chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để thực thi, nhằm dẫn dắt hành động quốc gia một cách chiến lược, thành công. Trước mắt, đó là trong tầm nhìn 2021-2026 và tới 2030 - năm Đảng ta tròn 100 mùa Xuân và 2045 - năm nước ta tròn 100 năm độc lập. Công việc hệ trọng lắm, lớn lắm, bề bộn lắm.
Cá nhân tôi luôn kỳ vọng, nhiệm kỳ 5 năm tới đây sẽ là sự tiếp tục bước phát triển nhưng mang ý nghĩa đột phá sáng tạo trên tổng thể các phương diện. Đại hội lần thứ XIII của Đảng có thể coi là Đại hội bản lề mang tầm chiến lược của nửa đầu thế kỷ XXI, do đó, cần có một văn kiện chính trị thật sự tầm vóc, kết tinh trí tuệ toàn Dân, toàn Đảng và mang tinh thần thời đại, và là cương lĩnh hành động cách mạng xứng đáng với lịch sử, với kỳ vọng của dân tộc.
Tôi muốn nhấn mạnh tới nền tảng, linh hồn văn kiện, đó là trí tuệ nhân dân. Nhớ lại Đại hội lần thứ VI của Đảng, năm 1986, chúng ta đã nhận được hơn 1 triệu ý kiến đóng góp cho văn kiện dự thảo trình Đại hội. Và mới đây nhất, có tới 20 triệu lượt ý kiến của nhân dân đóng góp cho văn kiện dự thảo trình Đại hội XII.
Như vậy để thấy, vấn đề cốt tử, có tính chất nền tảng, quyết định sức sống, vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng đặt trên nền móng sức mạnh của nhân dân. Nói như Bác Hồ, “gốc có vững cây mới bền”. Đây là kinh nghiệm lớn, là “bài học lịch sử vô giá”.
Dù lần này, Trung ương bàn thảo và quyết định chỉ là đề cương các dự thảo văn kiện, nhưng ở đó kết tinh phải là tầm nhìn, là linh hồn, là phương pháp kiến tạo nội dung, chuẩn bị quyết sách căn bản để tất cả các bộ, ngành, địa phương trong cả nước soi vào.
Đặc biệt, đây cũng là thời cơ để chúng ta một mặt soát xét lại mình, mặt khác mở rộng tầm nhìn ra toàn thế giới để định vị chiến lược quốc gia, nhận diện nguy cơ, thách thức toàn cầu. Đồng thời, chuẩn bị thế lực trong nước để đón bắt lấy thời cơ, tự mình tạo ra và giành lấy thời cơ, với phương lược hành động phù hợp, với bước đi và lộ trình chính xác, với sự chuẩn bị các điều kiện cần và đủ một cách căn cơ.
Vì thế, sự thành công hay không của Đại hội lần thứ XIII của Đảng một phần rất quan trọng phụ thuộc vào sự chuẩn bị các công việc ngay từ bây giờ.
- Trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần này, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gần như không đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm hay xử lý cán bộ - vốn là những vấn đề “lần nào cũng được nhắc”. Phải chăng những việc ấy đã ổn định và đi vào quỹ đạo?
- Đây là Hội nghị cho ý kiến về đề cương văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XIII, còn những vấn đề như phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ là những công việc thường xuyên phải làm, và làm một cách kiên quyết, kiên trì rồi. Hơn nữa, nó chỉ là một bộ phận công việc trong tổng thể rất nhiều công việc của Đảng.
Có thể nói, chưa bao giờ như nhiệm kỳ XII khi mới nửa nhiệm kỳ đi qua, Đảng ta đã ban hành 4 nghị quyết và một quy định ở tầm vóc của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Đảng.
Chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, khắc chế những mặt trái của xã hội là công việc thường xuyên, không phải nổi lên nhất thời
Vấn đề lớn nhất trong xây dựng Đảng là kiến tạo chính trị, tức là xây dựng đường lối, là công tác tư tưởng, lý luận, là phương diện tổ chức và xây dựng Đảng về đạo đức, mang tầm vĩ mô, chứ không chỉ là phòng chống cụ thể mặt này hay kia, hoặc xử lý kỷ luật cán bộ tham nhũng.
Dù đây là vấn đề quan trọng, nóng bỏng, chúng ta đã, đang và quyết làm để trong sạch bộ máy, nhưng chỉ là một bộ phận rất quan trọng của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tôi thấy tư duy của Tổng bí thư, Chủ tịch nước là cùng với việc soát xét đại cục vẫn không quên những việc thường xuyên trước mắt. Chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, khắc chế những mặt trái của xã hội là công việc thường xuyên, không phải việc nổi lên nhất thời.
Nó cho thấy sự điềm tĩnh của người lãnh đạo khi nắm những khâu then chốt, quyết định nhưng không quên vấn đề nhỏ. Ví như một đường lối chính trị đúng nhưng chọn người sai thì không thể thành công.
Tầm tư duy chiến lược của Tổng bí thư, Chủ tịch nước là nhìn tận chân trời nhưng vẫn thấy được bước đi cụ thể dưới chân mình. Đó là tầm tư duy của người lãnh đạo, có thể tạo ra “thế nước, lòng dân, vận đảng”.
Đảm bảo đồng bộ đổi mới về kinh tế và chính trị
- Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng nêu vấn đề về đổi mới chính trị, đổi mới kinh tế và lưu ý chúng ta phải định nghĩa cho đúng. Ông có thể kiến giải thêm?
- Trước đây chúng ta đổi mới toàn diện, nhưng sau đó thêm phạm trù "đồng bộ" nên tính chất và quy mô của công cuộc đổi mới cũng toàn vẹn hơn, phức tạp hơn. Song nên nhớ, đó là nhu cầu phát triển tất yếu của đất nước, phù hợp với tinh thần thời đại.
Theo đó, việc đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị cũng phải bảo đảm sự đồng bộ.
Thong diep cua Tong Bi thu o Hoi nghi TW 10-Hinh-2
 
Sau 32 năm Đổi mới, giờ đã đủ thời gian để chúng ta nhìn lại những thành bại. Lần này, Hội nghị Trung ương bàn phương pháp tư duy về mối quan hệ giữa đổi mới chính trị và kinh tế, trong đó nhận thức rõ cái gì là bất biến và cái gì là khả biến.
Về kinh tế, vị thế, vai trò của từng thành phần kinh tế liên tục phát triển cả về tư duy lẫn hành động. Kinh tế tư nhân từ chỗ được xem từ một bộ phận cấu thành, rồi trở thành động lực rất quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Đó là một bước tiến dài.
Kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, nhưng 19 tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước tại sao cứ thua lỗ mãi? Đó là chuyện phải chỉnh đốn cả về tư duy và hành động.
Song nếu vì chuyện đó mà ai đó trong chúng ta hoang mang, phủ nhận vị thế, vai trò và đòi xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, thì lại là một sự thất bại được báo trước.
Thậm chí một số người cổ xúy kinh tế tư nhân là chủ đạo, đó lại là một sai lầm, không chấp nhận được về mặt nguyên tắc. Tôi chưa thấy có quốc gia nào trên toàn cầu, ở bất cứ thể chế nào, dám vứt bỏ kinh tế nhà nước với vai trò cầm trịch hay điều tiết chủ yếu nền kinh tế quốc gia cả.
Còn về đổi mới chính trị, nhiều người mơ hồ cho rằng đó là đổi mới thể chế chính trị, đó là một sự lệch lạc, hồ đồ, thậm chí là có ý đồ.
Đổi mới chính trị cần được hiểu là đổi mới về tầm nhìn, tư duy chính trị, kiến tạo những quyết sách chính trị trên mọi lĩnh vực dù là kinh tế, đối ngoại, hay an ninh quốc phòng…
Đổi mới chính trị là đổi mới cơ chế vận hành của hệ thống chính trị Việt Nam, đổi mới tổ chức - bộ máy chính trị ở các thành viên hệ thống chính trị, là đổi mới về lực lượng và điều kiện thực thi quyết sách chính trị.
Chúng ta không được phép mơ hồ về chuyện đó, mơ hồ là đánh rơi nguyên tắc, chệch hướng, là mất chế độ.
Ban chấp hành Trung ương nắm vận mệnh quyết sách chính trị, nắm căn bản vị thế, năng lực của Đảng nên tôi kỳ vọng lần này sẽ, với trí tuệ của toàn dân sẽ xây dựng các văn kiện thực sự tầm vóc.
- “Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng. Tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân” - dưới góc nhìn của một nhà quan sát, ông nghĩ gì về thông điệp rất rõ ràng này?
- Phải khẳng định kinh tế Nhà nước là chủ đạo, qua mấy kỳ Đại hội, chúng ta cổ vũ phát triển kinh tế tư nhân, từ khi là một bộ phận cấu thành nền kinh tế quốc dân, cho tới lúc giữ vai trò quan trọng và trở thành động lực của nền kinh tế đất nước.
Tức là vị thế và tầm vóc của kinh tế tư nhân từng bước được nhận thức và phát triển, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy chiến lược với những quyết sách chiến lược chính xác của Trung ương.
Thật sự gây ấn tượng là lần này Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không đọc bài diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương mà phát biểu như rút từ gan ruột, tâm huyết của mình về những vấn đề đại sự của Đảng, của quốc gia dân tộc.
Đây không phải lần đầu. Bài nói mà như bài viết, nghiêm trang mà thấm đẫm tự nhiên, gần gũi. Còn nhớ, bài diễn văn khai mạc tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI mà sau này tôi được nghe Tổng bí thư kể lại, rằng tự tay ông chuẩn bị văn kiện đó.
- Hội nghị Trung ương 10 cùng với sự xuất hiện trở lại của Tổng bí thư thu hút chú ý rất lớn của người dân cũng như báo chí trong và ngoài nước. Điều đó có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
- Như các bạn thấy, sự xuất hiện trở lại của Tổng bí thư đã nhận được sự quan tâm lớn thế nào của công chúng. Rất nhiều người bày tỏ cảm xúc vui mừng, dễ thấy nhất qua mạng xã hội.
Cổ nhân nói, sự chờ đợi, khát khao bao giờ cũng náo nức, đáng nâng niu và khi gặp nhau vỡ òa như sóng, như lửa cháy. Và, đó cũng là một thông điệp đầy triết lý trước vận mệnh nước nhà, nói như cổ nhân: “Hồ sâu thường lặng sóng, bông lúa trĩu hạt thường cúi đầu”.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Hưng - Hoài Thu/Zing.vn