Đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè ở TP HCM đang được Sở Giao thông vận tải thành phố gửi các quận huyện rà soát và đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh. Theo đó, TP HCM dự kiến cho sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo... có thu phí, sau khi đã chừa đủ tối thiểu 1,5m cho người đi bộ.
Trong bối cảnh việc quản lý vỉa hè, lòng đường là vấn đề nóng, đề án này được kỳ vọng có thể giúp thành phố phát triển được kinh tế đường phố, đồng thời chỉnh trang, sắp xếp đô thị hiệu quả.
|
TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam. |
TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ không thể không tính đến việc giải quyết đời sống dân sinh cho một bộ phận người dân là đối tượng đã được luật pháp điều chỉnh, bao gồm người dân TP HCM và cả người ngoại thành đến. Đó là mục tiêu, chủ trương của TP HCM từ nhiều năm nay.
Theo TS Đặng Việt Dũng, thực hiện xã hội hóa vỉa hè ở TP HCM chắc chắn sẽ được nhiều người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, chính quyền cũng cần phải làm rõ về lộ trình, quy hoạch để bảo đảm được tính đồng bộ.
“Trước hết, vỉa hè là phục vụ giao thông, phục vụ người đi bộ cho nên phải đảm bảo được mục đích chính này của vỉa hè. Hiện nay, có kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè nên việc TP HCM lập đề án thu phí lòng đường, vỉa hè là phù hợp với giai đoạn đất nước đang phát triển kinh tế, tạo điều kiện công ăn việc làm cho những người thu nhập thấp. Dù vậy, chính quyền TP HCM vẫn phải làm sao cho hài hòa giữa 2 mục đích giao thông đô thị và kinh tế thu phí, đảm bảo lợi ích chung cho cộng đồng”, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam bày tỏ quan điểm và cho biết, không phải tuyến đường nào cũng có thể thu phí mà nên triển khai trước ở các tuyến đường có nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ. Ngoài ra, khi tổ chức thu phí thì phải giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ô tô lao lên vỉa hè, tông cô gái đi bộ tử vong:
Thiên Tuấn