Thủ đoạn “rửa tiền” hơn 445.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan

Google News

Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã “rửa tiền” hơn 445.700 tỷ đồng từ tham ô tài sản của SCB và hơn 30.000 tỷ từ lừa đảo, chiếm đoạt của nhà đầu tư.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). 34 bị can bị đề nghị truy tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển tiền trái phép qua biên giới. Trong đó, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ của hơn 35000 nhà đầu tư
Theo kết luận điều tra, năm 2018, Ngân hàng SCB trong tình trạng bị các Cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra, việc xin cấp tín dụng từ Ngân hàng SCB gặp nhiều khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài.
Thu doan “rua tien” hon 445.000 ty dong cua ba Truong My Lan
Bà Trương Mỹ Lan. 
Tháng 8/2018, Trương Mỹ Lan đã họp với một số lãnh đạo Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để ra chủ trương sử dụng Công ty An Đông và các Công ty khác phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động tiền từ người dân để xử lý khó khăn tài chính cho Ngân hàng SCB. Các nhân sự chủ chốt của các doanh nghiệp này đã họp, lên phương án tạo lập trái phiếu và thông qua Công ty Chứng khoán TVSI và Ngân hàng SCB phát hành và chào bán cho người dân với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB.
Theo đó, nhóm đối tượng trên đã thành lập các công ty “ma”, thuê người đứng tên thành lập Công ty, sở hữu cổ phần, tài sản, khoản vay, ký khống tài liệu …phục vụ cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn. Đến ngày 7/10/2022, thời điểm khởi tố vụ án, có 1.470 công ty và gần 1.800 cá nhân đứng tên thành lập doanh nghiệp, đứng tên khoản vay, cổ phần, tài sản, ký khống tài liệu chứng từ.
Sau khi được thành lập, các “công ty ma” sẽ được lựa chọn, đưa vào sử dụng cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong đó, có 656 công ty được sử dụng để vay tiền SCB, 85 công ty được thành lập để chuyển tiền từ Việt Nam đi nước ngoài và 63 công ty nhận tiền từ các công ty nước ngoài chuyển về Việt Nam thông qua Ngân hàng SCB, gần 50 công ty được sử dụng để tạo lập, phát hành trái phiếu và hàng trăm công ty khác được thành lập cho các mục đích khác như mua tài sản, đứng tên dự án, cơ cấu lại sở hữu cổ phần giữa các công ty, chuyển nhượng cổ phần, tài sản cho các cá nhân theo mục đích của Trương Mỹ Lan.
Từ năm 2018 đến năm 2020, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã phát hành 25 mã trái phiếu "khống", không có tài sản đảm bảo, gồm: Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Setra với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu, để lừa bán cho các nhà đầu tư, thu về 30.869 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư. Trong đó, Công ty An Đông phát hành 3 gói trái phiếu, chiếm đoạt 24.969 tỷ đồng; Công ty CP dịch vụ - thương mại TP.HCM phát hành 20 gói, chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư - phát triển Sunny World phát hành 1 gói, chiếm đoạt 1.612 tỷ đồng và Công ty CP đầu tư Quang Thuận phát hành 1 gói trái phiếu, chiếm đoạt 1.500 tỷ đồng.
Tiền thu được từ hoạt động bán trái phiếu không sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu là đầu tư vào các dự án kinh tế để sinh lời, đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho các trái chủ mà các đối tượng đã rút tiền, và sử dụng toàn bộ số tiền huy động được từ bán trái phiếu cho các mục đích khác, dẫn đến không có đủ nguồn tiền để đảm bảo chi trả gốc và lãi đến hạn cho các trái chủ. Đến thời điểm khởi tố, 4 công ty nêu trên còn dư nợ 30.081 tỷ đồng của 35.824 nhà đầu, không có khả năng thanh toán.
“Rửa tiền” hơn 445.000 tỷ đồng
Kết luận điều tra nêu rõ, từ tháng 1/2018 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền của Ngân hàng SCB và chiếm đoạt hơn 415.600 tỷ đồng của SCB để phục vụ mục đích cá nhân.
Để hợp thức, che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền trên, đồng thời tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo 5 bị can khác chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền.
Cụ thể, theo kết luận điều tra, khi cần tiền để sử dụng, bà Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, nguyên quyền Tổng Giám đốc SCB; Trần Thị Mỹ Dung, nguyên Phó Tổng giám đốc SCB chỉ đạo một số chi nhánh của SCB thực hiện rút tiền mặt trực tiếp tại ngân hàng hoặc chuyển khoản vào các tài khoản của các công ty "ma", cá nhân được chỉ định.
Khi cần rút tiền mặt để sử dụng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Bùi Văn Dũng, lái xe của bà Lan đến Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn để nhận tiền. Hồng, Hoàng và Dung sẽ liên hệ Nguyễn Phương Anh, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty SPG để yêu cầu lập danh sách pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền. Phương Anh chỉ đạo các nhân viên kế toán được giao quản lý các công ty ma trong nhóm lập các chứng từ, hẹn các cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp nhân đến ngân hàng để ký chứng từ rút tiền. Thái Thị Thanh Thảo, Giám đốc Trung tâm Whosale SCB chi nhánh Sài Gòn thông báo cho Trần Thị Thúy Ái, thủ quỹ SCB và kiểm soát viên ngân quỹ SCB chi nhánh Sài Gòn để xuất tiền mặt ra khỏi quỹ, giao cho Bùi Văn Dũng tại hầm B1 trụ sở SCB.
Sau đó Dũng vận chuyển tiền về tòa nhà Sherwood (số 127 Pasteur, quận 3, TP HCM) cho bà Lan và giao cho Trần Thị Hoàng Uyên, thư ký của bà Lan để giao tiền cho người nhận theo chỉ đạo của nữ chủ tịch. Ngoài ra, Dũng cũng thường được chỉ đạo mang tiền về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (tại số 193-203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM) hoặc chuyển tiền trực tiếp cho các cá nhân theo chỉ đạo của bà Lan.
Khi chưa cần sử dụng tiền mặt ngay, bà Lan chỉ đạo đồng phạm sử dụng pháp nhân/cá nhân mở tài khoản tại SCB để nhận tiền, chuyển tiền từ các công ty được giải ngân đến các tài khoản của các pháp nhân, cá nhân này. Khi cần sử dụng, các bị can sẽ lập các phương án chuyển tiền lòng vòng giữa các tài khoản, cuối cùng đến tài khoản chỉ định để bà Lan sử dụng.
Theo kết luận điều tra, trong hơn 420.000 tỷ đồng được SCB giải ngân cho nhóm Vạn Thịnh Phát đã được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân, sau đó tiếp tục chuyển khoản hoặc rút ra sử dụng. Cụ thể, hơn 344.660 tỷ đồng được tổ chức/cá nhân chuyển ra ngoài hệ thống SCB; hơn 2,65 triệu tỷ đồng được chuyển trong hệ thống SCB; hơn 73.500 tỷ đồng được rút tiền mặt.
Sau khi chiếm đoạt được tiền từ SCB, tùy theo mục đích sử dụng mà bà Lan chỉ đạo các bị can khác sử dụng các pháp nhân được thuê và các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đến ngân hàng ký khống giấy nộp/rút tiền, thực hiện ủy nhiệm chi để chạy dòng tiền theo phương án đề ra. Đích đến cuối cùng của việc chạy dòng tiền là để bà Lan chi trả các khoản vay khác tại SCB; chi thực hiện các dự án; chi cho các cá nhân; thanh toán các khoản nợ; trả gốc và lãi trái phiếu; chuyển tiền cho SCB chi nhánh Cầu Giấy, các chi nhánh khác của SCB; chuyển tiền ra nước ngoài...
Với hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, cơ quan điều tra xác định bà Lan cùng đồng phạm sử dụng nhiều hợp đồng khống, chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD. Cùng với đó, số tiền hơn 3 tỷ USD được chuyển ngược về Việt Nam một cách trái pháp luật. Như vậy, tổng số bị các bị can vận chuyển trái phép tương đương hơn 106.730 tỷ, tức 4,53 tỷ USD.
Bà Lan khai tiền nhận từ nước ngoài chuyển về Việt Nam là tiền vay, còn tiền chuyển ra nước ngoài là tiền trả nợ. Để chuyển được tiền ra nước ngoài và ngược lại, Trương Mỹ Lan giao cho các thân tín phối hợp với Chiu Bing Keung Kenneth, luật sư được giao quản lý các công ty ở nước ngoài cùng nhóm lãnh đạo SCB lập các hợp đồng "khống" mua bán cổ phần, vốn góp, vay nợ giữa công ty ở Việt Nam với tổ chức, công ty nước ngoài. Thông qua các hợp đồng "khống" này, "tiền vay" được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại "tiền trả nợ" được chuyển ra nước ngoài.
Trương Mỹ Lan bị xác định là chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo nhóm liên quan tại Vạn Thịnh Phát và SCB vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD (tương đương hơn 106.000 tỷ đồng).
Hơn 25.000 bị hại đã đến trình báo
Theo cơ quan điều tra, số bị hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 là 35.824 trái chủ sở hữu 25 mã trái phiếu của 4 Công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra. Cơ quan điều tra đã nhiều lần ra thông báo tìm bị hại và các Quyết định Ủy thác điều tra gửi đến Cơ quan CSĐT Công an tại 58 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhằm lấy lời khai của 35.824 người bị hại. Số lượng hồ sơ ủy thác chuyển về là 25.140 hồ sơ trái chủ (tỉ lệ 70,17%), hiện còn nhiều bị hại đã chuyển nơi cư trú, chưa hợp tác đến trình báo.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt giam 2 cha con đại gia Thiện Soi ở TX.Phú Mỹ về tội rửa tiền
  
Tâm Đức