Thủ tướng dự lễ khánh thành cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây

Google News

Sáng 29/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây.

Lễ khánh thành diễn ra dưới hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu Thanh Hóa và Bình Thuận.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 2 Dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là Phan Thiết - Dầu Giây (tại Bình Thuận) và Mai Sơn - Quốc lộ 45 (tại Thanh Hóa) là những đoạn tuyến quan trọng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, thuận lợi, an toàn giữa Bình Thuận - TP HCM, giữa Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa và các địa phương khác.
Thu tuong du le khanh thanh cao toc Mai Son - Quoc lo 45, Phan Thiet - Dau Giay
 Lễ khánh thành và thông xe 2 tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc Lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây.
Việc đưa vào khai thác thời điểm này càng ý nghĩa hơn khi nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4; ngày Quốc tế lao động 1/5; ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại 19/5 và Bình Thuận đang tổ chức nhiều hoạt động của năm du lịch quốc gia 2023.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài 652,86km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công).
Tính đến cuối tháng 4/2023, Dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2km) và Cam Lộ - La Sơn (98,3 km) đã đưa vào khai thác. Các dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,37km (đã hoàn thành 53,67km, còn khoảng hơn 9km và các hạng mục còn lại sẽ được hoàn thành trước 30/6/2023) và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km chính thức đưa vào khai thác ngày 29/4/2023.
Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8km) và Dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm (dự án PPP, dài 49,1km) dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2023.
Các đoạn tuyến khác đã được Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành đưa vào khai thác, cụ thể: Dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (dài 43,28km), Dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50km) và Dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu (dài 6,01km) dự kiến hoàn thành quý III và IV/2023. Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (dự án PPP, dài 49,3km) và Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dự án PPP, dài 78,5km) sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Thu tuong du le khanh thanh cao toc Mai Son - Quoc lo 45, Phan Thiet - Dau Giay-Hinh-2
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. 
Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài tuyến khoảng 99km đi qua các tỉnh: Bình Thuận (chiều dài khoảng 47,5km) và tỉnh Đồng Nai (chiều dài khoảng 51,5km). Chiều dài đoạn tuyến nối từ cao tốc đến quốc lộ 1A khoảng 2,6km.
Dự án có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh (cách quốc lộ 1A khoảng 2,6km), tỉnh Bình Thuận (điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại khoảng Km43+125 (theo lý trình dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) thuộc xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung Bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên quốc lộ 1A; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung bộ; cũng như từ bắc vào nam.
Dự án còn góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa.
Thu tuong du le khanh thanh cao toc Mai Son - Quoc lo 45, Phan Thiet - Dau Giay-Hinh-3
 Tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về Thanh Hóa chỉ còn khoảng 2 giờ đồng hồ.
Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 có chiều dài tuyến khoảng 63,37km đi qua các tỉnh Ninh Bình (chiều dài khoảng 14,35km; tỉnh Thanh Hóa (chiều dài khoảng 49,02km).
Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ rút ngắn hành trình di chuyển, đẩy nhanh thời gian kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị từ Hà Nội với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa các khu vực phía bắc và Bắc Trung Bộ, cũng như từ bắc vào nam; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.
Thu tuong du le khanh thanh cao toc Mai Son - Quoc lo 45, Phan Thiet - Dau Giay-Hinh-4
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cắt băng khánh thành Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 tại điểm cầu Thanh Hóa. 
Theo Thủ tướng, hành lang vận tải Bắc - Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước.
Việc đưa vào khai thác 2 dự án với tổng chiều dài hơn 160 km; nâng tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc Nam lên 800 km.
Thủ tướng cũng ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực vượt qua khó khăn của chủ đầu tư, các nhà thầu, các địa phương có dự án đi qua. Quyết tâm của các đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thi công trong giai đoạn cực kỳ khó khăn như dịch bệnh COVID-19 và biến động giá cả bất thường. Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương sự ủng hộ của nhân dân đã nhường đất canh tác, nhường nơi ở để triển khai dự án.
Để dự án đi vào vận hành hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải tổ chức quản lý, điều hành hiệu quả các đoạn cao tốc đã hoàn thành; các đoạn đường kết nối trong khu vực; thực hiện tốt công tác bảo dưỡng, quản lý các tuyến đường; phát huy tối đa lợi ích đường cao tốc mang lại bằng việc quy hoạch các khu công nghiệp, các khu đô thị, dân cư mới kết nối với cao tốc; các địa phương quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt có trách nhiệm hỗ trợ sinh kế cho người dân đã nhường đất cho dự án.
>>> Mời độc giả xem thêm video 11.100 tỷ đồng xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái:

(Nguồn: Nhân Dân)

Bình Minh