Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ như sau:
“Bán đảo Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn sinh cảnh, đa dạng sinh học quý hiếm. Chính phủ đã quyết định là khu rừng cấm từ năm 1977 với 4.000 ha, là khu bảo tồn thiên nhiên từ năm 1992 (4.439ha), là khu bảo tồn đa dạng sinh học (3.871ha). Vì sao sau đó Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký quyết định Sơn Trà là rừng đặc dụng, diện tích còn 2.591ha năm 2014? Dù tất cả các quyết định trên của Chính phủ từ năm 1977 đến nay vẫn còn hiệu lực.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. |
Xin cho biết việc chuyển Sơn Trà thành khu du lịch Quốc gia, diện tích 4439ha có phù hợp với pháp luật bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học hay không? Nhiều cử tri Đà Nẵng, các nhà khoa học chuyên gia kiến nghị hủy bỏ quyết định này. Xin Chính phủ cho biết quan điểm?
Xin cho biết việc cấp phép phát triển du lịch, bất động sản ở Sơn Trà (6000 phòng lưu trú, gần 2000 biệt thự) đã được thanh tra đến đâu, đã có kết luận hay chưa?
Căn cứ pháp lý nào quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà?
Trả lời câu hỏi chất vấn liên quan đến Dự án bán đảo Sơn Trà, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lập Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2030 căn cứ vào các văn bản pháp lý chính sau:
Quyết định số 41-TTg ngày 24/1/1977 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu rừng cấm bán đảo Sơn Trà với diện tích 4.000ha. Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 15/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tiến hành rà soát 3 loại rừng và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trước khi Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Từ đó có Quyết định số 6758/QĐ-UBND ngày 20/9/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008-2020, trong đó xác định rõ diện tích rừng đặc dụng bán đảo Sơn Trà là 2.591ha.
|
Bán đảo Sơn Trà và khu vực phía đông TP Đà Nẵng được phê duyệt vào quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Kinhtedothi. |
Theo Điều 53 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 thì được phép kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường trong rừng đặc dụng. Các hoạt động kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường trong rừng đặc dụng thực hiện theo quy định tại Điều 55, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển và Điều 23 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.
Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định, bán đảo Sơn Trà là một trong 47 địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia (Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 và Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ), có diện tích là 1.500ha.
Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu kỳ (2011-2015) của thành phố Đà Nẵng, trong đó đã quy định đất rừng đặc dụng tại quận Sơn Trà là 2.591ha.
Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013, quy định khu vực bán đảo Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn tự nhiên.
Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong Quyết định này, Phụ lục I: danh mục các khu bảo tồn quy hoạch đến năm 2020 và năm 2030 xác định Bán đảo Sơn Trà (phân hạng dự trữ thiên nhiên) có diện tích quy hoạch là 3.871ha.
Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phụ lục II của Quyết định này xác định diện tích sẽ được quy hoạch cho rừng đặc dụng Sơn Trà (phân hạng bảo tồn tự nhiên), là 2.591,1ha.
Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 9/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: “Khu vực quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà nằm trên bán đảo Sơn Trà thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 10km về phía Đông Bắc với tổng diện tích khoảng 4.439ha. Diện tích khu vực tập trung phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia là 1.056ha”.
Chuyển Sơn Trà thành khu du lịch Quốc gia có phù hợp?
Theo Thủ tướng, diện tích toàn bộ bán đảo Sơn Trà (4.439ha) là khu vực nghiên cứu quy hoạch, nhưng diện tích khu vực tập trung phát triển trở thành khu du lịch quốc gia chỉ là 1.056ha. Trong quy hoạch du lịch có nêu cụ thể là tổng diện tích các khu chức năng chỉ chiếm 553,6ha, còn lại là diện tích dự trữ phát triển.
Tuy nhiên ngay cả trên 553,6ha này thì tổng số phòng lưu trú được xác định chỉ là khoảng 1.600. Do quy hoạch du lịch không đề cập đến vấn đề mật độ xây dựng, tầng cao trung bình, hệ số sử dụng đất (thuộc thẩm quyền của quy hoạch xây dựng) nên các chỉ tiêu này không được xác định, tuy nhiên với việc xác định ngưỡng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú của du lịch Sơn Trà là 1.600 phòng thì ước tính tổng diện tích sàn xây dựng của các công trình dịch vụ du lịch chỉ là khoảng 150.000m2 (bằng 15ha). Như vậy, diện tích chiếm đất của các công trình dịch vụ du lịch tối đa là 15ha, trong trường hợp các công trình xây dựng 2, 3 tầng thì diện tích chiếm đất còn giảm hơn nữa. Với quy mô này thì hệ số sử dụng đất được kiểm soát gián tiếp thông qua chỉ tiêu phòng lưu trú là rất nhỏ (dưới 3%). Ngoài phần diện tích xây dựng và khuôn viên vườn hoa, cảnh quan thì phần còn lại được khuyến cáo giữ nguyên trạng.
|
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa. |
Trong quy hoạch du lịch cũng có tính toán sức chứa (đối với các hoạt động du lịch: nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, đi xe đạp...) nhằm kiểm soát lượng khách tới tham quan và du lịch Sơn Trà để đảm bảo các hoạt động du lịch ở mức chấp nhận được với môi trường tự nhiên (khách du lịch được tự do vào Sơn Trà và lượng khách hoàn toàn có thể tăng đột biến vượt quá sức chịu tải môi trường của Sơn Trà trong tương lai gần).
Quy hoạch cũng đề xuất có biện pháp giám sát, quan trắc các tác động của môi trường để có thể kịp thời điều chỉnh các quy định về kiểm soát sức chứa, về hoạt động của khách du lịch khi cần.
Hiện nay, các phương tiện cơ giới cũng được phép đi lại tự do trên hầu hết các tuyến đường trên Sơn Trà (ngoại trừ các khu vực quốc phòng). Tuy nhiên, trong quy hoạch đề xuất hạn chế tối đa giao thông cơ giới, chỉ trên 3 tuyến đường (không khép kín), các tuyến còn lại chỉ cho phép đi bộ dã ngoại và đi xe đạp và chỉ với số lượng hạn chế tối đa trong ngày.
Về thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại Công văn số 9973/VPCP-V.I ngày 19/9/2017, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan (các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng) thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng, xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2018.
Hải Ninh