"Phải có giải pháp mới mạnh mẽ, hiệu quả hơn"
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4. Với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã vào cuộc một cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định tình hình mới diễn biến phức tạp hơn, do vậy phải có biện pháp phòng, chống dịch tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và thần tốc hơn mới đẩy lùi, kiềm chế việc bùng phát dịch, đặc biệt tại các thành phố, các khu công nghiệp lớn.
“Tình hình khác thì phải có giải pháp mới mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Tinh thần là thần tốc, quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn, chống dịch như chống giặc” - Thủ tướng nhấn mạnh.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
|
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện nay xuất hiện nhiều ổ dịch lớn cùng một lúc ở một số tỉnh, thành phố. Hình thái lây nhiễm nổi trội nhất trong thời điểm hiện nay là lây nhiễm trong khu công nghiệp, sau đó lây nhiễm từ khu công nghiệp ra cộng đồng và từ cộng đồng lây ngược lại khu công nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay qua giải trình tự gen virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng đang phổ biến là chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh. Trong đó, chủng của Ấn Độ đang phổ biến nhất, chủng Anh chỉ có ở Đà Nẵng và một số địa phương khác.
Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, cơ quan y tế phát hiện chủng mới có sự lai tạo giữa chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh. Theo đó, trên chủng Ấn Độ có những đột biến gen của chủng Anh. Đặc điểm của chủng này lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh. Số ca mắc tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn.
"Tới đây chúng tôi sẽ công bố toàn bộ gen trên thế giới" - bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Bắc Giang, Bắc Ninh vẫn phức tạp
Trong báo cáo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích cụ thể tình hình tại 4 địa phương dịch đang phức tạp.
Tại Bắc Giang, số lượng mắc mới nhiều và có nguy cơ tăng liên quan đến khu công nghiệp. Bộ trưởng Long nhận định những ngày tới đây Bắc Giang sẽ tiếp tục có những ca mắc mới. Việc Bắc Giang dồn lực chống dịch sẽ giúp kiểm soát nhưng không thể kiểm soát được trong thời gian ngắn.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nguy cơ lây nhiễm cao ở các khu công nghiệp do mật độ công nhân đông, trong khi không gian nhà xưởng, công ty… có trần thấp, không khí kém, công nhân dùng chung nhà vệ sinh, đi xe chung và có trường hợp ở trọ chung.
Tại Bắc Ninh, những ngày gần đây thường xuyên có 50-100 ca mới mỗi ngày. Tuy nhiên các ca mới này hầu hết đã được cách ly từ trước hoặc ở trong khu công nghiệp đã được phong tỏa. Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp có khả năng phức tạp hơn.
Tại TP.HCM và Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao các biện pháp bài bản, chủ động của hai thành phố để phong tỏa, cách ly, xét nghiệm, truy vết nhanh. Đây là cách làm đúng đắn, nâng cao mức độ chống dịch để cố gắng kiểm soát tốt tình hình.
Theo Bộ trưởng, hiện việc lây nhiễm ở các bệnh viện có giảm, nguy cơ lây nhiễm ở các khu công nghiệp là cao nhất. Do vậy phải tìm giải pháp làm sao để phòng, chống dịch hiệu quả trong các khu công nghiệp. Đây là việc rất quan trọng vì trường học có thể cho học sinh nghỉ hạn chế lây nhiễm nhưng ở các khu công nghiệp khó cho công nhân nghỉ.
Từ đó, ông Long đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương đặt mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt các khu công nghiệp. Thực hiện phương án giãn cách, kế hoạch phòng, chống dịch cho từng nhà máy, khu công nghiệp. Đồng thời, lên kế hoạch giãn cách sản xuất, cần thiết có thể thực hiện ngay ở những khu, khâu sản xuất có nguy cơ cao.
Tăng cường quản lý công nhân tại nơi làm việc, phương tiện giao thông và tại nơi cư trú. Nếu không, chỉ 1 ca dương tính có thể lây nhiễm ngay cho toàn bộ khu công nghiệp.
Mặt khác, theo ông Long, điểm mới trong phòng, chống dịch hiện nay là xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng bằng test nhanh kháng nguyên. Từ việc xét nghiệm nhanh 15.000 mẫu ở Bắc Giang cho thấy kết quả và hiệu quả chấp nhận được. Có một số trường hợp nhầm nhưng "thà nhầm còn hơn bỏ sót".
Do vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị các đơn vị xét nghiệm sàng lọc thường xuyên. Đơn vị có điều kiện thì xét nghiệm sàng lọc nhiều, nếu không cũng cố gắng đạt được 20% số người được xét nghiệm.
Riêng hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, tình hình diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong vài ngày tới. Do vậy, hai tỉnh tùy tình hình thực tế có thể áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên phạm vi rộng hơn.
Sáng 29/5, Việt Nam có thêm 87 ca mắc COVID-19 trong nước, riêng hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã chiếm 84 ca. Số ca mắc COVID-19 trên thế giới hiện vượt mốc 170 triệu.
Như vậy, tính đến 6h sáng 29/5, Việt Nam có tổng cộng 5.164 ca ghi nhận trong nước và 1.493 ca COVID-19 nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 3.594 ca.
Có 8 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 mới. Từ ngày 29-4 đến nay đã xét nghiệm 1.132.626 mẫu cho 2.106.308 lượt người.
Với 87 ca bệnh COVID-19 mới, tổng số bệnh nhân ghi nhận từ đầu mùa dịch là 6.601 người, trong đó 2.986 người đã khỏi bệnh và được ra viện.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh COVID - 19 tại xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc
Hiểu Lam