Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ vừa chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian vừa qua đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.041 quy định kinh doanh tại 101 văn bản. Cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, CCHC được Đảng ta coi là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân - Ảnh: VGP
|
Năm 2022 đã ban hành 3 Nghị định và đang xem xét để ban hành 3 Nghị định, quy định các nội dung liên quan đến chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Giai đoạn 2020-2022, đã tuyển dụng gần 19.000 công chức và hơn 125.000 viên chức; khắc phục phần nào tình trạng gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc thời gian qua.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh những ý nghĩa của công tác cải cách hành chính trong việc tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, băn khoăn, trăn trở cần sớm khắc phục và làm tốt hơn nữa. Trong đó, có 46/63 tỉnh vẫn còn để xảy ra tình trạng sách nhiễu, phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; 22/63 địa phương để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí - tiền “bôi trơn”…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do nhận thức chưa đúng tầm về sự quan trọng của công tác CCHC, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số nơi còn chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo và chậm đổi mới. Có nơi còn lúng túng, thiếu linh hoạt trong việc chỉ đạo xử lý các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Một số cá nhân người đứng đầu có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, ảnh hưởng đến tiến độ.
Về quan điểm, yêu cầu thủ tục hành chính, Thủ tướng nêu rõ, phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó.
CCHC phải được tiến hành đồng bộ, thông suốt, quyết tâm hành động từ Trung ương xuống địa phương theo tinh thần "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, đi đầu trong cải cách.
Trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ bao trùm là: “Tập trung đẩy mạnh thủ tục hành chính gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, trọng tâm là cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm phục vụ.
Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành kế hoạch thủ tục hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan, địa phương trước ngày 15/2/2023. Đồng thời đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị.
Bộ Nội vụ cần khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí xác định số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và chính sách liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh, góp phần nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Khẩn trương xây dựng, trình ban hành Nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, hoàn thành trong tháng 4 năm 2023.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/2, trả lời báo chí về Nghị định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo đang được Bộ Nội vụ xây dựng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, khi Bộ Nội vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo, thì trong tháng 12/2022, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tư pháp để thống nhất hình thức, quy trình xây dựng Nghị định.
Sang cuối tháng 12/2022, Bộ Tư pháp đồng ý với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ xây dựng Nghị định theo hình thức rút gọn. Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đồng ý xây dựng Nghị định này theo hình thức rút gọn.
Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đang thành lập Ban soạn thảo để chuẩn bị xây dựng Nghị định theo quy định. Đây là Nghị định rất phức tạp, liên quan đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, các vị trí cán bộ. Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các ban ngành đoàn thể Trung ương để xây dựng Nghị định thể chế hóa được chủ trương của Đảng và đảm bảo được tính khả thi.
Nội dung của Nghị định chủ yếu tập trung vào các ý sau: Thứ nhất, làm rõ được phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Về phạm vị điều chỉnh, chúng ta quy định các nguyên tắc, các điều kiện, các quy trình bảo vệ. Về đối tượng áp dụng thì thực sự là rất phức tạp, rất rộng.
Nội dung thứ hai là phải làm rõ được nguyên tắc của quy định bảo vệ. Nội dung thứ ba là phải làm rõ được quy trình thực hiện việc bảo vệ, khuyến khích bảo vệ. Thứ tư là làm rõ điều kiện khuyến khích, điều kiện bảo vệ. Thứ năm là làm rõ các hình thức khuyến khích bảo vệ ra sao. Hiện nay, Bộ đang thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập và cố gắng trình Chính phủ sớm nhất, phấn đấu trong quý II.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm
Hải Ninh