Cũng trong tháng 2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc xuất ngân sách Nhà nước để nhập vắc-xin ngừa COVID -19 trong tháng 2/2021. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần "vắc-xin + 5K" để ngăn chặn dịch hiệu quả hơn.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ. |
Thủ tướng chỉ đạo: "Truy vết, khoanh vùng thần tốc hơn nữa. Phải nhanh chóng tiêm vắc-xin cho các đối tượng mà Nghị quyết của Chính phủ đã quy định, gồm các đối tượng dễ lây nhiễm, người nghèo, gia đình chính sách. Yêu cầu ngay trong tuần này, Bộ Y tế triển khai rộng rãi chủ trương quan trọng này".
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ còn khẳng định bảo đảm ngân sách và các mặt khác để mọi người được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, ngành y tế và các cấp phải tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác này một cách nhanh chóng.
Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", tình hình dịch COVID-19 đến nay đã cơ bản kiểm soát, trừ huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) vẫn còn xuất hiện một số ca nhiễm mới. "Chúng ta đã kiểm soát với tinh thần thần tốc, truy vết, xét nghiệm diện rộng, triển khai các biện pháp cấp bách"- Thủ tướng nói tại phiên họp.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành y tế tổ chức tiêm kịp thời hơn nữa cho các đối tượng theo Nghị quyết đã ban hành.
Trước đó, khoảng 11h trưa 24/2, lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên đã về tới Việt Nam qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Lô vắc-xin có 117.600 liều đầu tiên theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều Astrazeneca đã ký với Bộ Y tế và Hệ thống tiêm chủng VNVC. Như vậy, ngoài 4 đơn vị trong nước đang "chạy đua" sản xuất vắc-xin, Việt Nam chính thức có vắc xin nhập khẩu sau nhiều tháng nỗ lực đàm phán.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường phát biểu: “Lô vắc-xin đầu tiên về rất kịp thời cho công tác phòng, chống dịch của chúng ta hiện nay. Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế thì nhất định cần thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng.
>>> Mời các bạn xem thêm video: Lô vắc-xin COVID-19 nhập khẩu đầu tiên đã về tới Việt Nam
Ánh Dương