Thủ tướng trả lời chất vấn về sự chậm trễ của đường sắt Cát Linh

Google News

Bộ GTVT chịu trách nhiệm chính trong việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. UBND Hà Nội chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Huyền Mai (Đoàn ĐBQH Hà Nội) về tháo gỡ khó khăn tại 3 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và trách nhiệm việc tuyến đường sắt 2A Cát Linh - Hà Đông chậm trễ hơn một thập kỷ.
Theo quy hoạch phát triển giao thông đô thị, TP Hà Nội sẽ xây dựng 8 tuyến đường sắt nhằm tăng cường loại hình vận tải hành khách công cộng, giảm ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, liên tục phải điều chỉnh dự án, thủ tục nên việc triển khai theo quy hoạch chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Chưa biết khi nào hoàn thành
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh nhiều lần, đến nay chưa xác định chính thức thời gian hoàn thành dự án.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT), tổng thầu chưa đề xuất mốc thời gian hoàn thành cụ thể nhưng dự kiến công tác nghiệm thu, chuyển giao dự án vào ngày 31/12/2019.
Thu tuong tra loi chat van ve su cham tre cua duong sat Cat Linh
Nhà ga tuyến Cát Linh - Hà Đông bị biến thành chợ cây cảnh, đồ gốm sứ trong lúc chờ vận hành. Ảnh: Ngọc Tân.
Tuy nhiên, tiến độ tổng thầu đưa ra còn có nhiều nội dung chưa chi tiết nên Bộ GTVT đánh giá mốc thời gian nêu trên không khả thi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu tổng thầu lập kế hoạch chi tiết đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án.
Theo Thủ tướng, dự án đang có chuyển biến tích cực và hoàn thiện các thủ tục pháp lý, căn chỉnh đồng bộ hệ thống để triển khai vận hành thử toàn hệ thống. Thủ tướng đã chỉ đạo đưa dự án vào vận hành khai thác nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn; những sai phạm phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Theo Bộ GTVT, tổng thầu và chủ đầu tư (Bộ GTVT) chịu trách nhiệm chính việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, Ban quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án; tư vấn thiết kế bước lập dự án và chất lượng lập dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng (UBND Hà Nội) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng; tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng...
Nâng cao tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu.
Đối với tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên), tuyến chạy chung giữa đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia.
Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004, đến nay đã có nhiều thay đổi phải điều chỉnh dự án; ngoài ra, nhiều ý kiến băn khoăn về chủ trương và vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính của dự án (theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017) và trách nhiệm quản lý đầu tư dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội (theo quy định của Luật Đường sắt năm 2017).
Thu tuong tra loi chat van ve su cham tre cua duong sat Cat Linh-Hinh-2
 Sau nhiều lần chạy thử, tuyến Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa được chạy thật. Ảnh: Việt Linh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay ông đã giao Bộ GTVT đề xuất giải pháp xử lý. Chính phủ sẽ xem xét có ý kiến chỉ đạo trong đó có việc điều chỉnh dự án, làm cơ sở để Bộ GTVT, UBND Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện.
Còn Dự án đường sắt đô thị tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo trong quá trình triển khai phải điều chỉnh cả thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư dự án.
Về việc này, Thủ tướng đã giao UBND Hà Nội khẩn trương thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định tại Nghị định số 131 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia. UBND Hà Nội đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định.
Thủ tướng cho biết các bộ, ngành có liên quan đang khẩn trương rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư trong lĩnh vực đường sắt đô thị. Các bộ, ngành sẽ cân đối bố trí vốn để triển khai các dự án, đặc biệt ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ động làm việc với các nhà tài trợ quốc tế xem xét, sửa đổi các điều kiện vay vốn theo hướng nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu.
Ông cũng yêu cầu tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để từng bước làm chủ hoàn toàn về công nghệ xây dựng đường sắt đô thị; Tăng cường phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, chủ động giải quyết các vấn đề có liên quan trong quá trình triển khai dự án.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD).
Quá trình thực hiện, dự án đội vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD và 198,42 triệu USD vốn đối ứng Việt Nam.
Sau nhiều năm chậm tiến độ, đến nay dự án đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng 13,05 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao và khu depot Yên Nghĩa, đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là quá trình cung cấp hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống. Tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp đầy đủ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến các chứng chỉ, minh chứng về thí nghiệm trong quá trình sản xuất, thiết bị đoàn tàu.
Theo Sơn Hà/Zing.vn