Thủ tướng: 9 sách lược để Tây Nguyên phát triển bền vững

Google News

Thủ tướng cho rằng giao thông phải kết nối, góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây.

Sáng 20-11, tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề “Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững”.
Phát triển để ổn định
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Nhưng theo Thủ tướng, Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng do bốn nguyên nhân chính. Đó là kết cấu hạ tầng còn bất cập; nguồn lực còn thiếu; kết nối vùng còn chưa tốt; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu quốc gia, quốc tế.
Nhắc lại câu chuyện cách đây 20 năm xảy ra vụ việc bất ổn tình hình, Thủ tướng cho biết khi đó chúng ta phải ổn định tình hình chính trị, từ đó phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Hiện nay tình hình thay đổi, chúng ta chuyển trạng thái, phát triển kinh tế - xã hội để ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội Tây Nguyên.
“Làm tốt kinh tế - xã hội thì góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, trật tự xã hội và ngược lại, tình hình ổn định tốt thì mới yên tâm phát triển kinh tế - xã hội. Đây là hai mặt song song của quá trình nhưng tùy tình hình mà thay đổi thứ tự ưu tiên” - Thủ tướng nói.
Thu tuong: 9 sach luoc de Tay Nguyen phat trien ben vung
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, đồng hành với Chính phủ, các địa phương ở vùng Tây Nguyên. Cùng với đó, tích cực tham gia thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; khai thác, tận dụng cơ hội để phát triển, tham gia sâu vào những ngành kinh tế được xác định là trọng tâm, ưu tiên.
“Các nhà đầu tư đã nói phải làm, đã cam kết, đã hứa thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có hiệu quả” - Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng các nhà đầu tư cần nêu cao tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cân bằng lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành quy hoạch; thúc đẩy đầu tư công, cứ 10 ngày phải kiểm tra tiến độ các dự án, dứt khoát ai không làm được thì thay thế, không điều chuyển nguồn sang năm 2023, dành vốn cho các dự án giải ngân tốt. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thủ tục hành chính, vừa chống lạm phát vừa phải thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Chín sách lược cho vùng Tây Nguyên
Trong kết luận, Thủ tướng vạch ra chín sách lược để vùng Tây Nguyên phát triển ổn định, bền vững. Đó là:
Thứ nhất, phải tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù. “Chính phủ sẽ mạnh dạn cho địa phương thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ”. “Thể chế, chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nên các địa phương Tây Nguyên phải chủ động đề xuất” - Thủ tướng cho biết.
Thứ hai, phải phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông để kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới và phát triển hạ tầng y tế, giáo dục.
Thủ tướng cho rằng giao thông phải kết nối, góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang kinh tế Bắc - Nam, dựa vào các trục giao thông chính: Đường sắt, đường bộ, cao tốc Bắc - Nam.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó cần lưu ý phát triển hệ thống trường đại học, trường dạy nghề. “Các đồng chí phải chủ động chứ không ai làm thay được” - Thủ tướng đề nghị.
Thứ tư, cần tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế rừng. Thủ tướng lấy ví dụ tài nguyên bauxite có nhiều nhưng cần chú ý phát triển xanh, công nghệ cao. Khai thác bauxite có nhiều công đoạn, trước khi ra nhôm thì có nhiều phụ phẩm cần xử lý để bảo vệ môi trường, làm sao các sản phẩm liên kết chuỗi tuần hoàn, bảo đảm chất lượng đầu ra.
Thứ năm, phát triển công nghiệp chế biến, phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, sạch.
Thứ sáu, phát triển văn hóa gắn với du lịch.
Thứ bảy, phát triển bao trùm, toàn diện, bền vững. Muốn vậy phải xuất phát từ bài toán quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược.
Thứ tám, huy động nhiều nguồn lực cho phát triển, gồm đầu tư công, nguồn vốn xã hội, hợp tác công tư. Đầu tư công thì kết hợp cả nguồn lực trung ương và địa phương.
Thứ chín, xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững, ổn định, phải có truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
Sẵn sàng hỗ trợ Tây Nguyên tăng năng lực kết nối vùng
Tại hội nghị, nhất trí với quan điểm yếu tố quan trọng cho phát triển Tây Nguyên là kết cấu hạ tầng, ông Andrew Jefffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết ADB đã cam kết hỗ trợ tám dự án tại Tây Nguyên giai đoạn 2023-2026. “ADB sẵn sàng hỗ trợ Tây Nguyên phát triển năng lực kết nối vùng” - ông Andrew Jefffries nói.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany cam kết EuroCham sẵn sàng hỗ trợ thực hiện các quy định về kinh tế xanh tại Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng mà Nghị quyết 23 đưa ra. Theo đó, từ ngày 28 đến 30-11, EuroCham và chín hiệp hội doanh nghiệp thành viên sẽ tổ chức Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh (GEFE) năm 2022 tại TP.HCM. Sự kiện sẽ thu hút 150 nhà đầu tư lớn của châu Âu đến Việt Nam.
LƯU ĐỨC (Theo chinhphu.vn)
Theo Võ Tùng/ PLO