Sáng 16/3, chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp trên.
Thủ tướng nêu rõ, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước ta xác định xây dựng, phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột (xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa). Quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. |
Theo Thủ tướng, nhà ở là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, "an cư mới lạc nghiệp", công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
Thủ tướng nêu rõ, việc phát triển nhà ở xã hội là phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, với truyền thống văn hóa – lịch sử, đạo đức xã hội của dân tộc ta là lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.
Thủ tướng điểm lại một số cơ chế ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội như: Được dành tối đa 20% tổng diện tích đất để xây dựng công trình, dịch vụ, nhà ở thương mại; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất; được vay vốn với lãi suất ưu đãi; cắt giảm quy định về điều kiện cư trú đối với đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; các đối tượng là công nhân, lực lượng vũ trang được hưởng thêm các chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang…
Người đứng đầu Chính phủ nhận định, thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội đã có chuyển biến tích cực, các bộ ngành, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp cùng tìm cách, cùng làm, người dân cũng cố gắng, đã làm được một số việc, nhưng đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được; nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm; những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương.
"Cơ chế, chính sách đã đúng, trúng chưa, nếu cơ chế, chính sách đã đúng, trúng rồi mà chưa làm được thì nguyên nhân chủ quan, khách quan do đâu, cách tháo gỡ thế nào, mỗi chủ thể phải làm gì”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng nhấn mạnh, muốn thực hiện được mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, đặt mình vào địa vị của người khác, "trong tôi có anh, trong anh có tôi", đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động".
Thủ tướng lấy ví dụ, doanh nghiệp đã làm thì phải có lãi, nhưng vấn đề là lãi ở mức nào vì nếu lãi nhiều thì người dân không mua được, lãi ít thì doanh nghiệp không vui?
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đã giao chỉ tiêu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải tập trung làm; phải đặt bài toán này trong tổng thể của các nguồn lực; cần suy nghĩ xem có vận dụng được kinh nghiệm nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây vào phát triển nhà ở xã hội hiện nay hay không?
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của cấp cơ sở - nơi gần dân nhất, sát dân nhất; tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", yêu cầu làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó trong phát triển nhà ở xã hội.
Trước đó, ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 338/QĐ-TTg về "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư vay với mức lãi suất thấp.
Báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Về quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, cả nước hiện đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.252ha so với năm 2020.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội (như tỉnh Bắc Ninh 15 dự án, 6.000 căn; Bắc Giang 5 dự án, 12.475 căn; Hải Phòng 7 dự án, 11.678 căn; Bình Dương 7 dự án, 6.557 căn; Đồng Nai 8 dự án, 9.074 căn; Bình dương 7 dự án, 6.557 căn; Thanh Hóa 9 dự án, 4.948 căn...).
Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025 như Hà Nội 3 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; TP.Hồ Chí Minh 7 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%;...
Một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng...
Theo báo cáo, hiện nay đã có đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 08 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm
Hải Ninh