"Nơi khác thì sao không biết chứ đối với ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn này thì 10 nhà, gần như cả 10 đều "chơi", sưu tập vỏ ốc biển. Chỉ khác nhau về số lượng mà thôi", ngư dân Nguyễn Bảy (40 tuổi, ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) khẳng định chắc nịch.
|
Vỏ ốc mà ngư dân mang về để sưu tập, trưng bày khá đa dạng và phong phú về chủng loại, kích cỡ. |
Các vỏ ốc mang về được ngư dân trưng bày ở những vị trí đẹp và dễ thấy nhất trong nhà, như: Tủ kính, trên khung gỗ... ở phòng khách. Có người còn sẵn sàng bỏ vài triệu đồng đóng riêng một tủ áp trên tường để trưng.
Nhiều ngư dân ở Lý Sơn cũng xác nhận: "Ở đất đảo này, ngư dân nào cũng có vài vỏ ốc trong nhà. Ít thì 5-10 vỏ, nhiều lên đến cả trăm".
|
Với vỏ ốc to, đẹp như thế này thường chỉ tìm thấy ở vùng biển xa như Trường Sa, Hoàng Sa. |
Chỉ vào tủ ốc đủ loại với hơn 40 vỏ được chùi, đánh bóng sạch sẽ trưng trên tủ kính đóng ốp vào bờ tường phòng khách của gia đình, ngư dân Bùi Vĩnh Long (41 tuổi), khoe: "Số ốc này tôi sưu tầm hơn 4 năm mới có được".
Cựu lão ngư Trần Văn Tình (62 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh, cùng huyện) cho biết: "Chuyện ngư dân mang vỏ ốc về trưng trong nhà có từ lâu rồi, với chủ yếu là ốc cừ, tai tượng... Thế nhưng không phổ biến đến mức gần như 100% nhà nào cũng có và đủ loại như bây giờ".
Trong số vài chục hoặc cả trăm vỏ ốc mà ngư dân mang về có đủ kích cỡ, nhiều chủng loại, từ vỏ ốc gai, ốc nón, ốc heo... đến các vỏ ốc quý, độc và to như xà cừ với giá mua trên thị trường lên tới cả ngàn "đô".
|
Nhiều ngư dân còn đóng hẳn tủ riêng trên vách tường để trưng bày vỏ ốc. |
Thợ lặn Nguyễn Nhân (45 tuổi, ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) không giấu giếm: "Chỉ riêng 15 vỏ ốc xà cừ, tai tượng có đường kính lên đến 20-40cm, nếu đem bán cũng phải trên 60 triệu đồng, chưa nói số vỏ các loại khác còn lại".
Tuy nhiên với không ít ngư dân, có những vỏ ốc còn gắn với kỷ niệm "để đời" của bản thân mình. "Vỏ ốc cừ này là tui mang về trong chuyến ra khơi đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa lần đầu tiên cách đây 4 năm. Còn vỏ ốc tượng này là của chuyến đi tại Trường Sa bị bão suýt mất mạng vì cơn bão cách đây 2 năm", anh Lê Trung (32 tuổi, ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn) kể.
Ốc thì vùng biển nào cũng có, thế nhưng để có được vỏ đẹp và quý thì chỉ ra Hoàng Sa và Trường Sa mới tìm được. Cho nên nhiều ngư dân thợ lặn ở Quảng Ngãi mới có câu "Không có ốc biển đẹp, quý "bất thành" ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa" là vậy.
Theo Dân Việt