Thu nhận 54 triệu hồ sơ cấp CCCD, mới cấp được 19 triệu người, vì sao?

Google News

Đến nay, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã thu nhận gần 54 triệu hồ sơ cấp CCCD. Đến nay, Bộ Công an đã in, trả trên 19 triệu thẻ. Nguyên nhân do khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu trên thể giới, nhất là chip điện tử.

Sáng 22/6, Bộ Công an tổng kết 2 dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; công bố việc vận hành 2 hệ thống từ ngày 1/7. Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự, thực hiện nghi thức xác thực điện tử để chính thức vận hành 2 hệ thống.
Minh chứng cụ thể cho chính sách đầu tư công có hiệu quả
Nhấn mạnh đây là sự kiện quan trọng góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu, quyết liệt nhằm hạn chế những bất cập trong đầu tư công, việc Bộ Công an sớm hoàn thành xây dựng 2 dự án trọng điểm về cơ sở dữ liệu, là một minh chứng rất cụ thể cho chính sách đầu tư công có hiệu quả.
Thủ tướng cũng nhắc tới sự vào cuộc, hưởng ứng của người dân cho thấy hai dự án hợp lòng dân. “Nhiều người dân xếp hàng, thức đêm để làm căn cước công dân”- ông nói.
Thu nhan 54 trieu ho so cap CCCD, moi cap duoc 19 trieu nguoi, vi sao?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự hội nghị. 
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành bước đầu theo tiến độ xây dựng, triển khai hai Dự án. Đã xây dựng được Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đại, kết nối đường truyền đến tận cấp xã, bảo đảm an ninh, an toàn, theo đúng nguyên tắc đã đề ra là "hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí"; vừa làm vừa hoàn thiện, điều chỉnh, vừa làm vừa giám sát, kiểm tra, thanh quyết toán, tránh lãng phí, tiêu cực.
Thủ tướng cho rằng, đây là những kinh nghiệm rất hay, cần tổng kết để thúc đẩy đầu tư công trong thời gian tới. Đã cập nhật vào hệ thống hơn 100 triệu thông tin dân cư và làm sạch đạt 96,6%, đồng thời đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc. Đã thu nhận hồ sơ để cấp hơn 52 triệu thẻ căn cước. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương để góp phần phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử.
Thủ tướng đánh giá, những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại; quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân. Khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, các cấp.
Đồng thời, góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo hướng hiện đại, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vì sự bình yên, an toàn, an dân.
“Những kết quả của hai Dự án càng có ý nghĩa hơn, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của lực lượng Công an nhân dân trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Chúng ta càng thấy rõ, thấm thía bài học kinh nghiệm là phải biến khó khăn, phức tạp, thách thức thành động lực để phấn đấu, khẳng định, hoàn thành và trưởng thành”, Thủ tướng nhấn mạnh. 
Tiết kiệm được hơn 1.000 tỷ đồng
Báo cáo tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, thực hiện Luật CCCD năm 2014 và Đề án 896 của Chính phủ, Bộ Công an được giao chủ trì thực hiện 2 dự án này. Do có những khó khăn, vướng mắc khách quan về bố trí vốn, nên trong nhiều năm dự án chưa triển khai được. Sau khi được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 3/2020 và tháng 9/2020, chỉ trong thời gian hơn 1 năm với tinh thần khẩn trương, cấp bách, trải qua 3 giai đoạn với từng bước đi cụ thể, Bộ Công an đã xây dựng thành công 2 dự án.
Bộ Công an đã thành lập Ban chỉ đạo do Bộ trưởng trực tiếp là Trưởng Ban, 3 Thứ trưởng là Phó Trưởng ban và các Cục nghiệp vụ liên quan tham gia để chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đồng thời đã điều động, tăng cường gần 200.000 cảnh sát để thu thập, cập nhật thông tin dân cư trên toàn quốc.
Thu nhan 54 trieu ho so cap CCCD, moi cap duoc 19 trieu nguoi, vi sao?-Hinh-2
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an. 
Để bảo đảm hành lang pháp lý, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến triển khai 2 dự án. Trong đó, đã xây dựng, đề xuất Quốc hội thông qua Luật Cư trú sửa đổi với nhiều nội dung đổi mới quan trọng; đề xuất Chính phủ ban hành 1 Nghị định, Bộ Công an ban hành nhiều Thông tư để quy định những vấn đề liên quan.
Chỉ trong thời gian hơn 1 năm với tinh thần khẩn trương, cấp bách, trải qua 3 giai đoạn với từng bước đi cụ thể, Bộ Công an đã xây dựng thành công 2 dự án. Đây là 2 dự án độc lập, nhưng bộ đã chỉ đạo lồng ghép tối đa 2 dự án để đồng bộ tránh lãng phí. Qua đó giảm được mức dự toán so với ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng.
Bộ Công an đã chỉ đạo các nhà thầu chính của dự án triển khai thiết kế kỹ thuật hệ thống CSDLQG và sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Các hệ thống sẵn sàng tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia; các bộ, ngành, địa phương và sẵn sàng liên thông quốc tế, đồng thời có tính bảo mật cao.
Về thu thập cơ sở dữ liệu dân cư đến nay, đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống hơn 98 triệu nhân khẩu, qua đó đã đồng loạt tiến hành cấp mã số định danh cho công dân trên toàn quốc vào ngày 18/6/2021, đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Đến nay, Bộ Công an đã thử nghiệm kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và kết nối dữ liệu với 33/63 UBND tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó giúp xác thực thông tin công dân, giải quyết 236 thủ tục hành chính, đáp ứng các yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử.
Đối với dự án sản xuất và cấp CCCD gắn chip, Bộ Công an cho biết tính đến ngày 15/6, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã thu nhận gần 54 triệu hồ sơ cấp CCCD. Dự kiến việc in và trả toàn bộ thẻ căn cước sẽ hoàn thành từ nay đến hết tháng 9.
“Có thể nói kết quả của 2 dự án là rất quan trọng, nhất là trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức khách quan do đại dịch COVID-19 tác động và lực lượng Công an đồng thời cùng lúc phải triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác. Qua việc thực hiện 2 dự án đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu trên các lĩnh vực công tác”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Ông cho biết, việc hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD đã, đang và sẽ mang lại nhiều hiệu quả to lớn đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân, nhất là sẽ tạo sự đổi mới căn bản công tác quản lý Nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, góp phần cải cách triệt để các thủ tục hành. Việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử sẽ mở ra nhiều cơ hội trong triển khai các dịch vụ liên quan đến xác thực điện tử, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ANTT trong tình hình mới.
Vì sao chậm trả CCCD gắn chip?
Bộ Công an cũng chỉ đạo các nhà thầu chuẩn bị nhân lực, phương tiện bảo đảm công suất in và trả 500.000 thẻ/ngày. Tuy nhiên, do khó khăn khách quan từ việc khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu trên thể giới, nhất là chip điện tử (do tác động của đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn), nên tiến độ in và trả thẻ chưa đạt mục tiêu theo kế hoạch.
Tính đến nay Bộ Công an đã in và trả trên 19 triệu thẻ CCCD gắn chip cho công dân. Bộ Công an đang tích cực chỉ đạo các nhà thầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ in và trả Thẻ Căn cước cho công dân trong thời gian sớm nhất. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Căn cước công dân gắn chíp:

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh