Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chủ động ứng phó biến thể Omicron

Google News

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới...

Ngày 30/11, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19..
Không nên quá hoang mang, lo lắng
Theo đó, để chủ động kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khẩn trương chuẩn bị các phương án về vắc-xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương, nhất là TP HCM và các tỉnh phía Nam, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin; tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa bàn, địa phương có diễn biến dịch phức tạp và chủ động triển khai các biện pháp phù hợp điều trị sớm các trường hợp nhiễm mới để hạn chế trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Trước đó, tối 29/11, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch. Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm biến thể Omicron nhập cảnh Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta.
Ngay trong sáng 30-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc với đại diện WHO tại Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại khu vực Đông Nam Á về ứng phó với biến chủng Omicron.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 với biến thể này. Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo tăng cường giám sát dịch Covid-19 để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch, giải trình tự gien các ca nghi ngờ.
Tại buổi làm việc, để kiểm soát và ứng phó với biến chủng Omicron, đại diện của WHO và CDC khuyến nghị chú trọng 4 yếu tố: Thứ nhất, tăng cường giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến thể Omicron. Thứ hai, đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bao phủ vắc-xin Covid-19.
Thứ ba, tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị khi ca bệnh tăng cao, trong đó có ca bệnh mang biến thể Omicron. Cuối cùng là đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch, công bố thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gien các ca Covid-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến chủng mới…
"Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với WHO, CDC trong công tác phòng chống dịch Covid-19, cũng như ứng phó với biến thể mới. Người dân cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch, song không nên quá hoang mang, lo lắng" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Thu tuong Pham Minh Chinh: Chu dong ung pho bien the Omicron
Hành khách nước ngoài vào Việt Nam thực hiện nghiêm ngặt việc khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe. Trong ảnh: Du khách Hàn Quốc làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang ngày 20-11. Ảnh: Dương Ngọc.
Chủ động giải trình tự gien
Theo Bộ Y tế, biến thể Omicron được phát hiện tại một số quốc gia phía Nam châu Phi như Nam Phi, Botswana... Đây là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2. Biến thể này được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác, thậm chí có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta.
Mất nhiều tháng để có vắc-xin mới
Ngày 30/11, Nhật Bản ghi nhận ca mắc biến thể Omicron đầu tiên. Trước đó, ngày 29/11, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố đóng cửa biên giới để ngăn chặn nguy cơ lây lan của biến thể này.
Giới khoa học đang lo ngại biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh và đột biến di truyền. Ông Jeffrey Barrett, Giám đốc sáng kiến gien Covid-19 tại Viện Wellcome Sanger (Anh), mô tả chủng Omicron có chứa các đột biến từ 4 biến thể gây lo ngại trước đó là Alpha, Beta, Gamma và Delta. Biến thể Omicron có số đột biến "chưa có tiền lệ" giúp virus phá vỡ hệ thống phòng thủ miễn dịch của cơ thể.
Các nhà khoa học cảnh báo những dấu hiệu ban đầu cho thấy các loại vắc-xin hiện nay giảm hiệu quả trước biến thể này. Đưa ra nhận định trên, ông Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành hãng dược Moderna, nói sẽ mất nhiều tháng để phát triển và xuất xưởng một loại vắc-xin chống lại biến thể Omicron. Giám đốc điều hành hãng Pfizer Albert Bourla cũng tiết lộ hãng này đang bắt đầu sản xuất một loại vắc-xin ngừa biến thể Omicron.
X.Mai
Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19. Đồng thời, yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Nhằm chủ động ngăn chặn nguy cơ lây lan của biến thể mới, Bộ Y tế cũng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique; tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến và đi về từ các quốc gia trên. Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 trước biến thể Omicron trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Liên quan đến việc ứng phó biến thể Omicron, Tiểu Ban Truyền thông - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng vừa ban hành kế hoạch truyền thông phòng chống dịch Covid-19 với thông điệp "Cảnh giác, chủ động để bảo vệ thành quả phòng chống dịch".
Theo đó, đối với Bộ Y tế (Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19), cần chủ động cung cấp thông tin về những diễn biến mới, kèm theo những lý giải, phân tích giữa tình hình dịch bệnh trong nước và tình hình dịch bệnh trên thế giới để người dân có cái nhìn tổng thể về mức độ kiểm soát dịch ở Việt Nam, cũng như chuẩn bị tâm thế để ứng phó với những diễn biến mới trong thời gian tới.
Theo Ngọc Dung - Thế Dũng/Người lao động