Cả dân tộc kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo
Lễ míttinh do Bộ Tài nguyên-môi trường, UBND tỉnh Nam Định tổ chức tại khu du lịch Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định sáng 8-6.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cùng với đất liền, biển đảo là không gian sinh tồn của đất nước, là một bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cả dân tộc kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo - Ảnh: Xuân Long |
Tự hào, trân trọng truyền thống lịch sử, Thủ tướng khẳng định: “chúng ta phải phát huy sức mạnh to lớn của cả dân tộc để phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay có ngày, có trời có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ các nước có lợi ích ở Biển Đông, có hành động thiết thực góp phần bảo vệ an ninh, hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và bảo vệ môi trường biển.
Việt Nam kiên trì, kiên quyết yêu cầu các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC).
Tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
“Chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ hòa bình trên mỗi ngọn sóng của biển Đông, là tiền đề xây dựng nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Đó là niềm mong ước, khát vọng hàng nghìn năm của dân tộc ta, và là trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao từ các thế hệ tiền nhân, các hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã trao quyền cho mỗi thế hệ con cháu chúng ta hôm nay và mai sau..." - Thủ tướng nhấn mạnh.
Khẳng định những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới, Thủ tướng nhấn mạnh: thứ nhất, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng và lợi ích quốc gia trên biển bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế.
Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cần tăng cường năng lực cùng người dân trên đảo, ngư dân trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Thứ hai, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên biển trong phát triển kinh tế đất nước, phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp từ 53-56% GDP.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển và hải đảo nhằm thiết lập luận cứ khoa học trong xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển, hải đảo và chủ quyền an ninh quốc gia.
Thứ tư, huy động, thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế biển, khuyến khích các tổ chức cá nhân tăng cường đầu tư và áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...
Thứ năm, bảo vệ môi trường biển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường vùng ven biển, kết hợp ứng phó kịp thời các sự cố môi trường...
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động vi phạm chủ quyền.
Mời quý độc giả xem video Toàn cảnh lễ tuyên thệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nguồn Tiền Phong):
Theo Tuổi Trẻ