Thu phí vỉa hè, lòng đường: Đúng, nhưng nên thí điểm trước

Google News

Theo ông Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM việc thu phí vỉa hè, lòng đường cần điều tra xã hội học quy mô lớn và làm thí điểm trước để rút kinh nghiệm.

Quyết định quản lý một phần vỉa hè, lòng, lề đường do UBND TP.HCM ban hành mới đây được sự đồng tình, ủng hộ của các quận, huyện, người dân. Dưới góc độ chuyên gia, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM, cũng cho rằng thu phí là rất cần thiết. Tuy nhiên, TP cần làm thí điểm trước và chưa nên thu tại thời điểm này vì hiện nay tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Để chính sách thu phí không bị “chết yểu”, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa đã trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh vấn đề này.
Thu phí là công cụ quản lý vỉa hè, lòng đường
Phóng viên: Việc TP.HCM đặt ra vấn đề thu phí vỉa hè, lòng đường là vấn đề rất mới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
+ PGS-TS Nguyễn Minh Hòa: Thu phí sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường là rất đúng, tôi ủng hộ. TP.HCM hiện nay mới bắt đầu tính đến việc này trong khi nhiều nước trên thế giới đã làm điều này từ hàng chục năm trước. Cụ thể như Singapore, Philippines, Malaysia, Thái Lan đã thu 15-20 năm trước. Đến thời điểm này, việc thu phí ở các nước này đã đi vào quỹ đạo và là công cụ quản lý vỉa hè, lòng đường rất tốt.
Thu phi via he, long duong: Dung, nhung nen thi diem truoc
PGS-TS Nguyễn Minh Hoà, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM 
Thực ra, tại TP.HCM, mặc dù TP chưa từng thu phí nhưng người sử dụng vỉa hè, lòng đường hiện vẫn phải đóng phí theo “luật ngầm”. Và số tiền thu được không về ngân sách TP mà đã chảy vào túi của một người hoặc nhóm người nào đó. Đây là điều rất phi lý. Nhà nước không được gì mà lại còn mang tiếng. Thực tế tại TP trong thời gian qua đã có những cá nhân hoặc nhóm người đứng ra tự khoanh vùng thu phí trên lòng đường để giữ xe và vô tư “ăn chặn” của người dân từng bị báo chí phanh phui.
Vỉa hè, lòng đường là tài sản công. Bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng để kinh doanh đều phải trả phí. Phí đó sẽ được sử dụng để tái đầu tư trả lại cho vỉa hè chứ không có chuyện anh thích sử dụng thế nào thì sử dụng.
Như vậy, mục đích chính của việc thu phí nên là để có nguồn thu cho thu ngân sách hay để quản lý vỉa hè, lòng đường, thưa ông?
+ Việc thu phí có hai mục đích lớn: Thứ nhất là bổ sung nguồn ngân sách cho TP. Đừng nghĩ đây là số tiền không đáng kể, nếu thu đúng, thu đủ thì đây là số tiền rất lớn.
Thứ hai, việc thu phí chính là công cụ để kiểm soát vỉa hè. Khi người sử dụng vỉa hè, lòng đường có trả phí thì việc buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè chính thức được thừa nhận. Vì vậy, người dân sẽ không phải vừa buôn bán vừa dè chừng lực lượng chức năng đến dẹp đuổi như trước đây. Việc thu phí sau đó cũng để đầu tư, nâng cấp lại đường sá, vỉa hè.
Thu phi via he, long duong: Dung, nhung nen thi diem truoc-Hinh-2
Vỉa hè bị chiếm dụng để kinh doanh quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: VIỆT HOA 
Nên làm thí điểm trước
Hiện Sở GTVT đã có dự thảo đề án về mức thu phí vỉa hè, lòng đường, nếu được HĐND TP thông qua thì một tháng nữa sẽ chính thức thu phí. Ngoài việc đưa ra mức thu, nhiều ý kiến cho rằng cách thu làm sao để tạo sự công bằng, minh bạch là không dễ. Theo ông, TP cần phải cân nhắc thêm những vấn đề gì?
+ Một lần nữa tôi vẫn khẳng định TP thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường là đúng. Mức thu này cần dựa vào bốn yếu tố: Thứ nhất là địa điểm. Không thể nói thu phí vỉa hè trên những tuyến đường đắt đỏ như Bùi Viện, Lê Lợi hay Đồng Khởi lại giống như vỉa hè trên đường Hai Bà Trưng.
Thứ hai là thời gian sử dụng. Theo đó, người sử dụng vỉa hè, lòng đường mỗi ngày một vài tiếng sẽ khác với người sử dụng quanh năm suốt tháng. Người bán cháo lòng 2 tiếng đồng hồ buổi sáng từ 6 giờ đến 8 giờ thì phải khác với người sử dụng suốt cả ngày đêm.
Thứ ba, dựa trên doanh số tổ chức, cá nhân thuê. Doanh số kinh doanh lớn ở đường lớn và việc buôn bán ở những con đường nhỏ, đường một chiều, doanh thu thấp thì không thể đổ đồng như nhau. Thứ tư là cần phân biệt giữa bán hàng rong và bán hàng sử dụng mặt bằng tại chỗ. Ví dụ, một người bán phở, quần áo có nhà ở phía sau, sử dụng mặt tiền trước nhà sẽ khác với một người bán trên vỉa hè không cố định.
Ở Thái Lan, họ phân biệt rất rõ ràng giữa người bán hàng tại chỗ và người bán hàng rong (di động) với hai giá thuê khác nhau. Người ta kẻ những ô hình vuông, rộng 1,6 m x 2,4 m đủ để một xe trái cây hoặc một xe bán quán ăn. Ai muốn bán và bán bao nhiêu tiếng trong ngày hay bán cả ngày đều phải đăng ký và trả tiền với số tiền tương ứng.
Thu phi via he, long duong: Dung, nhung nen thi diem truoc-Hinh-3
 Vỉa hè đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp bị chiếm dụng để giữ xe. Ảnh VIỆT HOA
Như vậy, để thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường còn rất nhiều việc phải làm...
+ Để thu phí vỉa hè, lòng đường, Sở GTVT cần phải có điều tra xã hội học rất quy mô để đưa ra được danh mục các đoạn, tuyến đường có thể cho kinh doanh và thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường. Sau khi điều tra kỹ lưỡng, TP nên làm thí điểm trước để rút kinh nghiệm. Ở Thái Lan, trước đây họ đã mất sáu tháng để điều tra xã hội học và sau đó đã làm rất tốt.
Còn tại TP.HCM, việc thu phí là rất tốt. Tuy nhiên, theo tôi, trong giai đoạn này chưa nên thu vì sau dịch COVID-19, nhiều cửa hàng bán lẻ hiện nay hầu như chưa khôi phục. Nếu đi dọc theo các tuyến đường tại khu vực trung tâm TP như Lê Lợi, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn… sẽ thấy rất rõ điều đó.
Trong giai đoạn khó khăn này, TP nên giãn, giảm tất cả thuế, phí để cho các thành phần kinh tế sống lại đã. Hiện nay TP mới tính chuyện thu phí vỉa hè, lòng đường là muộn nhưng dù sao cũng đã muộn rồi, nên chọn thời điểm phù hợp để làm cho chắc, tránh để chính sách này bị “chết yểu”.

Công khai, minh bạch việc thu chi

Trong hợp đồng cho thuê vỉa hè, lòng đường phải đảm bảo sự công bằng và minh bạch. Giá sau khi đã chốt thì công bố công khai trên mạng, người dân ai cũng biết. Tiền sau khi thu xong được bao nhiêu cũng phải công khai, bao nhiêu giữ lại cho địa phương, bao nhiêu chuyển về ngân sách TP, bao nhiêu sẽ đầu tư lại cho vỉa hè…

Đặc biệt, trong hợp đồng cho thuê cũng phải ràng buộc trách nhiệm của người thuê trong việc bảo vệ vỉa hè, môi trường xung quanh. Ngoài ra cũng cần cân nhắc thêm một số tình huống như khi có đám tang, đám cưới có sử dụng vỉa hè, lòng đường thì mức thu sẽ như thế nào; người sử dụng vỉa hè chỉ được sử dụng khoảng không dưới mặt đất hay sẽ bị khống chế chiều cao không che hết công trình đằng sau…

PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM

Theo Việt Hoa/Pháp luật TPHCM