Thực tế này đặt ra vấn đề phải sửa quy định áp dụng hóa đơn điện tử với giao dịch thương mại điện tử, livestream.
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa Nghị định 123/2020 quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với giao dịch thương mại điện tử, livestream bán hàng. Đây là giải pháp nhằm quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, thương mại điện tử còn thất thoát.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống về nội dung trên, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, nhận định về mục đích của việc thu thuế đối với giao dịch thương mại điện tử, livestream bán hàng.
Chuyên gia này cho rằng, để áp dụng hóa đơn điện tử với cá nhân kinh doanh bán hàng online, livestream, cần phải sửa luật, trong đó làm rõ địa vị pháp lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, làm căn cứ để xây dựng quy định khác liên quan, trong đó có thuế.
Cần thiết áp dụng hóa đơn điện tử, tránh thất thu thuế
Quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream bán hàng, thương mại điện tử hiện nay còn thất thoát. Việc sửa quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với giao dịch này được cho là cần thiết. Quan điểm của ông như thế nào?
Về tổng thể, việc áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch thương mại điện tử, livestream bán hàng là cần thiết, phù hợp thông lệ quốc tế và yêu cầu của nền kinh tế. Bởi livestream bán hàng trên mạng là hoạt động kinh doanh phát sinh doanh thu, thu nhập ở mức độ nào đó sẽ phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế như với thương mại điện tử nói chung.
Thực tế bán hàng qua livestream, đặc biệt trên sàn giao dịch thương mại điện tử, đã trở nên phổ biến, mang lại doanh thu cho người bán. Thậm chí, thời gian qua, dư luận xôn xao trước những phiên livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ mỗi ngày.
Bên cạnh một số cá nhân có thu nhập hàng chục tỷ đồng từ hoạt động livestream bán hàng tự giác đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế, có cá nhân nộp thuế vào ngân sách hàng tỷ đồng, vẫn có một số trường hợp chưa đăng ký thuế. Việc thu thuế với dịch vụ livestream bán hàng, thương mại điện tử hiện nay vẫn còn thất thoát.
|
TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam |
Doanh thu quản lý thuế qua thương mại điện tử năm 2023
Năm 2023, doanh thu quản lý thuế qua kênh thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 146 tỷ USD), với số thuế đã nộp 97.000 tỷ, tăng 14% so với một năm trước đó.
Ngành thuế cũng rà soát hơn 31.000 đối tượng, xử lý vi phạm hơn 22.000 trường hợp, số thuế tăng thêm trong lĩnh vực này gần 3.000 tỷ đồng.
Cần sửa luật
Áp dụng hóa đơn điện tử với các thương mại điện tử, livestream bán hàng là giải pháp cần thiết để quản lý thuế, tránh thất thu. Theo chuyên gia, muốn triển khai một cách khả thi khi áp dụng đồng loạt, cần có giải pháp gì?
Như tôi trao đổi ở trên, áp dụng hóa đơn điện tử là giải pháp cần thiết để quản lý thuế, tránh thất thu. Tuy nhiên, tổ chức thực hiện đòi hỏi một số cơ sở để triển khai có tính khả thi, phù hợp đối tượng khác nhau.
Bởi lẽ, bán hàng online qua các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok hoặc sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… có nhiều đối tượng khác nhau. Người bán có thể là cá nhân, hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp. Có người đạt doanh thu vài chục tỷ một năm, nhưng không ít trường hợp chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Do đó, tôi cho rằng, muốn áp dụng hóa đơn điện tử với cá nhân kinh doanh bán hàng online, livestream, cần sửa luật, trong đó làm rõ địa vị pháp lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Chúng ta phải xác định được những đối tượng đó là ai, địa vị pháp lý của họ như thế nào để làm cơ sở triển khai, yêu cầu họ xuất hóa đơn điện tử. Đồng thời, phải có những hệ thống thông tin về đối tượng để ứng xử phù hợp, công bằng. Bên cạnh đó, cần đưa ra quy định, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho những hoạt động trên môi trường kinh tế số.
Đối tượng xuất hóa đơn phải xác định địa vị pháp lý của họ là gì, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hay cá nhân kinh doanh. Đồng thời, họ phải đăng ký kinh doanh mới có cơ sở xuất hóa đơn.
Trung Quốc thu thuế livestream thế nào?
Trung Quốc được biết đến có những livestreamer hàng đầu, thu nhập của họ lên tới hàng chục triệu USD một năm. Livestream bán hàng trên mạng ở Trung Quốc chủ yếu là trên các nền tảng thương mại điện tử Taobao, JD.com, Xiaohongshu, Pinduoduo… Đó là bên thứ ba nhận tiền từ người mua và tất cả đều trả tiền qua mã quét QR code, không dùng tiền mặt.
Việc quản lý thuế khá bài bản, khó trốn thuế. Nếu trốn thuế, người bán hàng sẽ bị cơ quan thuế bắt, xử phạt. Người vi phạm hay trốn thuế còn bị đưa vào danh sách đen, bị cấm đi máy bay, tàu hỏa…
Cụ thể, cuối năm 2021, nữ hoàng livestream Vy Á bị kết tội “phù phép” trốn thuế 643 triệu nhân dân tệ, tương đương hơn 2.300 tỷ đồng, bị xử phạt lên đến gần 4.800 tỷ đồng.
Tôi cho rằng, cần sửa quy định để họ có thể xuất hóa đơn thuận lợi. Bản thân họ chỉ là người kinh doanh duy nhất nếu không phải công ty, doanh nghiệp nên phải được tính đến.
Những quy định về kế toán, quản lý tài chính, lập sổ sách chứng từ… cũng phải rất đơn giản để hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng. Hình thức đăng ký, lập sổ sách đơn giản, thủ tục hành chính, thủ tục pháp luật phù hợp mô hình kinh doanh… là cơ sở tốt để họ có thể xuất hóa đơn, đảm bảo tính khả thi.
Bên cạnh đó, cần xác định mức doanh thu phù hợp làm mốc xác định nghĩa vụ đăng ký thuế. Theo quy định, Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, người có doanh thu từ kinh doanh dưới 100 triệu đồng một năm sẽ không phải chịu thuế, gồm trường hợp thu nhập phát sinh từ bán hàng online.
Xin cảm ơn ông.
Những phiên livestream bán hàng chục tỷ, trăm tỷ đồng
Thời gian qua, hoạt động livestream bán hàng diễn ra rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube… Đáng chú ý, nhiều phiên livestream bán hàng ghi nhận doanh thu chục tỷ, trăm tỷ đồng.
Điển hình gần đây xuất hiện một số phiên livestream bán hàng quy mô lớn trên TikTok, còn gọi là Megalive Quyền Leo Daily, đạt doanh số kỷ lục đến 100 tỷ đồng, diễn ra hồi đầu tháng 5/2024.
Mới đây, TikToker này tiếp tục tổ chức phiên Megalive ngày 5/6 với mục tiêu doanh số lên đến 150 tỷ đồng, hứa hẹn tặng quà giá trị lớn như ô tô, 100 máy tính bảng cho khách hàng đăng ký sự kiện và tham gia phiên bán hàng. Sau 40 giờ “lên sóng” ròng rã, livestream kết thúc với doanh số khoảng 80 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu, nhưng cũng không phải con số nhỏ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Gặp gỡ Chuppi - nữ streamer xinh đẹp với giọng hát bùng nổ livestream
Hải Ninh thực hiện