|
Thuế, phí đường bộ luôn là một gánh nặng trong giao thông vận tải, nó được tính vào giá thành sản phẩm và cuối cùng là đổ gánh nặng lên vai người dân. Đặc biệt là sự mập mờ BOT các tuyến đường như hiện nay. |
Cách đây 5 năm, Quỹ bảo trì đường bộ ra đời và ô tô hàng năm phải đóng phí này nhằm có thêm tiền để duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông. Thế nhưng, cũng trong 5 năm trở lại đây, khi hàng loạt tuyến đường được đầu tư theo hình thức BOT để rồi tiếp tục thu phí BOT lại thêm một gánh nặng cho người dân. Liệu có tình trạng phí chồng phí trong lưu thông đường bộ? Câu hỏi mà đến nay phía Bộ GTVT vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Quỹ sử dụng hiệu quả?
Báo cáo kết quả sau 5 năm hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB), Chánh Văn phòng Quỹ Lê Hoàng Minh cho biết, trước khi thành lập Quỹ, năm 2012, hệ thống đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài gần 280.000 km, trong đó quốc lộ gần 16.800 km. Nhiều tuyến đường đường hẹp, bán kính đường cong nhỏ, mặt đường không êm thuận, số lượng cầu yếu, tải trọng thấp, chưa đồng bộ với cấp đường còn nhiều.
Trong gần 16.800 km được bảo trì năm 2012 có gần 10.000 km quá thời hạn sửa chữa lớn 8 năm và trên 2.500 km quá thời hạn sửa chữa vừa 4 năm nhưng chưa được đầu tư do thiếu vốn. Còn hàng nghìn cầu yếu và gần 3000 km quốc lộ có chất lượng xấu và rất xấu cần được sửa chữa.
|
Báo cáo kết quả sau 5 năm hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ đã phát huy được hiệu quả? |
Trước khi thành lập Quỹ BTĐB, trong giai đoạn 2010-2012, hàng năm Tổng cục đường bộ VN được phân bổ trung bình khoảng 2.000 tỷ/năm cho toàn bộ công tác bảo trì đường quốc lộ. So với định mức và quy trình bảo trì đường bộ do Bộ GTVT ban hành chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu bảo trì tối thiểu. Tổng nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ của các địa phương cũng chỉ tương đương con số này.
Năm 2013, Quỹ BTĐB được thành lập theo Luật GTĐB năm 2008 và Nghị định số 18/2012. Việc tổ chức thu, nộp và quản lý sử dụng Qũy BTĐB đến nay đã đi vào ổn định, hầu hết được các đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo người dân đồng thuận. Khi Quỹ BTĐB đi vào hoạt động, ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương được chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng cho ngân sách trong việc cân đối bảo trì đường bộ.
Nguồn thu của Quỹ tăng qua các năm, cụ thể năm 2013 thu được trên 5.400 tỷ đồng. Đến năm 2017, dự kiến sẽ thu được trên 7.000 tỷ đồng. Nguồn thu tăng nên chi cho công tác bảo trì quốc lộ tăng đáng kể, nếu như năm 2013 chi trên 5.000 tỷ đồng thì đến năm 2017, con số tăng lên trên 8.000 tỷ đồng. Quỹ BTĐB Trung ương đã giao kế hoạch chi các năm và chuyển vốn cho Tổng cục Đường bộ VN thực hiện trên 30.000 tỷ đồng. Trong 5 năm hoạt động, Quỹ BTĐB Trung ương đã phân chia về các Quỹ địa phương trên 10.000 tỷ đồng để hòa chung với nguồn ngân sách của địa phương thực hiện công tác bảo trì đường bộ.
|
Nhiều tuyến QL đang bị bỏ bê, xuống cấp nghiêm trọng. Trong ảnh là tuyến QL8A qua Hà Tĩnh đi cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. |
Từ nguồn vốn này, trong 5 năm, Tổng cục Đường bộ VN đã sửa chữa trên gần 77.000 m2 mặt đường; khắc phục trên 1.000 cây cầu yếu, xử lý trên 600 điểm đen, điểm mất ATGT; bổ sung, thay thế trên 13.000 biển báo hiệu đường bộ; sửa chữa cải tạo 137.000m cống và 1.372.410m rãnh thoát nước. Đặc biệt, đã gia cố lề, mở rộng trên 1.000 km mặt đường 3,5m-5 m thành mặt đường đường lớn hơn 5,5 m.
Quỹ Trung ương đã phối hợp các cơ quan báo chí tạo ra các kênh thông tin để các cơ quan Nhà nước và nhân dân giám sát các hoạt động, bảo đảm hoạt động của Quỹ được công khai, minh bạch, không bị thất thoát, sử dụng sai mục đích. Thanh tra của Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước đã giám sát chặt chẽ và kết luận thời gian qua Quỹ được quản lý và sử dụng đúng quy định.
Những kết quả trên đã giúp kéo dài thời gian khai thác công trình đường bộ, sửa chữa kịp thời các hư hỏng, bảo đảm hệ thống đường bộ thông suốt, an toàn và phát huy hiệu quả. Về cơ bản đến nay, công tác bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch được ưu tiên tập trung giải quyết hàng năm đảm bảo kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông của đất nước.
Dân cho rằng bị “phí chồng phí”
Theo báo cáo của Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương là sử dụng nguồn thu hiệu quả, minh bạch. Tuy nhiên, nhiều người dân, nhất là doanh nghiệp vận tải trên cả nước cho rằng, đang có hiện tượng phí chồng phí khi vừa thu phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện, vừa phải đóng phí BOT, chưa kể các phí khác.
|
Mập mờ BOT làm mới và BOT "tráng men" mặt đường. |
Công ty TNHH Thương mại Đức Chính, TP. Hải Dương là đơn vị vận tải với 60 xe tải chuyên chở hàng hóa Bắc – Nam… Mỗi năm, riêng phí bảo trì đường bộ mà công ty này phải đóng đã lên đến gần 750 triệu đồng. Do trụ sở nằm ở tỉnh Hải Dương nên hàng ngày 60 xe tải hoạt động thường xuyên trên tuyến QL5 và công ty lại phải “cõng” thêm phí BOT của tuyến đường này. Theo tính toán, mỗi xe tải đi qua, đi lại ở trạm thu phí BOT như thế này đã mất 360.000 đồng. Cộng cả phí bảo trì đường bộ lẫn phí BOT thì mỗi chiếc xe tải muốn hoạt động sản xuất, kinh doanh mỗi năm phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ. Đây là những chi phí mà doanh nghiệp cho rằng có tình trạng phí chồng phí đang đổ lên đầu họ.
“Đã thu phí đường bộ rồi mà không những không dỡ bỏ trạm thu phí QL5, theo quy định thì trạm này khi có quỹ bảo trì đường bộ là sẽ dỡ bỏ. Nhưng mà ở đây còn tăng phí gấp mấy lần, như vậy dân làm sao mà chịu được. Chuyện phí chồng phí rõ nhất ở đây, ai cũng nhìn thấy mà không ai xử lý. Là một đơn vị vận tải mà có đến 60 xe, đơn vị vận tải lớn ở Hải Dương này mà phải đi qua trạm thu phí đó rất nhiều lần trong 1 ngày thì tôi thấy phí phải trả rất lớn, tôi thấy bất cập”, ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đức Chính Hải Dương cho hay.
Bức xúc nhất về chuyện đã thu phí bảo trì đường bộ mà vẫn thu phí BOT chính là giới lái xe tải Bắc – Nam. Theo họ, tiền thuế, phí cứ chồng lấn lên nhau trong khi giá cước vận tải vẫn giẫm chân tại chỗ, biết là nghịch lý vậy nhưng vẫn phải cắn răng mà chạy.
“Nếu giao cho BOT hết thì cũng nên bỏ phí bảo trì đường bộ đi chứ thu gì 2,3 khoản chồng chất lên nhau vì doanh nghiệp bây giờ rất khó khăn. Như chúng tôi đi từ miền Nam ra miền Bắc tiền phí cầu đường đã 6 triệu mấy rồi mà cước vận chuyển không thể lên được. Thu như vậy tôi thấy không công bằng”, ông Võ Duy Phong – Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Quang Thư – tỉnh Quảng Nam nói.
Trả lời không thỏa đáng
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ diễn ra vào sáng nay (26/9), trước câu chuyện liệu có tình trạng phí chồng phí giữa phí BOT và phí Bảo trì đường bộ hay không? lãnh đạo Tổng Cục đường bộ Việt Nam lý giải, hệ thống đường bộ toàn quốc hiện có 583.000km các loại, trong đó có 23.000 km đường quốc lộ. Trong khi đường BOT chỉ mới có 2.000 km, chiếm chưa tới 10% đường quốc lộ thì không thể nói phí chồng phí được.
“Không thể nói là phí chồng phí được, BOT chỉ lo được 10% quốc lộ, chỉ được 2.000km, điều đó chứng tỏ phí bảo trì còn là gánh nặng rất lớn đối với hệ thống đường bộ của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam nói.
Điều chưa thỏa đáng ở đây mà ai cũng nhìn thấy chính là 2.000 km đường BOT hiện nay đều là những tuyến đường huyết mạch với lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn. Nếu vẫn nhìn nhận theo kiểu không thể phí chồng phí như Bộ GTVT thì chắc chắn sẽ không có chuyện công bằng ở đây. Hàng ngày, giới vận tải cũng như người dân dù muốn hay không cũng phải đóng phí bảo trì đường bộ, dùng muốn hay không cũng phải đi qua những tuyến BOT độc đạo như thế này./.
Theo Phi Long/VOV